Vận hành duy tu hè phố ở Hà Nội

Lập thêm đầu mối, có hết rối?

ANTĐ - Theo Sở GTVT Hà Nội cho rằng, do còn phân cấp quản lý nên dẫn đến lộn xộn trong quản lý hè phố. Vì vậy, nên quy về một đầu mối quản lý, tránh tình trạng “năm cha ba mẹ”. Song nhiều người lo ngại, việc này dễ dẫn đến phát sinh thêm một bộ máy quản lý.

Nên tập trung vào quy hoạch đồng bộ vỉa hè trên toàn Thành phố

Hè phố “năm cha ba mẹ”

Trên địa bàn 4 quận Hoàn Kiếm, Ba Đình, Hai Bà Trưng và Đống Đa có 464 tuyến hè phố, phần lớn giao cho UBND các quận quản lý, số còn lại là Sở GTVT Hà Nội quản lý. Báo cáo kết quả kiểm tra chất lượng hè phố trên địa bàn 4 quận của Sở GTVT Hà Nội cho thấy, từ năm 2007 đến nay, công tác đầu tư, duy tu hè phố tiêu tốn khoảng gần 1.000 tỷ đồng. 

Ông Nguyễn Quốc Hùng, Giám đốc Sở GTVT Hà Nội nhận định, quản lý, bảo trì hè tại các quận được giao cho nhiều đơn vị trực thuộc dẫn đến quản lý không thống nhất. Ngoài ra, công tác kiểm tra, giám sát, nghiệm thu, tiếp nhận bàn giao sau cấp phép đào hè chưa có bộ máy chuyên trách thống nhất quản lý, chưa giao cho đơn vị được giao quản lý hè đường đảm nhiệm đã dẫn đến hiện tượng hè bị lún sụt, hỏng hóc tại vị trí hoàn trả.

Lấy dẫn chứng, trên địa bàn quận Ba Đình hiện có 93 tuyến hè phố, trong đó Sở GTVT quản lý 21 tuyến từ tháng 12-2011. Sở GTVT đặt hàng cho Ban QLDA duy tu hạ tầng giao thông và Công ty TNHH MTV Công trình giao thông Hà Nội thực hiện sửa chữa, duy tu thường xuyên. Còn lại, UBND quận quản lý 72 tuyến, giao cho Ban QLDA  ký kết với các đơn khác duy tu. Từ năm 2007 đến nay, kinh phí đầu tư, cải tạo và thực hiện duy trì thường xuyên khoảng 157 tỷ đồng. Ngoài ra, Sở GTVT cũng đầu tư, cải tạo hè phố khoảng 3 tỷ đồng trong năm 2013.

Cũng bởi tình trạng “năm cha ba mẹ” như hiện nay mà  lãnh đạo Sở GTVT cho rằng, kết cấu hè áp dụng trong cải tạo hè không thống nhất, chưa đồng bộ. “Hệ thống hạ tầng kỹ thuật, cấp thoát nước, cây xanh, hè phố do nhiều ngành quản lý. Do vậy, việc cải tạo sửa chữa không đồng bộ dẫn đến chất lượng hè nhanh chóng xuống cấp”, ông Nguyễn Quốc Hùng đánh giá. 

Cần quy hoạch đồng bộ

Sở GTVT kiến nghị UBND TP cần có thiết kế mẫu hè phố áp dụng cho đầu tư, duy tu duy trì hè phố để đảm bảo tính đồng bộ, bền vững, mỹ quan đô thị. Đặc biệt, trong công tác duy tu, theo Sở GTVT nên giao trách nhiệm cho một đầu mối, ký hợp đồng và đặt hàng với đơn vị chuyên ngành có đủ năng lực theo quy định. Đơn vị này cũng chịu trách nhiệm giám sát công tác hoàn trả hè đường, chịu trách nhiệm về chất lượng hè phố do quận quản lý.

Tuy nhiên, kiến nghị này của Sở GTVT không nhận được sự đồng tình từ phía các địa phương. Đại diện các địa phương đều cho rằng, công tác đầu tư, duy tu, quản lý, giám sát hè phố hiện nay đang được thực hiện khá tốt, đồng bộ, không nên “đẻ” thêm ra một cơ quan, đơn vị để quản lý vấn đề này. 

Ông Đào Quang Tâm, Phó trưởng phòng Quản lý đô thị- UBND quận Hoàn Kiếm phân tích, trên địa bàn quận có 166 tuyến hè phố, quận quản lý 163 tuyến. Kinh phí để đầu tư, cải tạo, duy tu hàng năm từ 2007 đến nay khoảng 580 tỷ đồng. Về công tác quản lý, UBND quận và các phường trực tiếp quản lý. Trong duy tu, các đơn vị được ủy quyền hàng năm đều ký hợp đồng với các công ty có chuyên môn về giao thông đô thị thực hiện. Phòng Quản lý đô thị trực tiếp cấp phép, hậu kiểm công tác đào hè. Ông Đào Quang Tâm cho biết: “Hoàn Kiếm thực hiện phát huy vai trò giám sát của cộng đồng như các tổ dân phố, hội phụ nữ, thanh niên… Cơ chế giám sát dựa vào cộng đồng hiện phát huy hiệu quả rất cao. Vì vậy, quan điểm của quận Hoàn Kiếm không đồng tình với kiến nghị của Sở GTVT giao trách nhiệm duy tu hè phố cho một đơn vị đầu mối khác”. 

Vì vậy, nên tập trung vào hoàn thiện thiết kế mẫu vỉa hè, đảm bảo tính đồng bộ trên toàn thành phố hơn là việc phát sinh thêm một đơn vị nữa để quản lý.