Dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông chậm tiến độ, đội vốn 70%:

Lãm rõ nguyên nhân, kiểm điểm trách nhiệm

ANTĐ - Dự án đường sắt đô thị trên cao đầu tiên tại Hà Nội, Cát Linh - Hà Đông đội vốn 339 triệu USD so với phê duyệt ban đầu. Một trong những nguyên nhân khiến giá thành tuyến đường này lên tới 68,5 triệu USD/km là do chi phí xây dựng. Chính phủ đã chỉ đạo làm rõ trách nhiệm tổ chức, cá nhân liên quan đến sự đội vốn này.

Dự án đường sắt trên cao đầu tiên của Hà Nội đang bị chậm và đội vốn 

Một gói thầu đội vốn 250 triệu USD

Theo tiến độ ban đầu, thời gian thực hiện Dự án đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông trong 5 năm, từ tháng 11-2008 đến 11-2013. Tuy nhiên, vừa qua, Bộ GTVT đã kiến nghị Chính phủ cho phép kéo dài tiến độ đồng thời bổ sung vốn cho Dự án này.  Theo đơn vị chủ đầu tư - Cục Đường sắt Việt Nam, sau 5 năm thi công, do thay đổi một loạt yếu tố đầu vào, tổng mức đầu tư Dự án sẽ không thể dừng ở con số 552 triệu USD như kế hoạch ban đầu. Thay vào đó, để hoàn thành 13,05km đường sắt đôi, khổ 1.435mm chạy trên cao với 12 ga, từ Cát Linh đến Bến xe Yên Nghĩa cùng hệ thống thiết bị khai thác gồm đoàn tàu có khả năng chở được 100.000 lượt khách/ngày đêm sẽ cần thêm 339 triệu USD. Thời gian hoàn thành được xin nới đến cuối năm 2015.

Trong số các khoản phát sinh tại tuyến đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông, “nặng” nhất là chi phí xây dựng (tăng 221 triệu USD); chi phí thiết bị (tăng 20 triệu USD); chi phí giải phóng mặt bằng (25 triệu USD)… Theo Cục Đường sắt Việt Nam, có 3 nhóm nguyên nhân đẩy chi phí Dự án tăng cao, gồm điều chỉnh, bổ sung phát sinh so với thiết kế cơ sở (thay đổi phương án nhà ga, thay vật liệu vỏ tàu…); biến động giá nguyên, vật liệu, tỷ giá quy đổi, chế độ chính sách và giải phóng mặt bằng kéo dài…

Điều đáng nói là, chỉ riêng gói thầu số 1 - gói thầu chính của Dự án bao gồm các phần việc: thiết kế, cung cấp thiết bị, vật tư và xây lắp được trao cho Công ty Hữu hạn, Tập đoàn Cục 6 Đường sắt Trung Quốc (Tập đoàn Cục 6 Đường sắt Trung Quốc) thực hiện - đã phát sinh thêm 250,8 triệu USD. Trong đó, thay đổi phương án nhà ga từ 2 tầng lên 3 tầng tăng thêm 84,2 triệu USD. Hay như chi phí xử lý nền đất yếu khu Depot, theo thiết kế cơ sở đã dự kiến xuất hiện nền đất yếu ở độ sâu 2-3m song tư vấn lập dự án là TEDI đã không đề xuất phương án xử lý. Khi triển khai thiết kế kỹ thuật, tư vấn thiết kế đã kiến nghị phải xử lý để đảm bảo chất lượng công trình. Bộ GTVT đã cho phép bổ sung hạng mục xử lý nền đất yếu khu Depot. Chi phí xử lý hạng mục này là 13,54 triệu USD. Hoặc do các thay đổi biến động giá, chế độ, chính sách cũng như khối lượng đơn giá trong thiết kế cơ sở chưa tính chính xác nên cần bổ sung khoảng 95 triệu USD…

Bộ GTVT cũng đã có kiến nghị Chính phủ điều chỉnh Dự án này. Như vậy, tổng mức đầu tư Dự án theo kiến nghị tăng vốn sẽ vào khoảng 891 triệu USD, tăng 70% so với tổng mức đầu tư được duyệt trước đó, đẩy chi phí bình quân đầu tư 1km đường sắt đô thị của tuyến Cát Linh - Hà Đông lên 68,5 triệu USD. 

Kiểm điểm nguyên nhân, trách nhiệm

Ngay sau báo cáo của Bộ GTVT, Bộ Tài chính, Bộ KH&ĐT, Bộ Xây dựng và UBND TP Hà Nội về việc điều chỉnh  Dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông,  Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải giao Bộ GTVT nghiên cứu, tiếp thu ý kiến các cơ quan liên quan khẩn trương tổ chức thẩm định, quyết định và chịu trách nhiệm về việc điều chỉnh Dự án. Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải yêu cầu Bộ GTVT và Hà Nội căn cứ chức năng, nhiệm vụ của mình chỉ đạo kiểm điểm nguyên nhân, làm rõ trách nhiệm của tổ chức, cá nhân về việc chất lượng thiết kế cơ sở hạn chế dẫn đến phải điều chỉnh, chậm trễ trong giải phóng mặt bằng, kéo dài thời gian thi công làm tăng tổng mức đầu tư, phải điều chỉnh dự án.

Trước đó, Bộ GTVT đã có văn bản mời Kiểm toán Nhà nước vào cuộc, nhằm chấn chỉnh việc tuân thủ các quy định quản lý đầu tư; xử lý kịp thời những vướng mắc và ngăn chặn những sai sót trọng yếu tại Dự án có thể gây thiệt hại cho Nhà nước. Trao đổi về việc này, ông Nguyễn Hồng Trường, Thứ trưởng Bộ GTVT cho hay, đơn vị này đã có văn bản gửi Kiểm toán Nhà nước tuy nhiên Kiểm toán vẫn chưa thể vào cuộc vì kế hoạch kiểm toán năm 2014 đã kín. “Họ sẽ lên kế hoạch, sắp xếp lịch, nếu có thể sắp xếp được sẽ thực hiện kiểm toán trong năm nay, nếu không sẽ phải đưa vào kế hoạch năm sau”, ông Nguyễn Hồng Trường cho hay. Theo ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải, lãnh đạo Bộ GTVT cho biết, trước mắt Bộ này đang tập trung chỉ đạo thực hiện Dự án đúng tiến độ, việc kiểm điểm làm rõ nguyên nhân cũng sẽ được tiến hành trong thời gian tới.