Kiểm tra 10 tỉnh phát hiện 39 nhà xe chây ỳ, không chịu giảm cước

ANTĐ - Theo kết quả kiểm tra sơ bộ giá cước vận tải ô tô tại 10 tỉnh, thành phố vừa được Bộ Tài chính công bố cho thấy, trong số 264 doanh nghiệp vận tải hoạt động, có khoảng 39 doanh nghiệp không chịu giảm cước, chưa kể số doanh nghiệp không muốn giảm tiếp lần 2.

Kiểm tra 10 tỉnh phát hiện 39 nhà xe chây ỳ, không chịu giảm cước ảnh 1

                           Một số doanh nghiệp vẫn chây ì, chưa giảm giá cước

Bộ Tài chính cho biết, 3 đoàn công tác liên bộ Tài chính- Giao thông vận tải đã kiểm tra các doanh nghiệp vận tải từ ngày 19-1. Nhìn chung phần lớn các doanh nghiệp vận tải đều đã điều chỉnh giảm cước sau khi có nhắc nhở.

Tình hình giảm cước ở mỗi tỉnh, thành phố có diễn biến và mức độ, tỷ lệ khác nhau. Trong đó, Hà Nội, Lâm Đồng, Khánh Hoà là những địa bàn có đông doanh nghiệp vận tải nhất với tỷ lệ giảm cũng cao nhất.

Tuy nhiên, vẫn có những doanh nghiệp không chịu giảm cước, trong đó có 10 công ty ở Lâm Đồng, 11 công ty ở Khánh Hoà, 12 công ty ở Hoà Bình, 6 doanh nghiệp ở Vĩnh Phúc.

Cụ thể, tại Hà Nội, tính đến 20-1, có 71 doanh nghiệp vận tải đã điều chỉnh giảm giá cước. Trong đó, 17 công ty xe khách tuyến cố định đã giảm giá vé xe từ 4-16,67%. 2 công ty vận tải hàng hóa bằng container đã giảm cước từ 3-4%. 55 hồ sơ kê khai giá cước taxi của 52 doanh nghiệp cũng đã kê khai giảm từ 4-9% so với mức giá kê khai gần nhất, trong số này, có 3 doanh nghiệp taxi đã giảm giá 2 lần.

Tại Lâm Đồng, có 40 công ty vận tải hoạt động. Sở Tài chính mới ghi nhận 30 công ty giảm cước trung bình từ 4-33%, 2 công ty có kê khai giá nhưng không giảm cước và đặc biệt, 8 công ty còn lại vẫn chưa chịu nộp kê khai giá.

Tại Khánh Hòa, tính đến 22-1, đã có 50/64 đơn vị kinh doanh vận tải kê khai giảm giá cước. Trong đó, có 38 đơn vị giảm cước trước ngày 15-1 và 12 đơn vị kê khai giảm cước sau ngày 15-1. Còn lại, 11 đơn vị vẫn chưa thực hiện giảm giá hoặc không giảm, ngoài ra còn có 2 đơn vị kê khai giảm giá cước nhưng không giảm tuyến vận tải cố định và 1 đơn vị kê khai giá lần đầu.

Theo đó, giá vé xe khách có mức giảm 2,1% - 10%, cước taxi tại đây phổ biến tỷ lệ giảm từ 3% - 10%. Cá biệt có loại hình taxi có tỷ lệ giảm sâu đột biến như 15,4%, 18,1% và thậm chí là đến 20% song cũng có đơn vị tỷ lệ giảm rất ít, chỉ từ 1,8% - 2,2%.

Ở địa bàn Hòa Bình, đến nay mới chỉ có 34/115 đầu tuyến cố định của 11/23 doanh nghiệp kê khai giảm giá cước với mức giảm từ 4-20% tùy từng đầu tuyến. Ở tỉnh này vẫn còn có 12 đơn vị vận tải trên 81 đầu tuyến chưa giảm cước.

Các tỉnh, thành phố còn lại trong đợt kiểm tra này các doanh nghiệp vận tải có điều chỉnh giảm nhưng mức giảm không lớn.

Bộ Tài chính cho biết, mặc dù các Sở Tài chính đều đã có văn bản đôn đốc, nhắc nhở nhưng một số doanh nghiệp vẫn chây ì, chưa giảm giá cước. Các doanh nghiệp này đều đưa ra lý do các chi phí đầu vào khác tăng và gặp khó khăn về nhu cầu hành khách giảm trên các đầu tuyến địa phương.

Bộ Tài chính cũng có văn bản yêu cầu các Sở Tài chính địa phương trong quá trình tiếp nhận, xử lý văn bản kê khai giá của các đơn vị vận tải, trường hợp đơn vị kê khai giảm giá chưa phù hợp với mức giảm giá nhiên liệu và biến động chi phí đầu vào, đề nghị có văn bản yêu cầu đơn vị tiếp tục tính toán chi phí trong giá thành để kê khai lại và gửi về cơ quan tiếp nhận. Trong thời gian đơn vị tính toán lại giá thành vận tải theo yêu cầu, chấp nhận cho đơn vị thực hiện theo mức giá đã kê khai giảm.

Mặt khác, trong quá trình rà soát văn bản kê khai giá, trường hợp các đơn vị vận tải tuyến cố định giữa 2 địa phương kê khai giá có sự chênh lệch mức giảm giá vé, thì đề nghị các địa phương có tuyến cố định cần phối hợp chặt chẽ để trao đổi thông tin về mức giá kê khai của đơn vị vận tải trên tuyến cố định đó để đảm bảo thống nhất mức giá kê khai giữa 2 đầu tuyến.

Danh sách các đơn vị vận tải phải kê khai giá cước theo quy định, danh sách các đơn vị đã kê khai, thông tin về kết quả xử lý văn bản kê khai của đơn vị phải được đăng tải trên trang thông tin điện tử của Sở.