Kiểm toán sai, ai chịu trách nhiệm?

ANTĐ -Thảo luận về dự án Luật kiểm toán nhà nước (sửa đổi) sáng 26-5, nhiều ĐBQH cho rằng dự án Luật còn nặng về xác định quyền của Kiểm toán nhà nước hơn là trách nhiệm và nghĩa vụ của tổ chức này. 

Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính ngân sách Phùng Quốc Hiển trình bày báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Kiểm toán Nhà nước sáng 26-5

Đánh giá dự thảo Luật kiểm toán nhà nước (sửa đổi) đã được chuẩn bị khá chi tiết, đầy đủ và đủ điều kiện để Quốc hội thông qua tại phiên họp này, song ĐB Đỗ Văn Vẻ (Thái Bình) vẫn băn khoăn cho rằng dự thảo luật còn nghiêng về tổ chức hoạt động nội bộ của Kiểm toán nhà nước. Hơn nữa, dự thảo quy định nặng về xác định quyền của Kiểm toán nhà nước hơn là trách nhiệm và nghĩa vụ của tổ chức này.

ĐB Thân Đức Nam (TP Đà Nẵng) đề nghị, cần làm rõ trong trường hợp Báo cáo kiểm toán không đúng đắn, không trung thực, hoặc chỉ trung thực, hợp lý từng phần thì Báo cáo kiểm toán sẽ thể hiện như thế nào? ĐB đề nghị dự thảo luật phải xem xét lại nội dung khoản 3 về báo cáo kiểm toán, vì dễ dẫn đến cách hiểu là Kiểm toán nhà nước không có trách nhiệm gì đến các kết luận, kiến nghị do chính cơ quan này ban hành.

Tương tự, ĐB Nguyễn Bá Thuyền (Lâm Đồng) thẳng thắn: “sửa Luật kiểm toán lần này là tăng thêm trách nhiệm, quyền hạn và trách nhiệm của kiểm toán rất lớn. Tôi cho rằng chúng ta mới tăng nhiệm vụ, quyền hạn, còn trách nhiệm chưa rõ, chưa tương xứng. Bởi vì kiểm toán xong một đơn vị nhưng mấy hôm sau người ta bị bắt, anh không chịu trách nhiệm gì. Một doanh nghiệp mới kiểm toán và chấp hành ý kiến, sau đó đến thanh tra vào xuất toán, chủ doanh nghiệp chịu trách nhiệm hết, chứ kiểm toán chẳng chịu trách nhiệm gì”.

ĐB Nguyễn Bá Thuyền dẫn ví dụ: “Ở Lâm Đồng tôi có Công ty xổ số mà thường xuyên thấy kiểm toán, năm nào cũng kiểm toán nhưng cuối cùng công an vào bảo làm sai, tham nhũng phát hiện đúng. Còn làm sai, cố ý làm trái thì chắc chắn thì kiểm toán phải biết rất rõ điều này. Bây giờ nếu như người ta bị khởi tố bắt giam thì kiểm toán có là đồng phạm hay không, phải nói rõ như thế mới được, chứ không quyền lực rất mạnh, kiểm toán đến đâu người ta rất sợ, rất lo”. Theo ĐB, quyền hạn lớn như thế thì phải gắn với trách nhiệm rõ ràng.

ĐB Nguyễn Đình Quyền (Hà Nội) nhấn mạnh cần làm rõ trách nhiệm của cơ quan kiểm toán

Đồng quan điểm này, ĐB Nguyễn Đình Quyền (TP Hà Nội) dẫn thêm ví dụ: “chúng ta đã chứng minh rồi, có đến trên 10 đoàn thanh tra và 10 đoàn kiểm toán vào Vinalines và Vinashin nhưng không phát hiện ra vấn đề. Sau đó cơ quan điều tra vào cuộc. Trong trường hợp cơ quan kiểm toán đã kiểm toán rồi, không phát hiện mà sau đó cơ quan điều tra vào phát hiện ra tội phạm thì trách nhiệm của Kiểm toán nhà nước như thế nào cần phải làm rõ”.

Cũng theo ĐB Nguyễn Đình Quyền, trường hợp Kiểm toán nhà nước trong quá trình tiến hành kiểm toán biết được hoặc pháp luật bắt buộc phải biết là có dấu hiệu tội phạm thì buộc phải chuyển sang cơ quan quan điều tra. “Thẩm quyền này rất lớn, nếu không quy định chặt chẽ nó sẽ trở thành con ngáo ộp, người ta chỉ rung lên một cái thôi là các đơn vị chịu sự kiểm toán lại phải chạy đến, sẽ sinh ra tiêu cực. Tôi đề nghị cái này phải quy định rất là chặt chẽ, nếu không sẽ bị lạm dụng” – ĐB Nguyễn Đình Quyền nói.