Kiểm soát chặt buôn lậu để gỡ khó cho doanh nghiệp

ANTĐ - Tại phiên thảo luận tổ chiều 21-10, đại biểu Nguyễn Đức Chung, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Giám đốc CATP Hà Nội nhấn mạnh: “Để thực hiện thắng lợi nhiệm vụ kinh tế - xã hội năm 2015, nhiều lĩnh vực trong công tác phòng chống tội phạm, trật tự an toàn xã hội cần phải được điều chỉnh cho phù hợp hơn”.

Kiểm soát chặt buôn lậu  để gỡ khó cho doanh nghiệp  ảnh 1ĐBQH, Thiếu tướng Nguyễn Đức Chung, Giám đốc CATP Hà Nội phát biểu tại phiên thảo luận tổ

Góp ý cho chương trình, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2015, dưới góc độ công tác đấu tranh phòng chống tội phạm, giữ gìn trật tự an toàn xã hội, ĐB Nguyễn Đức Chung nhấn mạnh đến 3 lĩnh vực. Trong đó, về công tác phòng chống tội phạm, đặc biệt tội phạm gian lận thương mại và buôn lậu, qua thực tiễn theo dõi của CATP Hà Nội, ĐB Nguyễn Đức Chung cho rằng, tình hình buôn lậu, gian lận thương mại hiện nay còn khá phức tạp. “Vừa qua,  CATP Hà Nội phát hiện một đoàn xe chở đến 60 tấn nguyên liệu sản xuất thuốc đông y, hàng đông dược có xuất xứ từ Trung Quốc. Hàng buôn lậu tràn vào là một trong những nguyên nhân bóp chết hàng hóa trong nước. Do vậy, cần phải có các chế tài, chính sách để kiểm soát được tốt hơn, không chỉ đảm bảo chất lượng hàng hóa mà còn góp phần giúp doanh nghiệp trong nước phục hồi sản xuất. Như vậy, hàng hóa trong nước mới có thể đứng vững ngay trên thị trường của mình” - ĐB Nguyễn Đức Chung nhấn mạnh.

Về vấn đề đảm bảo trật tự an toàn giao thông, ĐB Nguyễn Đức Chung cho biết, dù báo cáo của Chính phủ chỉ ra số vụ tai nạn giao thông liên tục giảm trên cả 3 tiêu chí trong 2 năm vừa qua, song đây vẫn là lĩnh vực nhiều nhức nhối, gây tổn thất lớn cho kinh tế xã hội. Thống kê mỗi năm có gần 20.000 người bị thương do tai nạn giao thông, chi phí liên quan đến khám chữa bệnh cho người bị thương, chăm sóc thương tật… rất lớn. Muốn hạn chế được thực trạng này cần có giải pháp mạnh mẽ hơn. Theo ĐB Nguyễn Đức Chung, mức xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực trật tự an toàn giao thông ở nước ta hiện quá nhẹ, chưa tạo sức răn đe, vì thế người dân chấp hành chưa nghiêm túc. Cần phải có chế tài xử phạt mạnh hơn, đủ sức răn đe hơn, để người tham gia giao thông không dám vi phạm nữa.

“Một vấn đề nhức nhối không kém là tình trạng trốn thuế, nợ đọng thuế của doanh nghiệp vẫn còn rất nghiêm trọng. Từ đầu năm 2014 đến nay, CATP Hà Nội đã chủ động phối hợp với Cục thuế Hà Nội và Chi cục thuế các quận, huyện tập trung đôn đốc để thu các khoản thuế nợ đọng của các doanh nghiệp”. ĐB Nguyễn Đức Chung chia sẻ, có nhiều doanh nghiệp kê khai thuế từ năm 2012, song nợ đọng đến 2014 vẫn chưa nộp, vậy nhưng trong báo cáo của các quận, huyện vẫn coi đó là nguồn thu ngân sách địa phương, dù khoản tiền thuế này chưa được thu vào Kho bạc Nhà nước. Qua thực tiễn triển khai đôn đốc, lực lượng phối hợp giữa CATP Hà Nội với Cục thuế thành phố đã thu được rất nhiều khoản nợ thuế kéo dài của doanh nghiệp để nộp vào ngân sách, tăng nguồn lực cho ngân sách Nhà nước. Đây là giải pháp mang lại sự hiệu quả và cần tiếp tục được tăng cường.

ĐB Nguyễn Đức Chung cũng cho rằng, cần đánh giá lại một cách cụ thể chương trình quốc gia về phòng chống tội phạm, để có các giải pháp căn cơ hơn, phù hợp và hiệu quả hơn. Với chương trình quốc gia về phòng chống ma túy, ĐB Nguyễn Đức Chung góp ý nên mạnh dạn gộp 3 mô hình ban chỉ đạo quốc gia có hoạt động chỉ đạo liên quan đến lĩnh vực này như hiện nay thành một ban chỉ đạo để tránh lãng phí, giúp công tác chỉ đạo tập trung hơn.