Không mua điện của Trung Quốc cũng không sao

ANTĐ - Mặc dù việc liên kết, mua bán điện giữa các nước trong khu vực là cần thiết song trong bối cảnh nguồn cung nội địa ngày càng chủ động thì mua điện từ Trung Quốc với giá   cao không nên được
lựa chọn. 

Nguồn cung cấp điện trong nước ngày càng dồi dào (Ảnh minh họa)

Giá cao, chất lượng phập phù

Theo PGS.TS Nguyễn Minh Duệ- Chủ tịch Hội Khoa học kinh tế năng lượng, chủ trương liên kết mua điện giữa Việt Nam và các nước láng giềng đã được quan tâm từ lâu. Và trên thực tế, Việt Nam đã liên kết, mua bán điện không chỉ của Trung Quốc mà còn với cả Lào và Campuchia. Nếu việc liên kết tốt thì sẽ mang lại hiệu quả kinh tế lớn và góp phần đảm bảo an ninh năng lượng cho mỗi nước. 

Việc mua điện từ Trung Quốc trong nhiều năm nay cũng giúp Việt Nam có thêm nguồn cung năng lượng trong những thời điểm nguồn cung cấp trong nước còn hạn chế. Tuy nhiên, theo đánh giá của các chuyên gia, chất lượng điện áp mua từ Trung Quốc không ổn định, độ tin cậy thấp, hay xảy ra các sự cố trong khi giá điện lại cao. “Điển hình như năm 2012, Việt Nam dư thừa sản lượng và công suất nhưng vẫn phải nhập điện từ Trung Quốc với giá 6,08 UScent/kWh tương đương 1.300 đồng/kWh, trong khi đó, một số lớn nhà máy nhiệt điện trong nước chỉ phát 70-80% công suất và các nhà máy thuỷ điện công suất dưới 30MW giá rẻ không được mua”- PGS.TS  Nguyễn Minh Duệ dẫn chứng.

Việt Nam đang mua điện của Trung Quốc theo hợp đồng giữa EVN và Công ty lưới điện miền Nam Trung Quốc (CSD), liên kết bằng cấp điện áp 220kV và 110kV. Hợp đồng mua điện của Trung Quốc được ký từ năm 2005 và chính thức mua điện từ 2009. Thỏa thuận hợp đồng hiện nay buộc phải cam kết về sản lượng và thời gian mua. Nếu không mua sẽ bị phạt, dẫn tới ngay cả khi nguồn cung cấp trong nước dồi dào vẫn phải nhập khẩu từ Trung Quốc. Vì vậy, theo PGS.TS Nguyễn Minh Duệ, việc tiếp tục mua điện từ Trung Quốc như hiện nay gây khó khăn, trở ngại cho phát huy năng lực nội địa đối với các nhà đầu tư điện trong nước. 

Nguồn cung điện trong nước đã đủ dùng

Những năm gần đây, sản lượng điện mua từ Trung Quốc ngày càng giảm dần. Từ 2009-2013, sản lượng điện mua bình quân là 1,16 tỷ kWh/năm, trong lúc đó sản lượng điện thương phẩm của Việt Nam năm 2013 là 115,06kWh. Con số trên có thể gạt bỏ hoàn toàn những ý kiến lo ngại rằng trong bối cảnh Việt Nam và Trung Quốc căng thẳng do tình hình Biển Đông, nếu nguồn cung điện từ Trung Quốc gián đoạn sẽ ảnh hưởng tới an ninh năng lượng quốc gia. “Việt Nam vẫn đủ điện, đảm bảo cung cấp điện cho phát triển kinh tế- xã hội trong toàn quốc vì lượng điện năng nhập khẩu từ Trung Quốc chiếm tỷ lệ rất nhỏ so với sản lượng điện thương phẩm của cả nước. Bên cạnh đó, công suất dự trữ của hệ thống điện quốc gia tương đối lớn, tiềm năng khai thác tăng sản lượng của các nhà máy điện lớn nhỏ còn dồi dào” - PGS.TS Nguyễn Minh Duệ nhấn mạnh. 

Giáo sư, viện sĩ Trần Đình Long - Phó chủ tịch Hội Điện lực Việt Nam khẳng định: “Nếu không có nguồn điện từ Trung Quốc thì chắc chắn còn nhiều cách giải quyết. Trong vòng 1-2 năm tới, nếu Việt Nam cố gắng tăng nỗ lực, các nguồn thủy điện tiếp tục được khai thác thì không phải mua điện từ Trung Quốc nữa”.

Nhìn nhận từ góc độ khác, PGS.TS Bùi Huy Phùng - Chủ tịch Hội đồng Khoa học năng lượng Việt Nam cho rằng, hợp đồng mua điện giữa Việt Nam và Trung Quốc đã ký kết nên tình hình Biển Đông có căng thẳng cũng không đáng lo ngại. Mặt khác, điện mua chỉ chiếm một tỷ lệ rất nhỏ trong tổng năng lượng tiêu thụ. “Chỉ cần sử dụng điện trong nước cho tốt, giảm tổn thất điện năng xuống thấp nữa, điều độ hệ thống điện quốc gia tốt thì có thể nâng cao khả năng cung ứng điện được thêm vài phần trăm và Việt Nam không cần mua điện của ai”- PGS. TS Bùi Huy Phùng nói.