Không làm cáp treo Sơn Đoòng nếu UNESCO không đồng ý

ANTĐ - Chiều qua, 4-11, UBND tỉnh Quảng Bình đã tổ chức họp báo xung quanh Dự án xây dựng cáp treo thuộc khu vực  vùng lõi của Di sản Thiên nhiên thế giới, Vườn Quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng. Tham dự có lãnh đạo UBND tỉnh Quảng Bình, Chủ đầu tư Tập đoàn Sun Group cùng đại diện nhiều bộ, ban, ngành.

Không làm cáp treo Sơn Đoòng nếu UNESCO không đồng ý  ảnh 1Quảng Bình vẫn chưa tính được phương án để khách du lịch vào sâu trong hang Sơn Đoòng

Mỗi trụ chỉ chiếm dưới 10m2 đất

Theo thông tin mà UBND tỉnh Quảng Bình đưa ra tại cuộc họp báo, Dự án cáp treo Phong Nha - Kẻ Bàng dài 10km, gồm 2 chặng: Tuyến cáp treo 1 dây nối từ động Phong Nha đến cầu Trạ Ang với chiều dài 6.788m; Tuyến cáp treo 1 dây nối từ cầu Trạ Ang đến cửa sau động Sơn Đoòng với chiều dài 3.872m. Cáp treo dự kiến có 30 trụ, mỗi trụ chỉ chiếm chưa tới 10m2, trên mỗi trụ có gắn camera để theo dõi cháy rừng và công tác bảo vệ rừng. Ga cuối cách cửa động Sơn Đoòng khoảng 300m và không xây dựng trên đỉnh hố sụt nên không ảnh hưởng đến các giá trị địa chất, địa mạo, không gây sụt lún.

Ông  Nguyễn Hữu Hoài, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình cho hay, với kinh nghiệm 10 năm khai thác một số hang động phục vụ du lịch, Quảng Bình ngày càng hoàn chỉnh công nghệ du lịch tại Vườn Quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng, vừa bảo tồn nghiêm ngặt di sản thiên nhiên thế giới, vừa phục vụ dân sinh. Lãnh đạo tỉnh Quảng Bình hy vọng, Dự án cáp treo Phong Nha - Kẻ Bàng sẽ tạo động lực, đột phá cho du lịch Quảng Bình, giải quyết việc làm trực tiếp và gián tiếp cho hàng ngàn lao động địa phương, góp phần đưa Quảng Bình thoát nghèo vươn lên thành một tỉnh giàu.

Ông Đặng Minh Trường, Tổng Giám đốc Sun Group cho hay, tuyến cáp được thi công bằng công nghệ cáp công vụ, vận chuyển vật liệu đi qua ngọn cây, hoặc theo các lối mòn nên không chặt cây trong quá trình thi công. Chi phí cho chuyến đi thăm hệ thống hang động lớn nhất thế giới dự kiện sẽ rút xuống chỉ còn vài trăm nghìn đồng/người thay vì 3.000-5.000 USD/người như hiện tại. Chủ đầu tư còn chỉ ra những rủi ro tiềm ẩn khi tham gia tour du lịch mạo hiểm, như địa hình hiểm trở, khí hậu khắc nghiệt, côn trùng trong rừng nguyên sinh… Bên cạnh đó, BTC cuộc họp báo cũng đưa ra nhiều dự án kiểu mẫu trên thế giới về việc xây dựng cáp treo trong các khu Di sản thế giới.

Không xây dựng trên đỉnh hố sụt

Đó là khẳng định của ông Nguyễn Hữu Hoài, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình khi trả lời câu hỏi của phóng viên rằng tỉnh đã xin ý kiến UNESCO hay chưa, nếu họ không chấp thuận thì dự án có tiến hành không? Ông Nguyễn Hữu Hoài cho hay: “Khi cơ bản hoàn thành quá trình lập dự án, chúng tôi sẽ xin ý kiến Bộ VH-TT&DL, Bộ NN&PTNT, UNESCO… Còn nếu xin ý kiến mà UNESCO không đồng ý thì sẽ không làm. Đã là Di sản thế giới thì phải tuân theo luật và công ước quốc tế. Không cho phép làm mà cứ làm tức là vi phạm. Chúng ta phải có trách nhiệm và làm theo luật”.

Khi được hỏi, trong quá trình khảo sát dự án, UBND tỉnh Quảng Bình đã thuê nước ngoài đánh giá, vậy họ đánh giá thế nào về ảnh hưởng đối với hệ sinh thái khi xây dựng cáp treo vào hang Sơn Đoòng, trong khi các chuyên gia trong nước đã khẳng định việc xây dựng sẽ gây nguy hại cho hệ sinh thái vô cùng đặc biệt hình thành từ hàng triệu năm qua. “Các chuyên gia nước ngoài khi đi khảo sát họ đánh giá rất cao. Họ cho biết khi xây dựng ở đây thì không có chuyến cáp treo nào được ngắm cảnh đẹp như ở Phong Nha - Kẻ Bàng. Tôi hỏi phía tập đoàn, thi công dự án này khó khăn gì, họ trả lời khó khăn như Bà Nà họ cũng đã làm được. Về lượng khách đi bằng cáp treo thì theo thiết kế, khối lượng khách dự kiến là 1.000 người/h, nếu vận hành 8 tiếng/ngày thì mỗi ngày phục vụ được 8.000 người. Khi đưa khách đến cửa hang thì họ sẽ xuống khỏi cáp treo, ai muốn đi tiếp thì đi, ai muốn quay lại thì tùy…”, lãnh đạo UBND tỉnh trả lời.

Trong chiều qua, phóng viên Báo ANTĐ cũng đã liên hệ với lãnh đạo Ủy ban Quốc gia                UNESCO Việt Nam. Vị đại diện này cho biết, để làm được cáp treo vào gần tới Sơn Đoòng là chuyện không đơn giản. Đây là vùng lõi di sản, muốn làm bất cứ việc gì đều phải xin ý kiến không chỉ của Bộ VH-TT&DL, Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam mà còn UNESCO. Nếu việc xây dựng ảnh hưởng đến giá trị nổi bật toàn cầu, tính toàn vẹn của Phong Nha - Kẻ Bàng,  di sản sẽ bị đưa vào danh sách cảnh cáo và buộc phải sửa sai. Không thể bất chấp mà làm vì phải tôn trọng chính bản thân mình, vì hiện tại Việt Nam đã là thành viên của Ủy ban Di sản thế giới, được quyền tham gia xem xét hồ sơ di sản các nước khác. Không bảo tồn được di sản của chính mình thì khó mà giữ được uy tín. 

“Nếu giữ nguyên tình trạng như hiện nay, mỗi năm địa phương chỉ thu về vài chục tỷ đồng, nhưng nếu phổ cập du lịch Sơn Đoòng thì nguồn ngân sách sẽ được tăng thêm rất nhiều. Năm 2003, Phong Nha - Kẻ Bàng đón nhận danh hiệu Di sản thiên nhiên thế giới. Nếu không quyết liệt bảo vệ tính nguyên trạng và không tính toán cẩn trọng thì hậu quả sẽ khó lường”, đại diện lãnh đạo Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam khẳng định.