Khi bệnh viện công lập thành công ty cổ phần

ANTĐ - Câu chuyện cổ phần hóa bệnh viện công tưởng chừng đã khép lại sau những tranh cãi của giới chuyên môn năm 2007 (dẫn đến “cái chết” của đề án tiên phong cổ phần hóa Bệnh viện Bình Dân). Nay vấn đề này lại một lần nữa được mở ra khi Bệnh viện Giao thông Vận tải đang được thí điểm cổ phần hóa. 

Thật ra để quan niệm khám chữa bệnh như một dịch vụ y tế kéo dài nhiều năm mới được công nhận và con đường để xã hội hóa y tế đã rộng rãi hơn. Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến thừa nhận cách xã hội hóa của các bệnh viện công hiện nay chủ yếu dưới hai hình thức là liên doanh liên kết đặt máy phân chia lợi nhuận và đặt máy độc quyền cung cấp hóa chất. Dưới hai hình thức xã hội hóa này, Viện Chiến lược và Chính sách y tế ước tính các bệnh viện công đã huy động được hàng nghìn tỉ đồng vốn từ tư nhân đầu tư vào nhiều dịch vụ y tế kỹ thuật cao.

Thế nhưng việc xã hội hóa ở các bệnh viện công cũng nảy sinh rất nhiều vấn đề bất cập. Như trường hợp ở một bệnh viện của Hà Nội mới đây cho thấy các hợp đồng liên doanh, liên kết với tư nhân (đặt máy) có tỷ lệ ăn chia cho tư nhân đến 80-85% lợi nhuận thu được từ việc khai thác các máy móc, thiết bị. Và, vì lợi nhuận nên việc thu phí sử dụng các thiết bị này theo giá dịch vụ - cao hơn nhiều so với mức giá của Nhà nước.

Hay trường hợp một bệnh viện lớn ở TPHCM thuê máy móc, thiết bị y tế của một doanh nghiệp tư nhân và mỗi tháng chia lãi cho doanh nghiệp này khoảng 2 tỉ đồng, trong khi giá trị của thiết bị máy móc này chỉ hơn 12 tỉ đồng. Và, khó hiểu hơn là chuyện bệnh viện D. được Nhà nước trang bị máy móc thiết bị nhưng hỏng không sử dụng trong khi máy móc thiết bị cùng loại bệnh viện này thuê của tư nhân thì chạy hết công suất.

Khi bệnh viện công lập thành công ty cổ phần ảnh 1

Rõ ràng, xã hội hóa ngành y tế bằng việc tạo ra một môi trường thuận lợi cho tư nhân đầu tư vào bệnh viện, phòng khám là hướng đi đúng đắn đã được thực tiễn chứng minh. Nhưng xã hội hóa y tế tại các bệnh viện công thì câu chuyện minh bạch vẫn còn nhiều ý kiến khác nhau.

Cuối năm 2014, Bộ Tài chính lại hoàn thiện một nghị định mới về việc thí điểm chuyển một số đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc thành công ty cổ phần khi cổ phần hóa tập đoàn kinh tế, tổng công ty Nhà nước. Theo dự thảo mới này, các bệnh viện, trung tâm y tế sẽ được cổ phần hóa để phát huy nguồn lực xã hội trong việc cung ứng dịch vụ công, nâng cao chất lượng dịch vụ, đổi mới phương thức quản lý nhằm nâng cao hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế.

Và mở đầu, Chính phủ thử nghiệm khi cho phép Bệnh viện Giao thông Vận tải cổ phần hóa thí điểm bằng cách vận dụng quy định của Chính phủ về việc chuyển doanh nghiệp 100% vốn Nhà nước thành công ty cổ phần để xây dựng đề án thí điểm cổ phần hóa. Đồng thời, Chính phủ vừa ban hành Nghị định 16 - quy định về cơ chế tự chủ của đơn vị sự nghiệp công lập. Theo đó, bệnh viện công lập sẽ được tự chủ về thực hiện nhiệm vụ, tự chủ về tổ chức bộ máy, tự chủ về nhân sự và hoàn toàn tự chủ về tài chính.

Hy vọng với việc trao quyền tự chủ cho những bệnh viện công quy mô lớn và cổ phần hóa thí điểm những bệnh viện công quy mô nhỏ sẽ xóa bỏ được kiểu xã hội hóa nửa vời của các bệnh viện công hiện nay.