GS-TS Nguyễn Văn Huy, nguyên Giám đốc Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam:

Hành xử có văn hóa giúp ngăn chặn bạo lực

ANTĐ - “Con số thống kê lên tới 6.200 người nhập viện vì đánh nhau vào dịp Tết khiến nhiều người bị sốc. Bản thân tôi cũng thấy bất ngờ với con số này nhưng để đánh giá ngay sẽ là hồ đồ”.
Hành xử có văn hóa giúp ngăn chặn bạo lực ảnh 1

Câu chuyện về những vụ “thượng cẳng chân, hạ cẳng tay” vào dịp Tết rõ ràng là câu chuyện thuộc về đạo đức và cần được nghiên cứu, nhìn nhận ở góc độ xã hội học, tâm lý học và nhân học. Sở dĩ, tôi nói đến nhân học là bởi cách hành xử và suy nghĩ của một cá nhân phần lớn được quyết định bởi nền tảng giáo dục và văn hóa. Hai yếu tố này hòa trộn vào nhau và điều chỉnh hành vi của con người, tạo nên một con người có tư cách đạo đức tốt hay xấu cũng phần lớn phụ thuộc vào giáo dục và văn hóa. 

Hiện tượng đánh nhau vào dịp Tết cổ truyền rõ ràng xuất phát từ những mâu thuẫn cá nhân và từ những con người được giáo dục chưa đến đầu đến đũa, hành xử theo bản năng, bực tức lên thì dùng đến tay chân thay cho lời nói để giải quyết vấn đề. Tôi cho rằng, để giảm thiểu bạo lực trong cuộc sống đời thường nói chung và vào dịp Tết nói riêng thì mỗi gia đình, mỗi con người nên lấy việc rèn giũa đạo đức và lối sống làm trọng. Sự kiềm chế là vô cùng quan trọng, cùng với đó, hành xử có văn hóa sẽ làm giảm nguy cơ bạo lực bùng phát. 

Ở góc độ văn hóa, một số lễ hội hiện nay bị mang tiếng là nhuốm màu bạo lực như hội đền Sóc (Sóc Sơn) và hội làng Ném Thượng mà gần đây báo chí gọi là Lễ hội chém lợn (Bắc Ninh) với hiện tượng được dư luận cho là man rợ, thu hút hàng trăm người cùng tham gia tranh cướp lộc thánh dẫn đến xô xát và xảy ra ẩu đả, gây thương tích cho người đi trảy hội. Với tư cách là người nghiên cứu dân tộc học, tôi mong rằng, mọi người nên nhìn nhận lễ hội dưới nhu cầu văn hóa của người dân địa phương sở tại mà không phải góc nhìn du lịch. Ở hội làng Ném Thượng, từ ngàn xưa, người dân địa phương đã hình thành  tập tục hiến lợn bằng cách dùng dao chém, lưu truyền cho đến nay. Nhưng cái vô lý ở đây, chính là việc những người dân ở nơi khác lại muốn người dân làng Ném Thượng nhìn nhận và xóa bỏ tập tục này để giống như họ. Điều này là phi lý và chúng ta nên nhớ rằng, Việt Nam đã gia nhập các công ước quốc tế về văn hóa và văn hóa phi vật thể thì một trong những quy định chính là cần tôn trọng sự đa dạng văn hóa và bình đẳng giữa các nền văn hóa.

Chúng ta không nên áp đặt cái nhìn của người nơi khác để thay đổi, thậm chí là xóa sổ một nghi thức, một tập tục và sau một thời gian dài, chính những người làm văn hóa lại mất công đi khôi phục và gìn giữ lại những nét đẹp văn hóa ấy.

Cha tôi, nhà nghiên cứu dân tộc học Nguyễn Văn Huyên đã từng viết cuốn sách về hội Gióng những năm 1938-1939 mà sau này, khi khôi phục lại hội Gióng, dân làng cũng như các nhà văn hóa đã căn cứ chủ yếu vào cuốn này để tiến hành các nghi thức đúng trình tự. Có điều lạ, các bài viết về hội Gióng xưa kia và cả cuốn sách của cha tôi đều không đề cập tới việc tranh cướp lộc thánh. Nhưng tôi tin, từ xa xưa, ở hội này cũng có hiện tượng “sứt đầu mẻ trán”. Chỉ có điều, thời nay, mức độ lan truyền thông tin nhanh nên nhiều người mới biết đến một lễ hội “giàu” bạo lực như hội đền Sóc. Năm nào, tôi cũng tham gia hội Gióng. Được tận mắt chứng kiến người cướp lộc thánh bị đánh đến tàn phế thì tôi thấy sức mạnh của niềm tin thật lớn lao. Họ tin rằng, nếu có được một chút lộc mang về thì cả năm sẽ sung túc, nhiều may mắn, mang lại sức khỏe cho các thành viên gia đình. Điều này sẽ không thay đổi nhưng để giảm thiểu bạo lực thì việc nâng cao nhận thức cho các nhóm thanh niên tham gia bảo vệ lễ hội và sự bàn thảo trong cộng đồng để tìm ra cách làm hợp lý, tránh xô xát là rất quan trọng. Ngoài ra, sự xuất hiện của lực lượng Công an ở đền Hạ cũng rất cần thiết. 

Đại tá Trần Quang Huy - Trưởng Công an huyện Sóc Sơn: Có biện pháp xử lý nghiêm đối  tượng quá khích

“Xưa hội Gióng là hội trận, theo tục lệ cũ có cho phép loạn đả. Tất nhiên, phải trên tinh thần lễ hội, vui vẻ, có tổ chức và kiểm soát nhất định. Trong lễ khai hội vừa qua, đã có một số thanh niên quá khích. Lực lượng công an khi đó đã có mặt kịp thời để kiểm soát mọi hành vi manh động, không để gây rối trật tự công cộng. Một số thanh niên có hành vi quá khích tái diễn ngay sau đó đã được lực lượng chức năng xác minh làm rõ. Chúng tôi sẽ có biện pháp xử lý thích đáng các đối tượng quá khích này”.

Bà Cao Thanh Nga, Phó Hiệu trưởng trường THPT Phan Huy Chú (Hà Nội): Hiện tượng xấu về lối sống

“Hiện tượng gây gổ đánh nhau với con số thống kê lên tới hơn 5.000 vụ khiến 6.200 người nhập viện trong dịp Tết tạo nên một hình ảnh xấu về lối sống của một bộ phận người dân, trong đó có thanh thiếu niên lứa tuổi đến trường. Với học sinh Thủ đô, các hoạt động giáo dục đạo đức, văn hóa, lối sống đều được lồng ghép trong các môn học và nhấn mạnh vào hoạt động ngoại khóa hàng tuần, hàng tháng của nhà trường. Đặc biệt, trước dịp nghỉ Tết Nguyên đán, chúng tôi lưu ý kỹ học sinh về vấn đề an toàn giao thông, tránh uống rượu bia, gây gổ đánh nhau. Các hiện tượng bạo lực trong trường học hầu như không xuất hiện với hơn 1.000 học sinh của trường. Tuy nhiên, tôi cho rằng, nỗ lực của nhà trường phải đi kèm với sự phối hợp của gia đình và xã hội mới đào tạo được một thế hệ tuổi trẻ toàn diện về tri thức và nhân cách. Những hành vi thiếu trách nhiệm với bản thân, với mọi người xung quanh như các trường hợp thống kê nói trên không chỉ gây hậu quả xấu với những người này mà còn ảnh hưởng lâu dài tới suy nghĩ, hành động của con em họ”.