Hàng trăm suất quà cho học sinh đặc biệt khó khăn ở Sơn La

ANTĐ - Những cơn gió heo may se lạnh cuối thu càng khiến chúng tôi nóng lòng muốn trở lại Mai Sơn một lần nữa. Ở vùng đất non cao đặc biệt khó khăn ấy, hàng trăm em nhỏ vẫn ngày ngày đến trường trong điều kiện khó khăn, thiếu thốn.
Hàng trăm suất quà cho học sinh  đặc biệt khó khăn ở Sơn La ảnh 1

Hàng trăm suất quà cho học sinh  đặc biệt khó khăn ở Sơn La ảnh 2
Phó Tổng biên tập Báo An ninh Thủ đô Nguyễn Thanh Bình và các tăng ni, Phật tử tặng quà đại diện các trường bán trú huyện Mai Sơn

Trong chuyến công tác ngày 9-10 vừa qua, đồng hành với những người làm báo An ninh Thủ đô có các tăng ni, Phật tử một số chùa nằm trên địa bàn Hà Nội. Đây là lần thứ hai trong vòng chưa đầy một tháng qua, Báo An ninh Thủ đô phối hợp với các tổ chức, cá nhân hoạt động từ thiện đến trao quà tại Mai Sơn – một trong những huyện đặc biệt khó khăn của tỉnh Sơn La. Với những ai từng đến thăm các điểm trường xa xôi, chắc sẽ không quên hình ảnh những em nhỏ phong phanh, chân đất co ro trong cái rét thấu da, thấu thịt.

Lường trước hành trình gian khó, chúng tôi quyết định lên đường từ 4h sáng để kịp đến Hát Lót (Mai Sơn) vào buổi trưa. Quốc lộ 6 những ngày cuối thu không còn là cung đường dễ đi, dù cầm lái là những bác tài “già” bao năm chinh chiến cùng đèo dốc. Dưới chân dốc Cun, thành phố Hòa Bình sáng bừng trong nắng vàng rực rỡ nhưng trên đỉnh đèo, sương mù vẫn giăng giăng, che khuất tầm nhìn. Đoàn xe chở đầy chăn ấm, bàn ghế học sinh, lương thực và các loại đồ dùng thiết yếu nối đuôi nhau vượt qua từng đèo dốc. Chỉ khi đi hết Loóng Luông đến Mộc Châu – địa điểm cách Mai Sơn hơn 100 cây số thì thời tiết và đường sá mới thuận lợi hơn. Lúc đoàn xe “cập bến” Hát Lót đã là giữa trưa.

Đón tiếp chúng tôi, còn có các thầy cô là cán bộ chủ chốt 5 trường bán trú vùng cao, vùng đặc biệt khó khăn của huyện Mai Sơn. Theo ông Phạm Văn Khanh – Phó trưởng phòng giáo dục huyện, để có mặt đúng giờ tại Hát Lót, nhiều thầy cô phải bắt đầu hành trình về trung tâm bằng xe máy từ trưa hôm trước. Trường bán trú gần nhất cũng cách trung tâm huyện 60 cây số. Riêng những điểm trường xa xôi như Chiềng Nơi 2, thầy cô muốn về huyện họp phải vượt qua quãng đường trên 120 cây số. Những giáo viên cắm bản cho biết, mùa này ô tô không thể vào trường, vì nhiều đoạn đường chỉ rộng chừng 1 mét, bên này là vách đá, bên kia là vực sâu. Chỉ một vài dòng xe máy “đặc chủng” được lắp thêm xích chống trượt bên ngoài lốp mới có thể di chuyển. 

Hàng trăm suất quà cho học sinh  đặc biệt khó khăn ở Sơn La ảnh 3

Nói về cuộc sống của học sinh các trường bán trú, một cán bộ trường Tiểu học Phiêng Cằm 1 cho biết, trong những năm qua, học sinh vùng cao, vùng đặc biệt khó khăn huyện Mai Sơn cũng đã nhận được sự quan tâm, hỗ trợ từ các đơn vị, tổ chức thiện nguyện. Song do thiếu thốn nhiều bề, cuộc sống nói chung và việc học hành nói riêng của học sinh vùng cao vẫn đối mặt với nhiều thử thách. Có tên là bán trú nhưng cả 5 điểm trường trong diện được nhận quà lần này đều hoạt động như trường nội trú. Như lời các thầy cô thì vì ở nhà không đủ no cái bụng, trong khi đường sá cách trở, các em học sinh đã ở lại trường cả ngày lẫn đêm, chỉ về thăm nhà vào dịp nghỉ lễ. Việc học sinh ở nội trú là biện pháp tích cực hạn chế tình trạng trẻ em bỏ học nhưng lại làm nảy sinh nhiều nỗi lo. Vì với những giáo viên ở vùng núi cao Mai Sơn, làm sao để các em có đủ thuốc men, cơm ăn, áo ấm? Và bao giờ mới hết cảnh ở nhà tạm, bốn bề gió lùa, năm nào cũng vài lần tốc mái là những câu hỏi chưa tìm ra lời đáp.

Với những món quà thiết thực được gửi trao lần này, Báo An ninh Thủ đô và các tăng ni, Phật tử hy vọng sẽ góp phần giúp học sinh các trường bán trú ở huyện Mai Sơn cải thiện điều kiện học tập, sinh hoạt. Mong một ngày gần nhất sẽ lại có dịp trở lại nơi đây, tiếp tục được đồng hành cùng các tổ chức, cá nhân hoạt động từ thiện sẻ chia, nâng đỡ những khát khao đeo đuổi con chữ.