Hà Nội: Hào hùng tiếng hát Quốc ca tại Đại hội Đảng bộ phường

ANTĐ - Sáng nay, 27-5, tại Đại hội Đảng bộ lần thứ XII phường Phan Chu Trinh (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội), một không khi hết sức xúc động và đầy tự hào đã diễn ra khi toàn bộ đại biểu dự đại hội cùng cất vang lời hát bài hát Quốc ca mà không sử dụng nhạc đệm hay lời bát hát ghi băng sẵn.

Không khí nghiêm túc khi thực hiện nghi lễ chào cờ, hát Quốc ca tại Đại hội Đảng bộ phường Phan Chu Trinh, sáng 27-5

Chào cờ Tổ quốc và hát Quốc ca là một nghi thức thiêng liêng thể hiện lòng yêu nước, lòng tự hào dân tộc, đồng thời giáo dục lý tưởng cách mạng cho cán bộ đảng viên, các tầng lớp nhân dân, nhất là đối với thế hệ trẻ. Thế nhưng thời gian qua tại một số nơi, một số đơn vị, việc thực hiện nghi thức thiêng liêng này chưa thực sự nghiêm túc như: chỉ mở băng ghi sẵn nhạc, lời bài hát Quốc ca còn người tham dự không hát trực tiếp, thậm chí một số người trẻ hát không đúng nhạc, đúng lời bài hát Quốc ca…

Cũng vì vậy, có mặt ghi nhận không khí và phần nghi thức chào cờ, hát Quốc ca trước khi khai mạc Đại hội Đảng bộ phường Phan Chu Trinh lần thứ 12 diễn ra sáng 27-5, chúng tôi thực sự xúc động. Toàn bộ đại biểu dự hội nghị, từ cán bộ, người già hưu trí đến những công chức, viên chức trẻ tuổi và cả những học sinh mẫu giáo đến trình diễn văn nghệ tại đại hội đều đứng nghiêm trang, cất tiếng hát lời bài hát Quốc ca vang dội, đầy khí thế, tự hào.

Ông Trần Mạnh Toàn, cán bộ quân đội hưu trí, hiện sinh hoạt đảng tại Chi bộ 9 Đảng bộ phường Phan Chu Trinh chia sẻ, việc toàn bộ đại biểu hát Quốc ca trực tiếp khiến niềm tự hào dân tộc trào dâng mạnh mẽ, tinh thần, khí thế sục sôi, khác hẳn với việc mọi người chỉ đứng im nghe phát lời, nhạc bài Quốc ca đã ghi băng sẵn.

“Lời bài hát quốc ca chứa đựng trong đó truyền thống cha ông, là đúc kết lịch sử dân tộc hào hùng, vì thế khi hát Quốc ca chúng ta cảm nhận được lòng yêu nước, sự tự hào dân tộc. Việc hát quốc ca trực tiếp cần được duy trì và phát huy, không chỉ trong lực lượng vũ trang mà mọi đơn vị khác, nhất là ở các trường học. Có những trẻ hát không đúng nhạc, đúng lời, thể hiện không nghiêm túc bài Quốc ca, đó là lỗi của giáo dục” – ông Trần Mạnh Toàn nói.

Các đại biểu hát vang lời bài hát Quốc ca đầy tự hào 

Đại diện cho thế hệ trẻ, em Phạm Thị Biển, vừa tốt nghiệp khoa Hóa học – Đại học Khoa học Tự nhiên Hà Nội cho biết, nhiều bạn trẻ hiện nay thuộc rất nhiều bài hát quốc tế, nhưng lời bài hát Quốc ca lại không sõi, đó là điều đáng lo ngại. Do vậy, việc yêu cầu phải hát quốc ca trực tiếp tại các lễ chào cờ, các nghi thức trong sinh hoạt Đảng, đoàn là rất thiết thực. Với giới trẻ, hát quốc ca còn giúp các em tìm hiểu thêm phần nào về sự hy sinh của cha ông trong kháng chiến, xây dựng và bồi đắp tình yêu quê hương đất nước.

Trước đó, nhằm thực hiện tốt Nghị định 145/2013/NĐ-CP của Thủ tướng Chính phủ, Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội đã có văn bản đề nghị các cấp ủy Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị- xã hội của thành phố chỉ đạo, đôn đốc, kiểm tra các đơn vị thực hiện nghiêm việc hát Quốc ca trong lễ chào cờ theo quy định; hát Quốc ca và Quốc tế ca khi tiến hành các nghi thức trao cờ trong các sinh hoạt Đảng…

Có mặt tại Đại hội Đảng bộ phường Phan Chu Trinh sáng 27-5, đại diện Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội cho biết, đến thời điểm này các Đại hội Đảng bộ cơ sở ở Hà Nội đều thực hiện rất nghiêm túc quy định về nghi thức chào cờ, hát Quốc ca. Bắt đầu vào ngày 1-6 tới đây, Ban Tuyên giáo Thành ủy sẽ thành lập 3 đoàn kiểm tra việc tổ chức nghi lễ chào cờ, hát Quốc ca tại 3 đơn vị của thành phố và tiếp tục duy trì lâu dài nhằm đưa hoạt động này đi vào nề nếp.