Gợi ý trả lời cuộc thi viết “Tìm hiểu Hiến pháp nước CHXHCN Việt Nam” (9)

ANTĐ -Quyền con người được quy định trong Chương II của Hiến pháp 2013  được xây dựng trên cơ sở sửa đổi, bổ sung và bố cục lại Chương V của Hiến pháp năm 1992 (Quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân), so với Hiến pháp năm 1992, Hiến pháp sửa đổi năm 2013 bổ sung nhiều quy định về quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân.

Câu 5.

Những điểm mới của Hiến pháp năm 2013 so với Hiến pháp năm 1992 (sửa đổi, bổ sung năm 2001) về quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân? Điểm mới nào bạn tâm đắc nhất? Vì sao?

Trả lời

Những điểm mới của Hiến pháp năm 2013 so với Hiến pháp năm 1992 (sửa đổi, bổ sung năm 2001) về quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân: Điều 14, 16, 19, khoản 3 Điều 20, khoản 1 Điều 21, 27,  33, 34, 36, 37, 41, 42, 43, Khoản 6 Điều 96, Khoản 3 Điều 107; Khoản 3 Điều 102

I. Khẳng định mạnh mẽ chủ quyền nhân dân

Kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XIII nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam thông qua Hiến pháp năm 2013. Hiến pháp năm 2013 gồm 11 Chương 120 điều. Riêng chế định về quyền con người, quyền công dân trong Chương II từ điều 14 đến điều 49 gồm 36/120 điều, là chương chứa đựng nhiều điều nhất và nhiều điểm mới nhất. Những điểm mới về bảo đảm thực hiện quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân không chỉ được quy định tập trung trong Chương II mà còn là quan điểm, nội dung xuyên suốt trong toàn bộ Hiến pháp năm 2013.

Trách nhiệm của các  cán bộ, công chức, viên chức là phải tận tụy phục vụ Nhân dân

Một mục tiêu quan trọng nhất của Hiến pháp năm 2013 là tiếp tục phát huy dân chủ, bảo đảm chủ quyền nhân dân, bảo đảm thực hiện tốt hơn quyền con người, quyền công dân. Hiến pháp năm 2013 đánh dấu bước phát triển mới mạnh mẽ trong tư duy lý luận của Đảng và nhà nước ta trong một loạt vấn đề cơ bản của thời đại và sự nghiệp đổi mới đất nước, trong đó có vấn đề quyền con người, quyền công dân.
Chỉ thị số 12/CT-TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng năm 1992 về vấn đề quyền con người và quan điểm, chủ trương của Đảng ta xác định quyền con người là mục tiêu, động lực của sự phát triển, là bản chất của chế độ ta, Chỉ thị xác định: “Đối với chúng ta, vấn đề quyền con người được đặt ra xuất phát từ mục tiêu của Chủ nghĩa xã hội, từ bản chất của chế độ ta và bao quát rộng rãi nhiều lĩnh vực, từ chính trị, tư tưởng , văn hóa đến kinh tế, xã hội, an ninh quốc phòng, pháp chế...”.
Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung và phát triển năm 2011) cũng chỉ rõ: “Quan tâm hơn nữa việc chăm lo hạnh phúc và sự phát triển tự do, toàn diện của con người, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của con người, tôn trọng và thực hiện các điều ước quốc tế mà Việt Nam ký kết”.
Khẳng định mạnh mẽ bản chất nhà nước ta là nhà nước thực hiện chủ quyền nhân dân, thực hành dân chủ, bảo đảm quyền con người, quyền công dân và bảo đảm quyền lực của nhân dân, Điều 2 Hiến pháp năm 2013 khẳng định: “Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân. Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam do Nhân dân làm chủ. Tất cả quyền lực Nhà nước thuộc về nhân dân….”.

Nếu Hiến pháp năm 1992 (Điều 6) quy định nhân dân sử dụng quyền lực nhà nước thông qua Quốc hội và Hội đồng nhân dân, nghĩa là chỉ thông qua hình thức dân chủ đại diện thì Hiến pháp năm 2013 (Điều 6) quy định rõ những cách thức để nhân dân thực hiện quyền lực nhà nước là dân chủ trực tiếp và dân chủ đại diện. Quy định này của Hiến pháp năm 2013 đặt nền tảng cho việc hoàn thiện một hình thức dân chủ cao nhất là chế định bầu cử, qua đó, thực hiện đầy đủ hơn, thực chất hơn quyền bầu cử của công dân và trách nhiệm của đại biểu dân cử.
Hiến pháp năm 2013 quy định Hội đồng bầu cử quốc gia như một thiết chế hiến định độc lập để thực hiện quyền công dân quan trọng này. Nếu như tại Điều 83 của Hiến pháp năm 1992 trước đây quy định: “Quốc hội là cơ quan duy nhất có quyền lập hiến và lập pháp” và Điều 147 quy định: “Chỉ Quốc hội mới có quyền sửa đổi Hiến pháp” thì từ nhận thức mới về quyền lập hiến, chủ quyền nhân dân, quyền con người và quyền công dân, Hiến pháp năm 2013 đã bỏ nội dung trên và thay vào đó là quy định về sự kết hợp giữa thẩm quyền lập hiến của Quốc hội, sáng kiến lập hiến của các cơ quan Nhà nước, của đại biểu Quốc hội với quyền lập hiến của nhân dân dưới hình thức trưng cầu ý dân về Hiến pháp tại khoản 4 Điều 120 “…việc trưng cầu ý dân về Hiến pháp do Quốc hội quyết định”.  
Như vậy, Hiến pháp năm 2013 mở rộng dân chủ xã hội chủ nghĩa, khẳng định mạnh mẽ chủ quyền nhân dân. Quyền làm chủ của nhân dân (hay chủ quyền nhân dân) đã được ghi nhận ngay từ Hiến pháp năm 1946, đến Hiến pháp năm 2013 tiếp tục khẳng định và cụ thể hóa tư tưởng về quyền làm chủ của nhân dân thông qua một loạt quy định: Trong Lời nói đầu nêu rõ chủ thể xây dựng, thi hành và bảo vệ Hiến pháp là nhân dân; Điều 2 Hiến pháp năm 2013 khẳng định nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam do nhân dân làm chủ, tất cả quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân… Những nội dung này tạo nền tảng vững chắc bảo đảm thực hiện quyền con người, quyền công dân ở nước ta.

II. Bảo đảm thực hiện quyền con người

Hiến pháp năm 2013 thúc đẩy việc xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân. Nhà nước pháp quyền phải là nhà nước mà trong đó các quyền con người được ghi nhận, tôn trọng, bảo vệ và bảo đảm. Theo nghĩa đó, thúc đẩy nhà nước pháp quyền cũng có nghĩa là thúc đẩy sự tôn trọng, bảo vệ và bảo đảm các quyền con người.
Mục tiêu xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa đã được xác định trong lần sửa đổi (năm 2001) của Hiến pháp năm 1992, nhưng tiếp tục được cụ thể hóa trong Hiến pháp năm 2013, thông qua một loạt quy định tại các Điều 2, Điều 3, Điều 6, Điều 7, Điều 8 và nhiều điều khác trong suốt 12 Chương của Hiến pháp năm 2013.
Hiến pháp năm 2013 xác định nhiệm vụ chủ yếu của Nhà nước là phải bảo đảm và phát huy quyền làm chủ của Nhân dân; công nhận, tôn trọng, bảo vệ và bảo đảm quyền con người, quyền công dân; thực hiện mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, mọi người có cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc, có điều kiện phát triển toàn diện (Điều 3); trách nhiệm của các cơ quan nhà nước, cán bộ, công chức, viên chức là phải tôn trọng Nhân dân, tận tụy phục vụ Nhân dân, liên hệ chặt chẽ với Nhân dân, lắng nghe ý kiến và chịu sự giám sát của Nhân dân (Điều 8).

Hiến pháp năm 1992 (sửa đổi năm 2001) đã bổ sung tại Điều 2 một nội dung quan trọng, đó là cơ chế thực hiện quyền lực nhà nước: “Quyền lực nhà nước là thống nhất, có sự phân công và phối hợp giữa các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp”.
Để xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam, bảo đảm quyền con người, quyền công dân, Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI năm 2011 của Đảng khẳng định sự cần thiết phải xác định rõ ràng thiết chế tổ chức quyền lực và cần thiết bổ sung nội dung kiểm soát quyền lực vào thành một yếu tố mới của cơ chế quyền lực nhà nước ở nước ta. Hiến pháp năm 2013 đã hiến định nội dung mới này, xác định rõ ba bộ phận của quyền lực nhà nước, trong đó Quốc hội  là cơ quan đại biểu cao nhất của nhân dân, cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất, thực hiện quyền lập hiến, quyền lập pháp và giám sát tối cao đối với hoạt động của Nhà nước; Chính phủ là cơ quan hành chính nhà nước cao nhất, thực hiện quyền hành pháp; Tòa án nhân dân là cơ quan xét xử, thực hiện quyền tư pháp. Viện kiểm sát nhân dân thực hành quyền công tố, kiểm sát hoạt động tư pháp.
Đáng chú ý là khoản 3 Điều 2 Hiến pháp năm 2013 đã bổ sung “kiểm soát” vào thiết chế tổ chức quyền lực để bảo đảm tổ chức bộ máy được tổ chức có hiệu lực, hạn chế lạm quyền dẫn đến vi phạm quyền con người, quyền công dân: “Quyền lực nhà nước là thống nhất, có sự phân công, phối hợp, kiểm soát giữa các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp”.

Cùng với những điểm nhấn mạnh mang đậm nét về cách tiếp cận bảo đảm thực hiện quyền con người, quyền công dân, Hiến pháp năm 2013 đã có những bổ sung mới quan trọng nhằm bảo đảm vị thế và tính độc lập của hoạt động tư pháp - một yêu cầu không thể thiếu trong cơ chế phân công, phối hợp và kiểm soát quyền lực ở nước ta.
Hiến pháp năm 2013 xác định Tòa án nhân dân là cơ quan xét xử, thực hiện quyền tư pháp, sứ mệnh của Tòa án nhân dân được xác định là bảo vệ công lý, bảo vệ quyền con người, quyền công dân, bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa, bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân.
Đây là những điểm mới có ý nghĩa quan trọng trong lịch sử lập hiến Việt Nam, khẳng định những nguyên tắc của một nền tư pháp hiện đại vì con người, cụ thể là nguyên tắc hai cấp xét xử mà thực chất là một bảo đảm để thúc đẩy quyền của người bị buộc tội được yêu cầu xem xét lại bản án; nguyên tắc về quyền bào chữa của bị can, bị cáo, quyền bảo vệ lợi ích hợp pháp của đương sự; nguyên tắc về sự tham gia xét xử của Hội thẩm nhân dân. Những nguyên tắc trên đây phản ánh tính dân chủ và đề cao quyền tiếp cận công lý của người dân, bảo đảm quyền con người, quyền công dân trong hoạt động tư pháp.

(Còn nữa)