Gợi ý trả lời cuộc thi viết “Tìm hiểu Hiến pháp nước CHXHCN Việt Nam” (16)

ANTĐ -Tại Hiến pháp năm 2013, các quy định về chính quyền địa phương được quy định tại Chương IX, gồm 7 điều, từ Điều 110 đến Điều 116, được xây dựng trên cơ sở đổi tên Chương IX (Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân) của Hiến pháp năm 1992.

Câu 7 (tiếp).

Cấp chính quyền địa phương quy định trong Hiến pháp năm 2013 gồm những cơ quan nào? Bạn hãy nêu nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm của chính quyền địa phương đối với Nhân dân.
Trả lời:
Những điểm mới trong các quy định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của chính quyền địa phương trong Hiến pháp năm 2013

Trong quá trình lấy ý kiến nhân dân vào dự thảo sửa đổi, bổ sung Hiến pháp năm 1992, Chương IX của Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 về chính quyền địa phương là một trong những vấn đề nhận được sự quan tâm và thảo luận nhiều nhất của các đại biểu Quốc hội, các cấp quản lý Trung ương và địa phương cũng như giới khoa học. Bởi vì việc sửa đổi, bổ sung các nội dung tại Chương này có ảnh hưởng trực tiếp tới tổ chức và hoạt động của chính quyền địa phương các cấp, bảo đảm cụ thể hóa chủ trương của Đảng về tổ chức hợp lý, hiệu quả chính quyền địa phương, tăng cường năng lực hoạt động của các cấp chính quyền địa phương, đồng thời nâng cao tính gần dân của các hoạt động hành chính, thiết lập chế độ chịu trách nhiệm độc lập về các nguồn lực.

Bên cạnh đó, việc nghiên cứu, sửa đổi các quy định của Hiến pháp năm 1992 cũng nhằm bảo đảm thiết lập các nguyên tắc về tính chất, vị trí, chức năng, nhiệm vụ của chính quyền địa phương và các cơ quan trong bộ máy chính quyền địa phương tương đối ổn định, phù hợp với tính chất có hiệu lực lâu dài của Hiến pháp, khắc phục những vướng mắc, hạn chế trong tổ chức và hoạt động của chính quyền địa phương trong thời gian qua và là cơ sở Hiến định để cụ thể hóa trong Luật tổ chức chính quyền địa phương.

Một phiên họp của Hội đồng nhân dân TP Hà Nội

Theo đó, tại Hiến pháp năm 2013, các quy định về chính quyền địa phương được quy định tại Chương IX, gồm 7 điều, từ Điều 110 đến Điều 116, được xây dựng trên cơ sở đổi tên Chương IX (Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân) của Hiến pháp năm 1992. So với các quy định của Hiến pháp năm 1992 (sửa đổi, bổ sung năm 2001), các quy định này vừa có tính kế thừa, vừa có sự bổ sung, phát triển với một số quy định mở đường cho sự cải cách tổ chức và hoạt động của Hội đồng nhân dân (HĐND), Uỷ ban nhân dân (UBND).

Hiến pháp năm 2013 quy định một cách tổng quát về đơn vị hành chính, về nguyên tắc cơ bản trong tổ chức và hoạt động của chính quyền địa phương, về vị trí, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Hội đồng nhân dân, Uỷ ban nhân dân, còn những vấn đề cụ thể về tổ chức, thẩm quyền của từng cấp chính quyền địa phương sẽ do luật định.

Những điểm sửa đổi, bổ sung cơ bản, quan trọng gồm:

- Về đơn vị hành chính: Hiến pháp năm 2013 tiếp tục kế thừa quy định của Hiến pháp năm 1992 về các đơn vị hành chính nhằm bảo đảm sự thống nhất, đồng bộ, ổn định trong cấu trúc hành chính ở nước ta; đồng thời bổ sung quy định về đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt, đơn vị hành chính tương đương với quận, huyện, thị xã thuộc thành phố trực thuộc Trung ương. Theo đó, nước chia thành tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; tỉnh chia thành huyện, thị xã và thành phố thuộc tỉnh; thành phố trực thuộc Trung ương chia thành quận, huyện, thị xã và đơn vị hành chính tương đương; huyện chia thành xã, thị trấn; thị xã và thành phố thuộc tỉnh chia thành phường và xã; quận chia thành phường; đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt do Quốc hội thành lập (Điều 110). 

- Về tổ chức chính quyền địa phương: Hiến pháp năm 2013 quy định khái quát theo hướng: “Chính quyền địa phương được tổ chức ở các đơn vị hành chính của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Cấp chính quyền địa phương gồm có Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân được tổ chức phù hợp với đặc điểm nông thôn, đô thị, hải đảo, đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt do luật định” (Điều 111).
Việc tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân cụ thể ở từng đơn vị hành chính sẽ được quy định trong Luật tổ chức chính quyền địa phương trên cơ sở tổng kết việc thực hiện chủ trương của Đảng thí điểm một số nội dung về tổ chức chính quyền đô thị và kết quả tổng kết thực hiện Nghị quyết 26 của Quốc hội, đáp ứng yêu cầu tổ chức chính quyền địa phương phù hợp với đặc điểm nông thôn, đô thị, hải đảo, đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt và các nguyên tắc phân cấp, phân quyền giữa Trung ương và địa phương và giữa các cấp chính quyền địa phương. 

- Về nhiệm vụ, quyền hạn của chính quyền địa phương: Hiến pháp năm 2013 quy định chính quyền địa phương tổ chức và bảo đảm việc thi hành Hiến pháp và pháp luật tại địa phương; quyết định các vấn đề của địa phương do luật định; chịu sự kiểm tra, giám sát của cơ quan nhà nước cấp trên. Nhiệm vụ, quyền hạn của chính quyền địa phương được xác định trên cơ sở phân định thẩm quyền giữa các cơ quan nhà nước ở Trung ương và địa phương và của mỗi cấp chính quyền địa phương. Trong trường hợp cần thiết, chính quyền địa phương được giao thực hiện một số nhiệm vụ của cơ quan nhà nước cấp trên với các điều kiện bảo đảm thực hiện nhiệm vụ đó (Điều 112). 

- Về địa vị pháp lý và chức năng, nhiệm vụ của chính quyền địa phương: Kế thừa quy định của Hiến pháp năm 1992, Hiến pháp năm 2013 tiếp tục khẳng định Hội đồng nhân dân là cơ quan quyền lực nhà nước ở địa phương, đại diện cho ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ của Nhân dân, do Nhân dân địa phương bầu ra, chịu trách nhiệm trước Nhân dân địa phương và cơ quan nhà nước cấp trên. Hội đồng nhân dân quyết định các biện pháp bảo đảm thi hành Hiến pháp và pháp luật ở địa phương, các vấn đề quan trọng của địa phương và giám sát hoạt động của các cơ quan nhà nước ở địa phương (Điều 113).

Ủy ban nhân dân ở cấp chính quyền địa phương do Hội đồng nhân dân cùng cấp bầu là cơ quan chấp hành của Hội đồng nhân dân, cơ quan hành chính nhà nước ở địa phương, chịu trách nhiệm trước Hội đồng nhân dân và cơ quan hành chính nhà nước cấp trên (Điều 114). Hiến pháp cũng sắp xếp lại và làm rõ hơn tính chất, trách nhiệm, thẩm quyền của Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân để phù hợp với nguyên tắc tổ chức quyền lực nhà nước thống nhất và mối quan hệ giữa Trung ương và địa phương trong tình hình mới (Điều 113, Điều 114). 

1. Về sửa đổi tên Chương IX thành “Chính quyền địa phương”

Hiến pháp năm 2013 đã sửa đổi tên gọi của Chương IX từ "Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân" thành "Chính quyền địa phương". Việc sửa đổi tên gọi của Chương này không chỉ thuần túy là sự sửa đổi về câu chữ, mà hơn hết đã thể hiện được tính thống nhất của chính quyền địa phương và sự kết nối chặt chẽ của hai cơ quan tổ chức thực thi quyền quyền lực nhà nước ở địa phương.

Bởi vì, mặc dù HĐND và UBND là hai cơ quan có vị trí và chức năng khác nhau, nhưng được tổ chức và hoạt động trên cùng một địa bàn, một cấp hành chính, có mối quan hệ chặt chẽ về mặt tổ chức và trong tổ chức thực hiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình. Thực tế cho thấy hiệu lực, hiệu quả hoạt động của một cấp chính quyền địa phương chủ yếu dựa vào việc phát huy mang tính tổng hợp hiệu lực hoạt động của cả hai cơ quan trong một thể thống nhất. Bởi vậy, việc đổi tên gọi của Chương này là một bước thay đổi nhận thức về tổ chức và hoạt động của chính quyền địa phương trong Hiến pháp, thể hiện rõ tính thống nhất, thông suốt của bộ máy nhà nước từ Trung ương đến chính quyền địa phương trong một nhà nước đơn nhất.

Việc sửa đổi tên gọi của Chương cũng đã đặt ra yêu cầu phải có đổi mới thực sự về mô hình tổ chức cũng như chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của chính quyền địa phương theo hướng:

+ Bảo đảm sự gắn kết chặt chẽ hơn nữa giữa HĐND và UBND. Trong đó, HĐND là cơ quan quyền lực nhà nước trong phạm vi đơn vị hành chính - lãnh thổ, thực hiện chức năng của mình trên cơ sở Hiến pháp, Luật và các văn bản của cơ quan nhà nước cấp trên, đóng vai trò chủ yếu trong việc tổ chức thực hiện Hiến pháp, pháp luật và các văn bản của các cơ quan nhà nước cấp trên ở địa phương. Ủy ban nhân dân là cơ quan chấp hành của Hội đồng nhân dân, cơ quan hành chính nhà nước ở địa phương, chịu trách nhiệm trước Hội đồng nhân dân và cơ quan hành chính nhà nước cấp trên.

+ Phân cấp, phân quyền rành mạch nhiệm vụ, quyền hạn của chính quyền địa phương, bảo đảm  nâng cao tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm của chính quyền địa phương và các nguồn lực bảo đảm thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn được phân cấp.

+ Khẳng định rõ nét hơn vị trí của chính quyền địa phương trong hệ thống hành chính thống nhất, thông suốt của một Nhà nước đơn nhất, trong đó, giải quyết mối quan hệ hài hòa giữa chính quyền địa phương với các cơ quan hành chính cấp trên và giữa các cấp chính quyền địa phương với nhau.

2. Sửa đổi, bổ sung quy định về các đơn vị hành chính

Phân chia đơn vị hành chính là một trong những nội dung quan trọng của chính quyền địa phương, là cơ sở để thiết lập tổ chức bộ máy thực hiện chức năng quản lý trên đơn vị hành chính đó. Kế thừa phần lớn các quy định của Điều 118 Hiến pháp năm 1992 và nhằm bảo đảm sự ổn định của hệ thống các đơn vị hành chính đã được phân chia và hình thành trong thời gian qua, Điều 110 Hiến pháp năm 2013 quy định các đơn vị hành chính của nước ta được phân định như sau:

"Nước chia thành tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; Tỉnh chia thành huyện, thị xã và thành phố thuộc tỉnh; thành phố trực thuộc Trung ương chia thành quận, huyện, thị xã và đơn vị hành chính tương đương; Huyện chia thành xã, thị trấn; thị xã và thành phố thuộc tỉnh chia thành phường và xã; quận chia thành phường. Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt do Quốc hội thành lập".

Bên cạnh đó, quy định tại Điều 110 Hiến pháp năm 2013 có một số bổ sung để mở đường cho việc thiết lập, hình thành một số đơn vị hành chính đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế xã hội, đô thị hóa ngày càng gia tăng cao độ như hiện nay, cụ thể:

Thứ nhất, Điều 110 đã bổ sung quy định “đơn vị hành chính tương đương” với quận, huyện, thị xã trong thành phố trực thuộc Trung ương nhằm tăng khả năng dự báo và tính ổn định của Hiến pháp trong việc đáp ứng nhu cầu khách quan của quá trình phát triển kinh tế - xã hội. Quy định này mặc dù chưa định tên, loại hình của đơn vị hành chính được bổ sung, nhưng cho thấy Hiến pháp năm 2013 để mở cho việc thành lập đơn vị hành chính mới trong thành phố trực thuộc Trung ương, chẳng hạn, “thành phố” trong “thành phố trực thuộc Trung ương” như đề xuất của thành phố Hồ Chí Minh trong Đề án thí điểm mô hình chính quyền đô thị. Việc bổ sung quy định này là trên cơ sở tiếp thu ý kiến của Chính phủ, của các đại biểu Quốc hội, nhất là các đại biểu của thành phố Hồ Chí Minh và trên cơ sở các đề án thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị ở Đà Nẵng và thành phố Hồ Chí Minh.

Thứ hai, bổ sung quy định “đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt do Quốc hội thành lập”. Quy định này trên thực tế không phải là nội dung mới hoàn toàn, vì tại khoản 8 Điều 84 Hiến pháp năm 1992 quy định về thẩm quyền của Quốc hội đã quy định rõ thẩm quyền của Quốc hội trong việc thành lập đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt, nhưng tại quy định về đơn vị hành chính tại Điều 118 Hiến pháp năm 1992 không quy định về đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt.

Do đó, việc bổ sung quy định này tại Điều 110 Hiến pháp năm 2013 là cần thiết để bảo đảm tính tổng thể của các đơn vị hành chính của nước ta, đáp ứng nhu cầu thiết lập các đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt đang đặt ra ở một số địa phương (như huyện đảo Phú Quốc tỉnh Kiên Giang và huyện Vân Đồn tỉnh Quảng Ninh...). Quy định này được bổ sung trên cơ sở ý kiến đề xuất của các đại biểu Quốc hội, các cơ quan, tổ chức (nhất là ý kiến đề xuất của Chính phủ) và các địa phương.

Thứ ba, Điều 110 bổ sung quy định “việc thành lập, giải thể, nhập, chia, điều chỉnh địa giới đơn vị hành chính phải lấy ý kiến nhân dân địa phương và theo trình tự, thủ tục do luật định”. Việc bổ sung quy định này cùng với việc điều chỉnh thẩm quyền của Chính phủ trong việc thành lập, giải thể, nhập, chia, điều chỉnh địa giới đơn vị hành chính dưới cấp tỉnh lên thành thẩm quyền của Ủy ban thường vụ Quốc hội. Mục đích của việc bổ sung quy định này là nhằm thiết lập các tiêu chí, điều kiện, trình tự, thủ tục thành lập, giải thể, nhập, chia, điều chỉnh địa giới đơn vị hành chính chặt chẽ để bảo đảm tính ổn định các đơn vị hành chính, tránh tình trạng “nhập - tách” có phần dễ dãi, thiếu căn cứ, tiêu chí minh bạch, công khai, đặc biệt là thiếu sự tham gia ý kiến có tính quyết định của nhân dân như thực tế vừa qua ở nước ta. Hiện nay, Dự án Luật tổ chức quyền địa phương đang được khẩn trương xây dựng, trong đó quy định rõ trình tự, thủ tục thành lập, giải thể, nhập, chia, điều chỉnh địa giới đơn vị hành chính và thủ tục lấy ý kiến nhân dân địa phương.

(Còn nữa)