Gạn đục khơi trong hoạt động tín ngưỡng thờ Mẫu

ANTĐ - Trong khuôn khổ Liên hoan Văn hóa tín ngưỡng thờ Mẫu - Hà Nội 2014, sáng qua, Sở VH-TT&DL Hà Nội đã tổ chức cuộc tọa đàm về công tác quản lý Nhà nước đối với hoạt động tín ngưỡng thờ Mẫu tại các đền phủ ở Hà Nội. Có lẽ đây là lần đầu tiên các đồng đền “chịu” nói lên quan điểm của mình, bày tỏ những bức xúc cũng như mong mỏi nhà quản lý siết lại hoạt động tín ngưỡng này.

Gạn đục khơi trong hoạt động tín ngưỡng thờ Mẫu ảnh 1

Vi phạm quy tắc tín ngưỡng

Người làm “nóng” cuộc tọa đàm nhất là ông Lê Ngọc Đức - Thủ nhang Lảnh Giang vọng từ, phố Hàng Hành, quận Hoàn Kiếm. Ông Lê Ngọc Đức cho rằng, việc thờ Tứ Phủ hiện nay đang tùy tiện, lộn xộn và cực kỳ nguy hiểm, bằng chứng là có đền còn đưa cả Phật vào Công đồng thờ. Thế là, Phật thì ăn chay, nhưng tuần rằm vẫn cứ bị cúng mắm tôm, cua ốc, hệt như Sơn Trang. Lại cũng có đền rước nhân thần vào thờ giữa Công đồng hay đình thờ Thành hoàng thì lại rước Công đồng Tứ phủ vào thờ. Ông Đức nêu danh sách hàng loạt đình, đền, chùa ở Hà Nội vi phạm quy tắc tín ngưỡng truyền thống nhưng cán bộ quản lý di tích không hề hay biết và đó là nguồn cơn nảy sinh tình trạng chỗ nào cũng có thể… hầu đồng như hiện nay. Nguy hiểm hơn nữa, sự sai lạc này sẽ khiến các thế hệ mai sau không thể biết đâu là di tích gốc và đâu là truyền thống dân tộc.

Giáo sư Ngô Đức Thịnh - Ủy viên Hội đồng Di sản Văn hóa Quốc gia lại nêu ví dụ, giữa Thủ đô có đền Ngọc Sơn và đền Bà Kiệu. Khoảng đầu thế kỷ XIX anh hùng dân tộc Trần Hưng Đạo được đưa vào thờ tại đền Ngọc Sơn như là một cách để thể hiện tinh thần yêu nước, truyền thống chống giặc ngoại xâm, đồng thời kêu gọi tinh thần đại đoàn kết toàn dân. Bao giờ cũng thế, đền thờ Đức Thánh Trần phải tương xứng với Thánh Mẫu, điều này thể hiện việc đền Ngọc Sơn song song với đền Bà Kiệu. Nhưng cho đến thời điểm này, đền Bà Kiệu chỉ là cái kho. Theo quan điểm của Giáo sư Ngô Đức Thịnh thì rất nên phục hồi lại di tích này.

Thế nào là phù hợp?

Hầu hết các ý kiến đóng góp tại tọa đàm đều cho rằng, việc tổ chức Liên hoan, xây dựng hồ sơ cho Chầu văn và tín ngưỡng thực hành thời điểm này là hoàn toàn hợp lý bởi, bên cạnh việc để mọi người có thể tiếp cận được thì đây cũng là dịp để “tãi” hết mọi vấn đề ra, bàn thảo rõ ràng đúng - sai, đâu là tín ngưỡng - đâu là mê muội, mù quáng và phản cảm, chỉ có như thế mới có thể trả lại giá trị thật nhất của tín ngưỡng thờ Mẫu. 

Ngay thời điểm Liên hoan đang diễn ra cũng bộc lộ nhiều phản cảm. Ngoài chuyện thích ai thì thờ hoặc ai công đức tượng gì cũng đưa vào đền thờ khiến cho nhân thần, thủy thần, nhạc thần, rồi Thánh, Mẫu, Phật bị “ép” ngồi chung một ban, hoặc cá biệt, đưa cả Thần của nước ngoài vào thờ khiến cho các nhà quản lý văn hóa hoang mang xác định nguồn gốc... thì quanh tín ngưỡng này còn rất nhiều chuyện. Ví như mấy hôm trước, khi Liên hoan cấp cơ sở diễn ra, khách đến dự hoảng hồn khi thấy giá cô Bơ mặc áo choàng dài quét đất tới 5m, cô Bé đội vương miện hệt như Dương Quý Phi bên Tàu hay Ngũ vị Tiên ông đội mũ cánh chuồn. Lại còn cả vũ đạo, ông Lưu Ngọc Đức kể, xưa các giá đồng hầu nghiêng về tâm linh, nay hầu nghiêng về biểu diễn nhiều hơn. Người dưới vỗ tay hú hét, người trên phấn khích múa đao, múa kiếm chả biết quy tắc gì, thành ra đao kiếm xiên cả vào mặt Thánh. 

Nếu nghiên cứu kỹ có thể nhận ra rằng, ngay cả cách ăn mặc, đi đứng, nói cười trong Hầu thánh cũng theo một nguyên tắc cực kỳ chặt chẽ, thể hiện tính khác biệt, sự tự tôn dân tộc. Truyền thống Việt Nam vốn ưa nhẹ nhàng, giản dị, tuyệt đối không màu mè lòe loẹt như nước láng giềng. Đối với nam là khăn xếp, áo dài dưới có đai thắt. Nữ búi tó trâm cài lược giắt. Khi múa, các động tác cũng yểu điệu. Vốn là người có nhiều năm gắn bó với tín ngưỡng thờ Mẫu nhưng cả ông Lưu Ngọc Đức hay bà Lê Thị Hạnh, Trưởng ban Quản lý di tích đền Rừng - Long Biên khi được hỏi đều có nhiều bức xúc vì truyền thống thay đổi, về những ngộ nhận của nhiều người, rằng cứ lễ hậu thì thánh mới chứng. Họ, những người đang giữ gìn và thực hành tín ngưỡng chỉ mong mỏi một điều làm sao cho đúng, cho thống nhất và dừng việc thương mại hóa. Và đó là câu hỏi dành cho các nhà quản lý. Bởi xét cho cùng, quản lý không phải là cấm mà quản lý là tạo điều kiện cho tín ngưỡng được thực hiện đúng.