Đường cao tốc Việt Nam: Tiền đầu tư vào hàng cao nhất thế giới

ANTĐ - Mặc dù, suất đầu tư đường cao tốc ở Việt Nam vào hàng cao nhất thế giới, nhưng một số tuyến vừa đưa vào khai thác đã gặp trục trặc. Điều này đã gây bức xúc trong dư luận cũng như sự lo ngại về các tuyến đường cao tốc sắp tới: Liệu đồng vốn bỏ ra có xứng đáng? 
Đường cao tốc Việt Nam: Tiền đầu tư vào hàng cao nhất thế giới ảnh 1
Cao tốc Nội Bài - Lào Cai dài nhất cả nước vừa hoàn thiện

Nhiều tuyến cao tốc đã hoàn thiện

Phát triển mạng lưới đường cao tốc là cần thiết trong bối cảnh các tuyến đường Quốc lộ dần lạc hậu trước nhu cầu phát triển vận tải. Vừa qua, Bộ GTVT đã xây dựng Đề án điều chỉnh Quy hoạch phát triển mạng đường bộ cao tốc đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030, tăng từ 5.753km lên 6.411km, thêm 658km đường cao tốc so với quy hoạch được Chính phủ phê duyệt lần đầu vào năm 2008. Ông Nguyễn Hồng Trường, Thứ trưởng Bộ GTVT cho biết, hệ thống đường cao tốc Việt Nam được quy hoạch bao gồm 2 trục dọc và hệ thống các đường cao tốc khu vực phía Bắc, miền Trung và phía Nam. Trong đó, tuyến cao tốc Bắc Nam gồm 2 tuyến với tổng chiều dài khoảng 3.083km, quy mô cao tốc 4-6 làn xe. 

Hình hài cao tốc trục Bắc - Nam đang dần lộ rõ khi nhiều tuyến đường cao tốc đã và đang hoàn thiện, góp phần rút ngắn thời gian lưu thông như Nội Bài - Lào Cai, Hà Nội - Thái Nguyên, Cầu Giẽ - Ninh Bình, TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây, TP.HCM - Trung Lương và chứng minh được hiệu quả mang lại. Cùng với đó, hàng loạt các tuyến đường cao tốc nối Thủ đô Hà Nội với các tỉnh lân cận cũng đang được đầu tư như cao tốc Hà Nội - Hải Phòng, Bắc Kạn - Thái Nguyên (nối với cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên), cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình theo quy hoạch sẽ được nối tới Vinh… rồi dự án đường cao tốc Nha Trang - Phan Thiết dài 235km (tiếp nối cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết)… 

1km tiêu tốn 8 - 10 triệu USD

Suất đầu tư đường cao tốc ở Việt Nam được đánh giá vào dạng cao so với các nước. Trung bình, 1km đường cao tốc ở Việt Nam từ 8 - 10 triệu USD, cao hơn cả Trung Quốc, Hàn Quốc và thậm chí là Mỹ. “Vì vậy, giải pháp huy động vốn có thể nói là yếu tố quan trọng quyết định để hoàn thành mục tiêu của quy hoạch đặt ra. Bộ GTVT trong thời gian tới sẽ nỗ lực huy động mọi nguồn vốn để đầu tư hệ thống đường cao tốc, kể cả nguồn vốn từ các nhà đầu tư nước ngoài dưới nhiều hình thức như BOT, BT, PPP”, ông Nguyễn Hồng Trường cho biết. 

Lý giải về suất đầu tư đường cao tốc Việt Nam cao hơn so với nhiều nước, Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường cho rằng, có nhiều yếu tố ảnh hưởng tới suất đầu tư xây dựng đường cao tốc tại Việt Nam như: chi phí đền bù giải phóng mặt bằng, tái định cư cao; thời gian xây dựng dự án thường bị kéo dài do giải phóng mặt bằng chậm và thiếu vốn, làm tăng chi phí do trượt giá, biến động giá; máy móc, thiết bị và vật liệu chính đều nhập khẩu… Mặc dù, suất đầu tư đường cao tốc ở Việt Nam vào hàng cao nhất thế giới, nhưng một số tuyến vừa đưa vào khai thác đã gặp trục trặc. Điều này đã gây bức xúc trong dư luận cũng như sự lo ngại về các tuyến đường cao tốc sắp tới: Liệu đồng vốn bỏ ra có xứng đáng? 

Ngoài những nguyên nhân khách quan như: địa chất, thời tiết diễn biến phức tạp, giải phóng mặt bằng chậm dẫn đến thời gian xử lý nền đất yếu không đủ… thì một số nguyên nhân chủ quan cũng được Bộ GTVT chỉ ra: do nhà thầu thi công, tư vấn giám sát, chủ đầu tư còn có lúc, có nơi chưa tuân thủ chặt chẽ các yêu cầu kỹ thuật của dự án hoặc việc lựa chọn công nghệ, giải pháp thiết kế, thi công ở một số công trình chưa thực sự phù hợp.

Trong thời gian tới, Bộ GTVT sẽ kiến nghị sửa đổi chính sách trong quản lý chất lượng và công tác lựa chọn nhà thầu; hoàn chỉnh các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, quy trình công nghệ, ứng dụng công nghệ mới... đảm bảo thực hiện có chất lượng từ giai đoạn lập dự án đầu tư, khảo sát - thiết kế đến giai đoạn thi công…