Đưa tiếng nói của cử tri vào các quyết định của Quốc hội

ANTĐ - Tại buổi họp báo công bố kết quả kỳ họp thứ 9 - Quốc hội khóa XIII chiều 26-6, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội (VPQH) Nguyễn Hạnh Phúc khi trao đổi với báo chí cho biết, Quốc hội luôn lắng nghe và sẽ cố gắng để nguyện vọng, tiếng nói của cử tri được đưa đầy đủ vào các quyết định của Quốc hội. 

Đưa tiếng nói của cử tri vào các quyết định của Quốc hội ảnh 1Chủ nhiệm VPQH Nguyễn Hạnh Phúc

- Báo An ninh Thủ đô: Tại kỳ họp này, lần đầu tiên Quốc hội đã tổ chức cho một đoàn học sinh là cháu ngoan Bác Hồ được vào tham quan Nhà Quốc hội và dự thính một buổi thảo luận tại hội trường. Đây là hoạt động được đánh giá rất có ý nghĩa, vậy tại các kỳ họp tới đây Quốc hội có tiếp tục mở rộng việc tổ chức cho người dân vào dự thính một số phiên họp và tham quan Nhà Quốc hội?

- Chủ nhiệm VPQH Nguyễn Hạnh Phúc: Đúng là việc cho phép người dân được vào tham quan Nhà Quốc hội rất có ý nghĩa, các nước đều làm như vậy. Chúng tôi cũng đã nghĩ đến hoạt động này và đang phấn đấu để có thể tổ chức được như việc tổ chức cho đoàn học sinh cháu ngoan Bác Hồ vào tham quan Nhà Quốc hội tại một phiên họp ở kỳ họp này. Về tiến độ cụ thể, vừa rồi VPQH đã ban hành một số quy định về tham quan Nhà Quốc hội và giao cho các cơ quan chuyên môn soạn thảo, trong đó có nghiên cứu, tính toán kỹ lưỡng cả về vấn đề đảm bảo an ninh cho kỳ họp và hoạt động của các bộ phận khác trong tòa nhà.

Tòa nhà Quốc hội là tòa nhà của nhân dân, do vậy nguyện vọng của chúng tôi là phải cố gắng tổ chức, tạo điều kiện để nhân dân vào tham quan, thậm chí dự thính một số buổi trong phiên họp Quốc hội. Có làm được như vậy thì nguyện vọng, tiếng nói của nhân dân sẽ càng đến được nhiều hơn với các quyết định của Quốc hội. Tuy nhiên hiện giờ một số hạng mục chưa xong, chúng tôi cũng chưa nhận bàn giao toàn bộ tòa nhà này nên chưa thực hiện được. Hy vọng trong thời gian tới, khi VPQH nhận bàn giao toàn bộ Nhà Quốc hội, chúng tôi có thể thực hiện được việc này. 

- Tạp chí Thời nay (Báo Nhân Dân): Trước những hành động ngang ngược mà Trung Quốc đang tiến hành trên Biển Đông, đe dọa an ninh chủ quyền biển đảo nước ta, trái với luật pháp quốc tế, nhưng Quốc hội đã không ra Nghị quyết về Biển Đông. Quan điểm của Chủ nhiệm VPQH về vấn đề này? Ngoài ra người dân cũng mong muốn trong các phiên thảo luận, chất vấn của Quốc hội cần đưa vào nhiều hơn các vấn đề dân sinh, xin ông chia sẻ quan điểm?

- Chủ nhiệm VPQH Nguyễn Hạnh Phúc: Kỳ họp đầu năm bao giờ cũng dành thời lượng lớn cho công tác lập pháp. Tuy nhiên bên cạnh đó thì các nội dung khác liên quan đến kinh tế xã hội, vấn đề dân sinh cũng được bàn bạc, cho ý kiến rất sôi nổi tại kỳ họp này, từ vấn đề đầu ra cho nông sản đến các vấn đề hết sức cụ thể như nắng hạn ở Ninh Thuận, phí kiểm dịch trên con gà, quả trứng… đã được đưa ra. Còn việc đưa vào nghị trường quốc hội nhiều hay ít vấn đề dân sinh còn tùy thuộc vào việc các ĐBQH có nêu lên không, đây là thẩm quyền của ĐBQH. 

Riêng Biển Đông là vấn đề hiện nay rất phức tạp. Tại phiên họp này Quốc hội đã yêu cầu Chính phủ có một báo cáo và đại diện Chính phủ đã báo cáo trước Quốc hội về vấn đề này. Tại cuộc họp báo vừa mới đây của Bộ Ngoại giao, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao cũng trả lời rất rõ và nêu quan điểm mạnh mẽ của  Việt Nam về các hành động của Trung Quốc trên Biển Đông. Việc Quốc hội không ra nghị quyết về vấn đề Biển Đông tại kỳ họp này, theo quan điểm của tôi thì chúng ta cần tiếp tục theo dõi, nếu tình hình cần thiết thì ở các kỳ họp sau của Quốc hội chúng tôi có thể sẽ có những thông báo chính thức.