Đại biểu Nguyễn Đức Chung, Giám đốc CATP Hà Nội:

Đổi mới phải làm sao để học sinh có cả sức khỏe, tri thức lẫn kỹ năng

ANTĐ - Đóng góp ý kiến vào Đề án đổi mới chương trình SGK, đại biểu Nguyễn Đức Chung - Thiếu tướng, Giám đốc CATP Hà Nội nhấn mạnh việc sửa đổi này là hết sức cần thiết đồng thời mong muốn việc xây dựng, đổi mới chương trình SGK phải đáp ứng được các mục đích, yêu cầu tốt hơn cho việc giáo dục học sinh sau này.

Đổi mới phải làm sao để học sinh có cả sức khỏe, tri thức lẫn kỹ năng ảnh 1ĐBQH Nguyễn Đức Chung, Giám đốc CATP Hà Nội phát
biểu tại phiên thảo luận tổ chiều 11-11


Về mục tiêu, đại biểu Nguyễn Đức Chung cho rằng, việc đổi mới phải hướng đến xây dựng được một chương trình SGK có tính liên tục từ cấp tiểu học đến trung học. Các giáo trình phải đảm bảo quá trình phát triển liên tục về trí tuệ cho học sinh để làm sao trong quá trình học, các em có thể tiếp nhận được kiến thức theo từng lứa tuổi, bậc học. Đặc biệt, phải đảm bảo trang bị các kiến thức, tri thức khoa học cơ bản để mỗi học sinh khi tốt nghiệp trung học, phải có kiến thức cơ bản để thực hiện tốt chức trách, vai trò, nhiệm vụ của một công dân.

Ngoài các kiến thức cơ bản, chương trình SGK cũng cần đảm bảo quá trình rèn luyện về sức khỏe. “Thực tiễn hiện nay chương trình giáo dục cũng đã quan tâm đến vấn đề này nhưng chương trình đổi mới có lẽ phải coi trọng về tri thức và sức khỏe hơn nữa” - Giám đốc CATP Hà Nội nói.

Trong bối cảnh hội nhập hiện nay, đại biểu Nguyễn Đức Chung đề nghị phải đưa Ngoại ngữ trở thành môn học  chính, mỗi học sinh không chỉ biết 1 mà có thể phải biết 2 Ngoại ngữ, cũng như những kiến thức cơ bản về tin học. Đồng thời, học sinh cần được rèn luyện kỹ năng sống, kỹ năng làm việc tốt hơn để đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế.

Ngoài các chương trình học trong sách vở, đại biểu Nguyễn Đức Chung cho rằng, cần phải dành một khoảng thời gian thích đáng hơn cho học sinh từ tiểu học đến trung học tham gia các buổi ngoại khóa để hiểu được các kiến thức ngoài xã hội, thông qua các hoạt động ngoại khóa giúp học sinh nhìn nhận, đánh giá giữa lý luận và thực tiễn, trên cơ sở đó mới có sự sáng tạo, được tiếp cận các phương pháp làm việc. 

Một vấn đề nữa mà Giám đốc CATP Hà Nội rất trăn trở, mong muốn là phải đưa được Luật Giao thông vào chương trình sách giáo khoa mới. Kể cả việc đào tạo lái xe ô tô, xe máy cũng phải đưa vào trong các nhà trường, để làm sao khi học sinh đủ 18 tuổi, tốt nghiệp phổ thông, trở thành người trưởng thành thì trong tay đã có bằng lái ô tô, xe máy chứ  không phải ra trường rồi mới đi học lái xe như hiện nay.