Đề xuất thành lập Bộ Kinh tế biển

ANTĐ - Ngày 28-5, Quốc hội đã nghe Tờ trình dự án Luật Trưng cầu ý dân; thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Tài nguyên, môi trường biển và hải đảo và quyết toán ngân sách Nhà nước năm 2013.
Đề xuất thành lập Bộ Kinh tế biển ảnh 1

Kinh tế biển đóng góp 50% GDP cả nước

Cần có Luật Trưng cầu ý dân

Liên quan tới dự án Luật Trưng cầu ý dân, Ủy ban Pháp luật của Quốc hội nhận thấy, trưng cầu ý dân tuy đã được ghi nhận trong Hiến pháp từ năm 1946, nhưng ở nước ta hình thức này chưa được thực hiện trên thực tế. Ủy ban Pháp luật tán thành với sự cần thiết ban hành Luật Trưng cầu ý dân, nhằm kịp thời cụ thể hóa quy định của Hiến pháp năm 2013, tạo cơ sở pháp lý cho người dân tham gia vào các công việc của Nhà nước, trực tiếp thể hiện quyền làm chủ của mình đối với các vấn đề quan trọng của đất nước. 

Thảo luận tại hội trường về dự thảo Luật Tài nguyên, môi trường biển và hải đảo, ĐB Bùi Thị An (Hà Nội) phát biểu: “Việt Nam có trên 3.200km bờ biển với rất nhiều tiềm năng kinh tế. Điều này cho thấy ban hành Luật Tài nguyên môi trường biển và hải đảo là cần thiết”. Cho rằng thời gian qua, việc quản lý biển, hải đảo bị chia cắt nhỏ, còn chồng chéo dẫn tới khâu quy hoạch và đánh giá tiềm năng chưa hiệu quả, ĐB Bùi Thị An đề nghị thành lập Bộ Kinh tế biển, vì hiện nay ngành này đóng góp 50% GDP cả nước. “Chính phủ nên giao cho một Phó Thủ tướng phụ trách về hoạt động kinh tế biển” – bà Bùi Thị An nói. 

Xử lý nghiêm hành vi cản trở hoạt động tố tụng

Chiều 28-5, Quốc hội đã nghe Chánh án TANDTC Trương Hòa Bình đọc Tờ trình dự án Luật Tố tụng hành chính (TTHC) sửa đổi. Về quyền và nghĩa vụ của người tham gia tố tụng, trên cơ sở kế thừa các quy định của Luật TTHC hiện hành, dự thảo sửa đổi, bổ sung các quy định về quyền và nghĩa vụ của đương sự để bảo đảm thực hiện nguyên tắc tranh tụng trong xét xử. Cụ thể, đương sự có quyền tiếp cận chứng cứ; quyền đề nghị Tòa án tổ chức phiên họp và tham gia phiên họp xem xét việc thụ lý, xác minh, thu thập chứng cứ và giải quyết các yêu cầu khác về tố tụng trong quá trình giải quyết vụ án...

Dự thảo cũng quy định về phạm vi, điều kiện, quyết định áp dụng thủ tục rút gọn, việc xử lý các hành vi cản trở hoạt động tố tụng trong việc giải quyết các vụ án hành chính. Quy định này nhằm tạo cơ sở pháp lý cho việc xác định trình tự, thủ tục, thẩm quyền, mức tiền phạt để xử lý nghiêm minh các hành vi cản trở hoạt động TTHC, bảo đảm sự tôn nghiêm của Toà án, tạo điều kiện để Toà án giải quyết các vụ án hiệu quả, đúng pháp luật.

Tại Báo cáo thẩm tra dự án Luật TTHC (sửa đổi), Ủy ban Tư pháp (UBTP) của Quốc hội tán thành với việc bổ sung quy định về thủ tục rút gọn và điều kiện áp dụng thủ tục trong dự thảo. Về xử lý các hành vi cản trở hoạt động TTHC của TAND, Ủy ban Tư pháp tán thành với ý kiến đề nghị quy định trong dự thảo nhằm xác định rõ hành vi vi phạm nào được coi là cản trở hoạt động TTHC của TAND và bị xử lý hành chính. Còn về trình tự, thủ tục, thẩm quyền, mức tiền phạt, Ủy ban Tư pháp đề nghị thực hiện theo quy định của Luật Xử lý vi phạm hành chính. 

Cũng trong chiều 28-5, Quốc hội thảo luận ở hội trường về việc quyết toán ngân sách Nhà nước năm 2013. ĐB Đỗ Mạnh Hùng (Thái Nguyên) kiến nghị, trước khi biểu quyết thông qua quyết toán, đề nghị Chính phủ báo cáo thêm về các vấn đề bội chi; tăng cường kỷ luật tài chính, minh bạch hơn về quản lý ngân sách Nhà nước; nâng cao  tỷ lệ và chất lượng các kiến nghị của Kiểm toán Nhà nước. ĐB Trần Du Lịch (TP.HCM) kiến nghị, khi thông qua Luật Ngân sách Nhà nước sắp tới, những tồn tại trên cần được khắc phục ngay. Quốc hội cần giám sát những nơi được phân bổ ngân sách nhưng có vi phạm để báo cáo kịp thời. Về chi ngân sách, nhiều ĐB nhận định, dù bội chi tăng chủ yếu do trả nợ và tăng chi xây dựng cơ bản, song cần được xem xét kỹ để đảm bảo tính nghiêm minh của kỷ cương ngân sách.