Gương mặt trẻ Công an Thủ đô xuất sắc tiêu biểu:

Để thông tin không khi nào “ách tắc”

ANTĐ - “Tôi chỉ nghĩ, mình nên làm một cái gì đó mới mẻ, có ích cho mọi người. Còn khó khăn thì tính sau, cứ đi là sẽ đến đích”, đó là những tâm sự từ đáy lòng của Trung úy Lê Công Thành, cán bộ  Phòng Viễn thông tin học, CATP  Hà Nội khi tôi hỏi anh về phần mềm Quản lý số liệu mạng cáp quang mới đưa vào sử dụng. Chính nhờ cách nghĩ và sáng kiến này mà Thành được bình chọn là một trong 10 gương mặt tiêu biểu xuất sắc của Công an Hà Nội.

Để thông tin không khi nào “ách tắc”  ảnh 1

Trung úy Lê Công Thành bận rộn bên những thiết bị số phục vụ cho công tác chuyên môn

Khi nghe tôi hẹn muốn gặp mặt để phỏng vấn viết bài, Thành chối ngay: “Tôi chỉ làm việc của bộ phận phục vụ, chủ yếu ở phía sau cánh gà, có gì đâu mà phải bận tâm. Còn bao nhiêu anh em khác đang vất vả ngày đêm chống tội phạm. So với họ, những gì tôi làm được là quá nhỏ”.

Tôi vốn không thạo lắm về công nghệ thông tin, vì thế trước khi trao đổi về công việc, Thành phải “vỡ lòng” sơ qua cho tôi một chút khái niệm về chuyên môn. “Anh cứ hình dung thế này, chỉ thị từ CATP xuống các đơn vị, quận, huyện hay phòng, ban chuyên môn được ví như những chuyến xe chở hàng. Một ngày có hàng trăm, thậm chí hàng nghìn chuyến xe chuyên chở như vậy chạy đi chạy lại liên tục để liên lạc, kết nối, chỉ huy, phản hồi, báo cáo hay thẩm tra... Chỉ cần một ách tắc nhỏ trên đường  khiến chiếc xe không thể chạy được là sẽ xảy ra ùn tắc. Lúc đó thông tin bị đình trệ, ảnh hưởng rất lớn đến tiến độ công việc chung. Nhiệm vụ của tôi là đảm bảo tuyến đường cho các chuyến xe luôn thông suốt. Nếu xảy ra sự cố “tắc đường”, việc của chúng tôi là trong thời gian ngắn nhất phải khắc phục hoặc đưa các xe sang tuyến đường khác để đảm bảo mọi thứ luôn được vận hành trôi chảy”. Ra vậy!

Kể chuyện nghề, Thành bảo, ngày tốt nghiệp ngành Công nghệ thông tin và truyền thông thuộc Đại học Thái Nguyên, anh chẳng nghĩ sẽ có ngày phục vụ trong lực lượng công an. Thế rồi cơ duyên đưa đẩy, lúc nhận công tác, thấy anh em trong phòng suốt ngày đánh vật với hệ thống truyền dẫn tín hiệu và khắc phục sự cố đường truyền, nghĩ mình dân công nghệ “xịn”, Thành quyết định phải làm “một cái gì đó”.  Thấy lý lịch từng tuyến được lưu trữ và đánh dấu toàn bằng hồ sơ giấy, vì thế khi cần khắc phục, việc tra cứu rất mất thời gian, thế là Thành nảy ra ý nghĩ xây dựng một phần mềm dựa trên ngân hàng dữ liệu quản lý tất cả các thông tin về hệ thống truyền dẫn của Công an Hà Nội. Ý tưởng này lập tức nhận được sự đồng ý của chỉ huy đơn vị, tuy nhiên yêu cầu là vẫn phải đảm bảo thời gian thực hiện nhiệm vụ hàng ngày. Vậy là chỉ còn cách tranh thủ thời gian rảnh rỗi lúc ở nhà hay ngày nghỉ. Vốn có kiến thức nên việc xây dựng phần mềm khá nhanh, lâu nhất là thời gian cập nhật thông tin cho ngân hàng dữ liệu từ nhiều năm trước đó. Ròng rã mất một năm, cuối cùng mọi việc cũng hoàn tất. Phần mềm của Thành đóng góp đáng kể vào việc xác định vị trí sự cố cho đơn vị có phương án khắc phục mọi ách tắc trên hệ thống thông tin, góp phần tiết kiệm đáng kể công sức cho đồng nghiệp.

Không chỉ có thế, sau thành tích này, Thành còn tham gia nhiều công việc khác như triển khai lắp đặt mạng truyền dẫn, tổng đài cho công an các huyện ngoại thành; lắp đặt cấu hình thiết bị đường truyền nghiệp vụ từ phòng nghiệp vụ tới các đội nghiệp vụ tại 30 quận, huyện phục vụ cấp chứng minh nhân dân điện tử 12 số hay lắp đặt đường truyền SAMS cho các huyện. Ở bất cứ nhiệm vụ nào anh cũng luôn ý thức hoàn thành nhiệm vụ, chính vì vậy Thành được Giám đốc CATP tặng giấy khen trong phong trào thi đua Vì an ninh Tổ quốc năm 2014.