Đại biểu Quốc hội: Quan trọng nhất là gần dân

Đại biểu chuyên trách Lê Văn Cuông, đoàn ĐBQH tỉnh Thanh Hóa được biết đến ở nghị trường qua chất vấn thẳng thắn về nạn "chạy chức, chạy quyền". Tái cử lần này vào QH (khóa XII), ông Cuông nói sẽ tiếp tục phản ánh những bức xúc của cử tri ở cơ sở.

Đại biểu Quốc hội: Quan trọng nhất là gần dân

Đại biểu chuyên trách Lê Văn Cuông, đoàn ĐBQH tỉnh Thanh Hóa được biết đến ở nghị trường qua chất vấn thẳng thắn về nạn "chạy chức, chạy quyền". Tái cử lần này vào QH (khóa XII), ông Cuông nói sẽ tiếp tục phản ánh những bức xúc của cử tri ở cơ sở.

Tính kilômét ra tiền phí "chạy" vào cơ quan Nhà nước

Đại biểu Lê Văn Cuông phát biểu tại Hội trường QH khóa XI.

Đại biểu Lê Văn Cuông phát biểu tại Hội trường QH khóa XI.

Ông có cảm giác thế nào khi biết mình trúng cử một lần nữa vào QH?

Tôi còn nợ dân nhiều. Những bức xúc mà cử tri tin ở mình, gửi gắm cho mình, mình cũng chỉ kiến nghị lên trên, nhiều vấn đề các cơ quan Nhà nước chưa giải quyết. Tái cử lần này, tôi sẽ có cơ hội để hoạt động tốt hơn, để trả nợ cho dân.

Ở Quốc hội khóa XI, ông đã từng lên tiếng về tình trạng "chạy" chức, "chạy" quyền. Ông có thấy những ý kiến của mình có tác dụng lay chuyển điều gì chưa và ở QH khóa XII, ông sẽ tiếp tục nói đến vấn nạn này?

Hiện tượng "chạy" có lẽ có tính chất tương đối phổ biến trong cuộc sống hiện nay. Ngay ở địa phương chúng tôi, chức trưởng thôn mỗi tháng chỉ được phụ cấp 100.000 đồng, vậy mà cử tri phản ánh là người ta phải chạy mới có được. Vậy ở vị trí cao hơn thì sao?

Bước đầu, để tránh tình trạng "chạy", phải có giải pháp đồng bộ. Ở QH khóa XII này, tôi cũng đang chuẩn bị có tiếng nói về chuyện "chạy" đến hàng chục triệu đồng vào cơ quan Nhà nước hoặc để được về công tác gần thành phố. Cử tri phản ánh rằng, người ta đang tính tiền phí "chạy" theo kilômét, càng gần thành phố, thị xã thì tiền chi ra càng nhiều. Cử tri chỉ rỉ tai nhau chứ không tố cáo vì là người trong cuộc, tố ra thì "tiền mất tật mang".

Đảng và Nhà nước đã thấy được vấn đề đó và sự cần thiết phải có biện pháp ngăn chặn. Tôi muốn đề nghị phải có quy định của pháp luật trong việc tuyển chọn cán bộ, nhất là phải công khai, minh bạch và phải có tính cạnh tranh, có nhiều đối tượng để xem xét, lựa chọn chứ không phải cứ đưa ra một người độc nhất để bầu.

Ngoài tệ "chạy" chức quyền, ông còn có dự định mang tiếng nói nào nữa của cử tri Thanh Hóa đến với Quốc hội?

Quốc hội cũng như dư luận mới chỉ tập trung những vụ việc lớn ở Trung ương thôi, trong khi hiện nay, bức xúc ở chính quyền cơ sở cấp xã, thôn rất nặng nề.

Người ta khiếu kiện, tố cáo nhiều tiêu cực về chuyện đất đai, chi tiêu ngân sách của các "quan" xã. Tôi đang chuẩn bị những số liệu để phản ánh với QH và kiến nghị với QH phải xử lý những đối tượng này như thế nào, nhất là chuyện câu kết với chính quyền huyện để chia chác đất đai giải phóng mặt bằng, lập khống lên để rút tiền Nhà nước.

Không phải chỉ ở Thanh Hóa, mà qua theo dõi các phương tiện thông tin đại chúng, tôi thấy ở nhiều tỉnh có tình trạng này. Chúng ta cần phải quan tâm tới trình độ năng lực cũng như phẩm chất đạo đức của đội ngũ cán bộ xã. Phải thay đổi cơ chế bầu các chức danh. Để dân bầu trực tiếp chủ tịch xã như đề nghị hiện nay của Mặt trận Tổ quốc thì chắc chắn tình hình sẽ được cải thiện.

Đại biểu Quốc hội: quan trọng nhất là gần dân

Ông là đại biểu chuyên trách duy nhất, đồng thời là Phó đoàn ĐBQH tỉnh Thanh Hóa khóa XI. Nhìn lại chặng đường 5 năm đã qua, ông rút ra những kinh nghiệm gì để một đại biểu hoạt động có hiệu quả nhất?

Tổng kết nhiệm kỳ, đoàn Thanh Hóa chọn ra được 11 nội dung có nhiều bức xúc nhất qua quá trình tiếp dân và nhận đơn thư, cần tăng cường giám sát: di dân tái định cư, xây dựng cơ bản, tuyển dụng cán bộ công chức, quản lý, chi tiêu ngân sách... Riêng vấn đề giám sát, tôi thấy kiến nghị giám sát mà cụ thể, xác đáng thì cơ sở sẽ tập trung xử lý. Mình phải theo dõi, đeo bám đến cùng, những lần phúc tra sau giám sát phải làm rõ nguyên nhân trách nhiệm tại sao không giải quyết thì sẽ có cách tháo gỡ.

Về hoạt động tiếp dân và xử lý đơn thư, khi có ý kiến phân tích, thẩm tra, xem xét của ĐBQH thì cử tri yên tâm hơn về phương án giải quyết của các cấp chính quyền. Có những quyết định cuối cùng của Chủ tịch tỉnh mà cử tri cũng chưa thực sự tin tưởng, nhưng qua ý kiến của ĐBQH thì họ cho rằng khách quan hơn. ĐBQH hoạt động tích cực, có trách nhiệm sẽ góp phần thúc đẩy các cơ quan Nhà nước giải quyết đơn thư kịp thời, có kết quả cao hơn, tạo sự tin tưởng của cử tri với cơ quan Nhà nước và Quốc hội.

Kỳ họp là nơi thể hiện vai trò rõ nét nhất của đại biểu, nên đại biểu cũng phải tích cực tham gia đóng góp ý kiến có chất lượng. Tất nhiên, so với yêu cầu thì sự tham gia của đại biểu chưa đồng đều, điều kiện làm việc chưa chuyên sâu, chưa am hiểu tình hình. Tôi thấy rằng để hoàn thành trách nhiệm của mình, quan trọng nhất là đại biểu phải tự mình học tập nâng cao trình độ và phải gắn bó với dân.

Có thể hiểu rằng, nhờ tâm huyết cộng với quá trình tự học, đại biểu có thể hoạt động hiệu quả hơn?

Nếu chỉ có trình độ học vấn cao, chưa hẳn đại biểu đã hoạt động tốt, vì có thể họ hoạt động trong lĩnh vực nghiên cứu hoặc có kiến thức uyên thâm về lý luận nhưng thiếu thực tiễn. Có thể họ phát biểu về vấn đề có tính lý luận thì rất bài bản, nhưng phản ánh thực tiễn, nhất là tiếng nói của cử tri ở địa phương, của người lao động thì có khi lại quan liêu không nắm được.

Vì thế, cũng có nhiều đại biểu trên nghị trường chúng tôi theo dõi là có địa vị, hay học vấn cao nhưng cũng không tham gia phát biểu được hoặc phát biểu có tính chất khuôn mẫu, không sát thực tế, bởi các vị không có điều kiện.

Ngược lại, có đại biểu là công nhân chưa có trình độ đại học hay trên đại học nhưng lại lăn lộn va chạm với thực tiễn, gần dân, nắm bắt được nguyện vọng của dân, nên có những kiến nghị rất xác đáng, có tính thuyết phục và thẳng thắn.

Giám sát giống như cưỡi ngựa xem hoa (?)

Ông có thấy cần một bộ máy giúp việc hay ít nhất là một thư ký không?

Tôi thấy rằng ở đâu cũng cần bộ máy cả. Một mình "đơn thương độc mã" thì chất lượng hoạt động không cao. Nhưng phải tính toán thế nào cho đủ, chứ bây giờ bộ máy cồng kềnh mà hoạt động lại kém, thậm chí giẫm chân lên nhau hoặc ngồi chơi xơi nước thì rất lãng phí.

Trong phòng chuyên viên của đoàn ĐBQH chúng tôi, chỉ có 3 chuyên viên thôi. Khóa trước, chỉ có mình tôi là đại biểu chuyên trách, khóa này có hai người, mình ít người nên phải chọn đối tượng cho tinh. Hãy nhìn vào một trong những khâu yếu nhất của ĐBQH là khâu giám sát.

Do các đại biểu kiêm nhiệm nhiều nên tổ chức các cuộc giám sát còn ít, thời gian đi không nhiều, lẽ ra một nội dung phải đi mấy ngày tìm hiểu kỹ nhưng thực tế chỉ như cưỡi ngựa xem hoa thôi. Hơn nữa, trình độ năng lực của đại biểu còn hạn chế, chuyên viên giúp việc cũng chỉ làm đơn thuần hành chính thôi chứ chưa phải là người chuyên sâu như ở các nước. Có khi ĐBQH còn phải hướng dẫn cho chuyên viên nhiều việc, khiến cho chất lượng giám sát chưa thể tốt được.

Theo Vietnamnet