Cựu chiến binh Cồn Cỏ thăm lại chiến trường xưa

ANTĐ - Ông Trần Văn Thà, nguyên Trưởng đảo Cồn Cỏ thời đạn bom, nay cũng đã ở tuổi "xưa nay hiếm", vui vẻ nói với tôi: "Thế là đã có 160 cựu chiến binh (CCB), từng chiến đấu trên đảo Cồn Cỏ nhận lời về thăm lại chiến trường xưa". Ông mời tôi cùng đi, giúp ông chụp ảnh, chuẩn bị tài liệu xây dựng "Bảo tàng về Cồn Cỏ" như nguyện vọng của các CCB.

Cựu chiến binh Cồn Cỏ thăm lại chiến trường xưa ảnh 1Diễn tập bắn mục tiêu trên biển của Bộ đội biên phòng Cồn Cỏ

Niềm vui ngày hội ngộ

Đúng ngày đã hẹn, các “cánh quân” khắp 3 miền Bắc – Trung - Nam, quân phục chỉnh tề, đủ quân hàm, quân hiệu, ngực đỏ rực các loại huân chương tụ họp ở Đông Hà (Quảng Trị), "hành quân" vào Nhà khách Tỉnh đội để dự cuộc liên hoan đón tiếp của Ban chỉ huy Tỉnh đội Quảng Trị trước khi ra thăm đảo Cồn Cỏ. Ai cũng đã ở cái tuổi ngoài 70, gặp nhau tay bắt mặt mừng, quên cả tháng năm, lại trở về  với tuổi trẻ một thời chia nhau ca nước ngọt, bát canh cua đá, cọng rau tàu bay, cùng chung lửa đạn… Bùi Thanh Phong, hơn 40 năm trước là một trong những người đầu tiên bắn hạ máy bay phản lực trên bầu trời Cồn Cỏ. Ông hồn nhiên ôm cổ, nhảy lên lưng từng người, vật bạn xuống ghế, day day hàm râu quai nón vào má bạn mà cười. Họ nói chuyện với nhau đúng chất lính Cồn Cỏ "ăn sóng nói gió", cứ oang oang cho đã. Hơn 40 năm, "đội ngũ" vẫn còn gần như nguyên vẹn, phải dốc hết lòng ra với nhau, bởi vì, như ông Sửu - đảo phó, nay đã 84 tuổi, nghẹn ngào: "E đây là lần cuối cùng chúng ta đoàn tụ với nhau đông đủ thế này".

Tờ mờ sáng 11-6-2014, giữa lúc Trung Quốc ngang nhiên hạ đặt giàn khoan Hải Dương 981 trái phép lên vùng biển Hoàng Sa của Việt Nam, CCB Cồn Cỏ lặng lẽ, vai đeo ba lô, đầu đội mũ mềm gắn quân hiệu, đi theo đội hình hàng dọc, lên tàu Cửa Việt. Đích đến là nơi họ đã từng sống và chiến đấu - Cồn Cỏ anh hùng. Ai cũng muốn ngồi trên ván gỗ mui tàu, không sợ gió to, sóng lớn  vì ai cũng nóng lòng muốn nhìn thấy đảo từ xa. Phát hiện bóng đảo mờ mờ nơi chân trời, tất cả cùng reo lên: "A! Đảo kia rồi!". Cả tàu xôn xao, chỉ lên đảo: "Mỏm cao bên tay trái là Hải Phòng". Trong chiến tranh, để được gần với đất liền quê hương, cánh lính trẻ lãng mạn, giàu tình cảm lấy địa danh nhiều miền đất quê hương đặt tên cho các điểm trên Cồn Cỏ. Cồn Cỏ như Tổ quốc thu nhỏ lại. Cồn Cỏ có 2 điểm cao, điểm cao nhất, nơi đặt ngọn Hải đăng gọi là "đồi Hải Phòng". "Trận địa Hà Nội" là khu vực đặt Bộ chỉ huy quân sự đảo. Từ trung tâm Hà Nội, có các nhánh dẫn đến các khu "Nam Hà", "Hà Tây", "Hương Giang", "Quảng Ninh", rồi "Bến Nghè", "Sơn Tây" và bãi "Hiron" (tên một bãi biển Cu Ba) ở phía Đông Bắc đảo.

Mỗi người trên tàu đều tìm thấy những ký ức riêng của mình trên hòn đảo họ đã từng đổ máu bảo vệ. Cồn Cỏ sống dậy trong tim mỗi người lính già. Sau hơn 40 năm mới trở lại, mọi người ngỡ ngàng vì màu xanh bạt ngàn của Cồn Cỏ. Bởi ngày chia tay, hố bom san sát hố bom. Mảnh đất chưa đầy 3 cây số vuông, bị bom địch cày nát, vốc một nắm đất lên tay thấy mật độ mảnh bom nhiều hơn đất.

Ở cái tuổi lên ông, lại vượt trên 30km đường biển dập dềnh, ai cũng thấm mệt, nhưng khi đặt chân lên mảnh đất thiêng, những người lính năm xưa như được tiếp thêm sức mạnh. Việc đầu tiên họ làm là lên đài liệt sĩ dựng trên đỉnh đồi Si, thắp hương tri ân đồng đội đã ngã xuống để bảo vệ mảnh đất này. Mỗi cái chết trên đảo đều ghi lại một chiến tích. Trong mùi thơm của khói hương, chiến công của các anh đang được đồng đội nhớ, nhắc đến, mang theo suốt cuộc đời còn lại của mình. Họ ngồi quây quần dưới chân tượng đài liệt sĩ, ôn lại kỷ niệm của một thời "Đẹp hơn tất cả". Ông Hữu Tứ chia sẻ: "Đồi Si này là trận địa của Trung đội 14 li 5, họ đã bắn rơi 38 máy bay AD6 của bọn giặc trời Mỹ. Anh hùng Lê Văn Ban chỉ huy đoàn tàu Vĩnh Linh ra tiếp tế cho đảo, bị máy bay địch bắn rất dữ, chỉ có 2 thuyền cập được vào đảo, 8 thuyền bị đánh chìm, 2 thuyền dạt vào bờ Nam.Trận đó ta thua đậm, đau lòng nhất”. Ông Trần Văn Thịnh nhớ lại câu chuyện vui: Trung đội 14 li 5, ngày trực chiến, đêm xuống bến bốc hàng. Xứ "đực rựa" quen thói ở lỗ bốc hàng. Đêm ấy khi gần đến thuyền, bỗng nghe tiếng thiếu nữ, các lính trẻ mới tá hỏa đi tìm quần áo mặc.

Cựu chiến binh Cồn Cỏ thăm lại chiến trường xưa ảnh 2Lính hải quân tuần tra canh giữ biển trời

Giàu mạnh để giữ vững chủ quyền

Chiến tranh đã lùi xa… Hòn đảo nhỏ 2 lần được phong danh hiệu "Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân". Ngày 1-10-2004, Thủ tướng chính phủ ký quyết định thành lập huyện đảo Cồn Cỏ, với định hướng xây dựng nơi đây thành "huyện đảo du lịch". Các CCB vui mừng thấy Cồn Cỏ bây giờ đã được "dân sự hóa". Cả một quần thể phố phường, cảng thị, những ngôi nhà mái ngói xanh, đỏ ôm viền quanh đảo từ bến Nghè lên bến Tranh, tới âu thuyền, tạo nên bức tranh độc đáo Cồn Cỏ… phố. Hai trục đường trung tâm đảo là trụ sở của các ban ngành, Chi cục thuế, trung tâm y tế, trường học, Đài Phát thanh - Truyền hình, nhà văn hóa thanh niên. Hồ nước ngọt rộng mênh mông nằm giữa trung tâm đảo vừa cung cấp nước ngọt cho toàn đảo, vừa tạo cảnh quan môi trường xanh - sạch - đẹp. Cồn Cỏ còn đẹp về đêm, khi hệ thống đèn đường được bật lên, từ ngoài khơi nhìn vào, dáng dấp một đô thị hiện đại hiện ra dưới quầng sáng của đường phố. Mấy ông CCB mê cà phê, ghé quán Nhân Diệu, ngồi nghe kể chuyên tình của đôi vợ chồng chủ quán. Diệu là bộ đội, hết hạn nghĩa vụ quân sự, chuẩn bị xuất ngũ. Anh gặp một đoàn TNXP ra đảo lập nghiệp. Và duyên trời xe, Diệu gặp Nhân. Ngày ra quân, thay vì về đất liền, anh vác ba lô lên lán TNXP "báo cáo tổ chức" lý do xin được trở thành một thành viên của Tổng đội.

Một thời gian sau cả hai tổ chức đám cưới giản dị, vui vẻ. Quân dân cả đảo kéo nhau đến chúc mừng đôi vợ chồng trẻ. Họ gắn bó với đảo, kịp sinh được 2 cô công chúa xinh đẹp, công dân mới của đảo: Hương Giang, Diệu Nhàn. Hiện nay, Nhân là kế toán của Ban quản lý cảng cá. Diệu làm bảo bệ cho cơ quan Huyện ủy. Hết giờ làm việc, họ lại về làm ông bà chủ quán cà phê Nhân Diệu, kể cho khách nghe chuyện cổ tích đời mình.

Đêm lửa trại liên hoan giao lưu giữa các CCB và chiến sĩ, nhân dân trên đảo, tay trong tay hát vang bài ca "Cồn Cỏ anh hùng, quyết lập chiến công". Chiến công ngày hôm qua để giành lại độc tập tự do cho đất nước. Chiến công ngày hôm nay là dân giàu, nước mạnh, bảo vệ vùng trời, vùng biển của Việt Nam. Kẻ nào có âm mưu xâm phạm tới, như lời ca các chiến sĩ Cồn Cỏ đang hát: "Chúng bay vào sẽ không có đường ra".