Chuyện xây cầu vòm đầu tiên ở Hà Nội

ANTĐ - Cầu Đông Trù bắc qua con sông Đuống thơ mộng  vốn nổi tiếng từ lâu trong bài thơ “Bên kia sông Đuống” của Hoàng Cầm. Cầu chính gồm 3 nhịp, hai chiều lưu thông, mỗi chiều đủ chỗ cho 4 làn xe chạy, 1 đường sắt đô thị và có phần đường dành cho người đi bộ. Cầu nối liền phường Ngọc Thụy (Long Biên) sang thôn Đông Trù (Đông Anh), từ đó kết nối Quốc lộ 1, Quốc lộ 5 với Quốc lộ 2, Quốc lộ 3, mở hành lang thông thoáng nối các tỉnh phía Bắc và Đông Bắc với các tỉnh phía Tây Bắc...
Chuyện xây cầu vòm đầu tiên ở Hà Nội ảnh 1
Hai khối vòm 53m, mỗi khối nặng 280 tấn được đưa lên độ cao 42m vào vị trí an toàn


Ứng viên sáng giá

Chính thức khởi công vào quý I- 2010, đến tháng 10-2014, đúng dịp kỷ niệm 60 năm Ngày Giải phóng Thủ đô cầu mới hoàn thành, kéo dài hơn 4 năm (trễ  hơn so với kế hoạch ban đầu đề ra 2 năm). Nguyên nhân của sự chậm trễ là sự phức tạp về kỹ thuật khi thi công khối vòm 53m và cũng từ đó nổi lên câu chuyện về sự sáng tạo của những người thợ cầu.

Năm 2009, Ban Quản lý hạ tầng Tả ngạn thuộc UBND thành phố Hà Nội (chủ đầu tư) yêu cầu các đơn vị đã có kinh nghiệm thi công các công trình kết cấu tương tự như cầu vòm mới đủ điều kiện tham gia dự thầu. Do vậy, nhiều doanh nghiệp thi công cầu trong nước  không đủ điều kiện tham dự.

Nhà thầu Trung Quốc với thế mạnh là quốc gia có nhiều cầu vòm lớn nhất thế giới đã thắng thầu. Khi nhà thầu ngoại được yêu cầu thi công, ý thức được thế mạnh của họ cũng như điểm yếu của các nhà thầu trong nước nên họ đã báo giá tăng gấp hơn 2 lần so với dự toán ban đầu.

Sau hơn 2 năm kiên trì đàm phán không thành công, cuối tháng 6-2012  nhà thầu Trung Quốc rút lui. Chủ đầu tư tiếp tục tìm kiếm đối tác mới nhưng chỉ đến khi Tổng Công ty Công trình giao thông 1 (Cienco1) khánh thành cầu Châu Giang (Phủ Lý - Hà Nam) vào tháng 12-2012 và cầu Rồng (thành phố Đã Nẵng) vào tháng 3-2013, đều có kết cấu vòm thép tương tự với cầu Đông Trù, lúc đó Cienco1 trở thành ứng cử sáng giá và được UBND thành phố Hà Nội chính thức chọn làm đơn vị thay thế nhà thầu Trung Quốc. 

Sức sáng tạo của những người thợ 

Nhận thi công vào tháng 4-2013 đúng vào mùa mưa bão, đồng thời phải đợi thép nhập khẩu về cho nên phải tới tháng 7-2013, Cienco1 mới chính thức bắt tay vào thi công đoạn vòm 53m. Công đoạn đầu tiên là sản xuất 2 khối vòm thép, mỗi khối gồm 2 đoạn vòm có chiều dài 53m được nối với nhau bằng các thanh ngang có chiều rộng 23,5m, trọng lượng mỗi khối vòm 280 tấn phải đưa từ  mặt nước lên độ cao 42m trong thời gian 5 giờ để trả lại luồng giao thông cho các phương tiện trên sông. 

Trước nhiệm vụ khó khăn đó, Trưởng phòng kỹ thuật Đặng Thanh Bình kiêm Giám đốc Ban điều hành dự án cùng các kỹ sư trẻ dày dặn kinh nghiệm như: Vũ Trí Phúc, Hoàng Trọng Hòa, Phạm Văn Hiền, Cấn Mạnh Hùng… đã đưa ra giải pháp dùng hệ thống kích đa hành trình thay thế cho giải pháp sử dụng dây thiên tuyến của nhà thầu Trung Quốc. Để thực hiện giải pháp chỉ được phép diễn ra trong 5 giờ đồng hồ, nhưng những người thi công cầu Đông Trù phải mất già nửa năm để chuẩn bị, từ thi công hệ thống đài cọc đến khoan nhồi và cọc ống thép làm bệ đỡ cho hệ thống đà giáo trên đỉnh trụ tạm phục vụ việc nâng vòm 53m. Ngày 10-4-2014 và ngày 6-5-2014, cả 2 khối vòm 53m đã được đưa lên đúng vị trí yêu cầu một cách an toàn trong niềm vui khôn xiết của tất cả những người thợ cầu Đông Trù. 

Để cầu Đông Trù khánh thành đúng dịp chào mừng 60 năm Ngày Giải phóng Thủ đô, Thạc sĩ Đặng Thanh Bình - Giám đốc Ban điều hành dự án luôn có mặt ngày đêm tại cầu để đôn đốc các đơn vị hoàn thiện các công việc còn lại để đảm bảo bàn giao cầu đưa vào thông xe đúng ngày 10-10-2014. 

Trong cái nắng rám da bưởi, không khí thi công trên mặt cầu vẫn rất khẩn trương. Kỹ sư Hoàng Trọng Hòa, Đội trưởng Đội công trình 1 (Xí nghiệp cầu 17 - Cienco1) cho biết: Đơn vị vừa hoàn thành 100% hạng mục dán màng chống thấm thượng lưu cầu, việc lắp dựng lan can bờ bò vừa mới xong, các công việc cuối cùng là cắt, tẩy, mài, rửa và sơn vòm cũng đã chốt ngày hoàn thành.

Theo kỹ sư Vũ Mạnh Hùng (đơn vị giám sát): Tất cả các hạng mục thi công đều đảm bảo theo đúng yêu cầu thiết kế, chất lượng và kỹ thuật, các đơn vị thi công không để xảy ra sự cố nào đáng tiếc. Đơn vị tư vấn giám sát đánh giá cao chất lượng thi công các hạng mục cầu. Ví như việc bơm bê tông nhồi vòm 53m, theo đó yêu cầu bơm trong điều kiện nhiệt độ không quá 35 độ C, do vậy các đơn vị đã thi công vào ban đêm, 7 giờ tối tưới nước làm mát các ống vòm, đến 10 giờ đêm bơm bê tông cho đến 8 giờ sáng hôm sau, rồi lại dùng bao tải ướt đắp kín vòm đồng thời tưới nước liên tục trong vòng 1 ngày để bê tông ổn định kết cấu.

Ở hai bên cầu chính, ông Phạm Hồng Hải (Công ty Hapulico) đã huy động nhân lực, tập kết sẵn 254 cây đèn cầu, 34 đèn pha, 600 đèn trang trí và đường cáp điện đã đi tới từng chân cột. Cũng theo ông Hải, đơn vị đã hoàn thành từ ngày 23-9 toàn bộ hệ thống lắp đặt đèn trên cây cầu chính và 2 bên đường dẫn lên cầu.

Trong niềm vui của nhân dân đôi bờ, niềm vui của dòng người và phương tiện lưu thông qua cây cầu mới và đẹp của Thủ đô, có niềm vui, niềm kiêu hãnh của những người thợ Việt Nam, bởi chính họ đã khẳng định được sức sáng tạo, khả năng nắm bắt và làm chủ công nghệ thi công cầu hiện đại.

Cầu Đông Trù sẽ thông xe vào ngày 10-10

Đại diện Ban QLDA 85 cho biết, dự án cầu Đông Trù đã hoàn thành xong khối lượng công việc, hiện các đội công nhân của Cienco 1 đã dán màng chống thấm, cắt, tẩy, mài, rửa và sơn vòm.... Dự kiến, cầu sẽ được thông xe, đưa vào sử dụng đúng dịp kỷ niệm 60 năm Ngày Giải phóng Thủ đô (10-10-2014).

Cầu Đông Trù là gói thầu chính, quan trọng nhất của Dự án đường 5 kéo dài với tổng mức đầu tư trên 6.600 tỷ đồng, bằng nguồn vốn ngân sách Nhà nước. Cầu nối từ xã Đông Hội, huyện Đông Anh sang phường Ngọc Thụy, quận Long Biên, cách cầu Đuống cũ khoảng 4,5km. Cầu dài 1.140m, gồm 8 làn xe, ngoài hệ thống đường dẫn hai đầu, cầu gồm 3 nhịp chính, trong đó, 2 nhịp biên dài 80m và nhịp giữa sông dài 120m, sử dụng công nghệ mới là cầu vòm ống thép nhồi bê tông, lần đầu tiên được áp dụng tại Việt Nam.