Chuyển học phí, viện phí ra khỏi phạm vi điều chỉnh của luật

ANTĐ - Thảo luận, cho ý kiến vào dự thảo Luật Kiểm toán Nhà nước tại phiên làm việc sáng 26-5, đa số các đại biểu cho rằng dự thảo luật đã được chuẩn bị công phu và đủ điều kiện để thông qua tại kỳ họp này.

Các ĐB Đỗ Văn Vẻ (đoàn Thái Bình), Nguyễn Bá Thuyền (đoàn Lâm Đồng) góp ý, dự thảo Luật Kiểm toán Nhà nước còn nặng về xác định quyền, bộ máy tổ chức hoạt động của kiểm toán Nhà nước mà chưa xác định rõ tính chất, phạm vi hoạt động và trách nhiệm của cơ quan này. ĐB Thân Đức Nam (đoàn Đà Nẵng) cho rằng cần làm rõ trong trường hợp báo cáo kiểm toán không đúng, không trung thực hoặc chỉ đúng một phần thì phải xử lý trách nhiệm như thế nào, nếu không sẽ dẫn đến cách hiểu rằng kiểm toán không có trách nhiệm gì đối với các kết luận, kiến nghị trong báo cáo kiểm toán. Đồng quan điểm, ĐB Nguyễn Đình Quyền (đoàn Hà Nội) đề nghị phải quy định rõ, chặt chẽ thẩm quyền, trách nhiệm của kiểm toán, nhất là thẩm quyền chuyển các vụ có dấu hiệu vi phạm sang cơ quan điều tra để tránh lạm dụng… Riêng về nhiệm kỳ của Tổng kiểm toán Nhà nước, nhiều đại biểu cho rằng chỉ nên quy định một nhiệm kỳ là 5 năm thay vì 7 năm như dự luật.

Trước đó, Quốc hội đã nghe Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng đọc Tờ trình về dự thảo Luật phí và lệ phí. Theo bản dự thảo mới nhất này, Luật phí và lệ phí chỉ còn quy định 51 loại phí, 39 khoản lệ phí. Thẩm tra về dự án luật này, Ủy ban Tài chính ngân sách của Quốc hội nhất trí việc chuyển học phí, viện phí ra khỏi phạm vi điều chỉnh của Luật phí và lệ phí để thực hiện theo cơ chế giá dịch vụ. Các đại biểu cũng đề nghị Chính phủ cần tiếp tục nghiên cứu, rà soát, có thể bãi bỏ một số khoản phí, lệ phí có số thu thấp, chi phí hành thu cao; một số khoản phí không phù hợp, có thể gây bức xúc cho người dân nhằm giảm thủ tục hành chính, chi phí hành thu.