Cần quy định rõ nhiệm vụ của công an xã, phường trong công tác điều tra

ANTĐ - Đó là ý kiến của đại biểu Nguyễn Đức Chung, Ủy viên Ủy ban Tư pháp của Quốc hội, Giám đốc CATP Hà Nội tại phiên thảo luận ở tổ về dự án Luật tổ chức cơ quan điều tra hình sự và dự án Luật tạm giữ, tạm giam, chiều 2-6. Cũng theo Giám đốc CATP Hà Nội, cần bổ sung thẩm quyền điều tra cho một số cơ quan hình sự cấp Bộ hoặc đơn vị cảnh sát phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao ở Công an cấp tỉnh.

Cần quy định rõ nhiệm vụ của công an xã, phường trong công tác điều tra ảnh 1Đại biểu Nguyễn Đức Chung - Giám đốc CATP Hà Nội phát biểu
tại phiên thảo luận tổ chiều 2-6

Góp ý vào dự thảo Luật Tổ chức cơ quan điều tra hình sự tại phiên thảo luận tổ chiều 2-6, ĐB Nguyễn Đức Chung, Ủy viên Ủy ban Tư pháp của Quốc hội, Giám đốc CATP Hà Nội đề nghị, cần quy định rõ nhiệm vụ, thẩm quyền trong công tác điều tra cho công an cấp phường, xã.

55-62% tội phạm được bắt giữ bởi công an xã, phường

 

Theo ĐB Nguyễn Đức Chung, việc xây dựng và ban hành Luật Tổ chức cơ quan điều tra hình sự là rất cần thiết để tạo nên sự đồng bộ trong hệ thống pháp luật về tư pháp trong bối cảnh chúng ta đang sửa đổi Bộ luật Hình sự và Bộ luật Tố tụng hình sự, dựa trên tinh thần Hiến pháp 2013. Góp ý vào các quy định cụ thể, ĐB Nguyễn Đức Chung cho rằng, cần thiết phải quy định rõ nhiệm vụ, thẩm quyền trong công tác điều tra cho công an cấp phường, xã. Giám đốc CATP Hà Nội dẫn chứng, 55-62% tội phạm được bắt giữ là do công an xã, phường thực hiện, phần lớn là bắt quả tang. 

“Nếu giao cho công an phường, xã nhiệm vụ tiếp nhận tin báo tố giác tội phạm ban đầu; bảo vệ hiện trường; lấy sinh cung là hoàn toàn phù hợp. Còn việc trình độ công an phường, xã có đáp ứng được không, có dẫn đến oan sai hay không hoàn toàn do trách nhiệm quản lý Nhà nước của công an tỉnh, thành phố đó. Thực tế là ở một số tỉnh, công an huyện có khi cách địa bàn xã 50 - 70km, nếu không giao công an xã bảo vệ hiện trường và một số thẩm quyền như trên thì có khi công an huyện tới được nơi xảy ra vụ án, mọi thứ đã xong xuôi” - ĐB Nguyễn Đức Chung phân tích. Cũng theo Giám đốc CATP Hà Nội, ngoài công an phường, xã, thì trong luật cần quy định chức năng nhiệm vụ cho các đồn công an, bổ sung trách nhiệm về tổ chức điều tra hình sự với các đồn bởi thực tế hiện nay các đồn công an đang hoạt động rất hiệu quả.

Về các quy định khác, ĐB Nguyễn Đức Chung cho rằng, không nên giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra cho cơ quan thuế, chứng khoán, kiểm ngư bởi việc này không phù hợp với thực tiễn và không thực sự cần thiết. Ngược lại, việc bổ sung thẩm quyền điều tra cho một số cơ quan hình sự cấp Bộ hoặc phòng Cảnh sát PCTP sử dụng công nghệ cao ở Công an cấp tỉnh là rất cần thiết, phù hợp với công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm trong bối cảnh hiện nay. Việc bổ sung thêm các đầu mối như vậy không phải là mở rộng cơ quan điều tra mà vẫn nằm trong thẩm quyền điều chỉnh tổ chức cơ quan điều tra trong hệ thống ngành công an. 

Cân nhắc mô hình quản lý trại tạm giam, tạm giữ

Góp ý vào dự án Luật Tạm giữ, tạm giam, ĐB Nguyễn Đức Chung cho rằng, thẩm quyền tạm giữ, tạm giam đã được quy định trong Bộ luật Tố tụng hình sự, còn trong luật này chủ yếu quy định về việc thi hành, do vậy nên để tên luật là Luật thi hành tạm giữ, tạm giam sẽ phù hợp hơn. Còn về mô hình quản lý lực lượng thi hành tạm giữ, tạm giam, ĐB Nguyễn Đức Chung cho rằng, nếu áp dụng mô hình ngành dọc thì khó thực hiện được. 

“Nếu trại tạm giam, nhà tạm giữ quản lý người đã có quyết định thi hành án thì thuộc trách nhiệm quản lý của cơ quan Thi hành án hình sự; Còn người đang bị tạm giữ, tạm giam thì chịu sự điều tiết của cơ quan điều tra. Do đó, mô hình quản lý nhà tạm giữ, trại tạm giam vẫn phải gắn với 2 cơ quan là Thi hành án hình sự và cơ quan điều tra”, Giám đốc CATP Hà Nội nói.

Về quy định thời hạn tạm giữ, dự thảo luật quy định trong vòng 6 ngày, người bị tạm giữ được phép gặp người thân 2 lần, theo ĐB Nguyễn Đức Chung, quy định như vậy chưa thực sự phù hợp vì trong những vụ án truy xét có nhiều đồng phạm, nếu cho gặp như vậy thì khó đảm bảo được yêu cầu của công tác điều tra. Thực tế, nhiều người bị tạm giam, tạm giữ cũng không có yêu cầu. Về chế độ ăn cho người bị tạm giam, tạm giữ, ĐB Nguyễn Đức Chung đề nghị, cần quy định cụ thể về chế độ ăn đặc thù cho những người nước ngoài bị tạm giam, tạm giữ ở nước ta để phù hợp với đặc thù dân tộc, tôn giáo, thói quen ăn uống của họ. Tương tự, phải có quy định liên quan đến chế độ y tế, khám bệnh cho người bị tạm giữ, tạm giam. Điểm quan trọng khác là cần bổ sung vào phạm vi điều chỉnh của luật phần về tòa án, bởi trong quá trình chuyển hồ sơ từ Viện kiểm sát sang tòa thì tòa cũng ra lệnh tạm giam để xét xử.