Cần cân nhắc bỏ hình phạt tử hình với tội cướp tài sản

ANTĐ - Chiều 26-5, Quốc hội thảo luận ở tổ về dự thảo Bộ luật Hình sự (BLHS -sửa đổi). Hầu hết đại biểu đều cho rằng, việc sửa đổi BLHS là cần thiết, nên giữ lại một số điều luật hiện hành đang còn phù hợp, bổ sung đầy đủ các quy định về tội phạm mới, giữ nguyên tuổi chịu trách nhiệm hình sự, nên hạn chế áp dụng hình phạt tử hình đối với một số tội danh….

ĐB Bùi Thị An (Hà Nội) không đồng ý việc bỏ hình phạt tử hình đối với Tội phá hoại hòa bình, gây chiến tranh xâm lược vì đây là loại tội đặc biệt nghiêm trọng, đồng thời đề xuất cần minh bạch, công khai trong việc xét giảm án nhằm đảm bảo sự công bằng.
 

ĐB Nguyễn Hòa Bình (Quảng Ngãi) cho rằng, việc xác định trách nhiệm hình sự của pháp nhân là cần thiết và đã có nhiều nước quy định song cần xem xét kỹ. Quy định là tội phạm đối với một số hành vi nguy hiểm cho xã hội mới phát sinh là cần thiết nhằm đáp ứng yêu cầu đấu tranh phòng, chống tội phạm trong tình hình mới.

ĐB Đinh Xuân Thảo (Hà Nội) phát biểu, sửa đổi BLHS là cần thiết song không nên quy định tội phạm và hình phạt trong các luật chuyên ngành. Việc xem xét trách nhiệm hình sự đối với pháp nhân không phải là mới và đã được ghi nhận trong pháp luật hình sự của một số nước nên việc bổ sung trong BLHS (sửa đổi) là cần thiết nhưng cần quy định rõ với loại tội gì, chế tài áp dụng, loại pháp nhân phải chịu trách nhiệm hình sự.

Buổi thảo luận ở tổ chiều 26-5 của Đoàn ĐBQH TP. Hà Nội

 Việc hạn chế hình phạt tử hình đối với một số tội danh là vấn đề lớn. Do đây là hình phạt nghiêm khắc nhất, chỉ được áp dụng với một số tội có tính chất vô cùng nghiêm trọng nên viêc thu hẹp phạm vi là cần thiết. Tuy vậy, cần cân nhắc việc bỏ hình phạt tử hình đối với 1 số tội.  Việc bổ sung các tội phạm mới phát sinh là đúng đắn, song phải dựa trên cơ sở tổng kết đầy đủ việc thi hành BLHS hiện hành, tránh việc làm mất đi tính ổn định của các quy định đã và đang vận hành tốt.

ĐB Đặng Văn Hiếu (Thanh Hóa) cho rằng, việc Quốc hội tiến hành sửa đổi một số luật về tố tụng, tư pháp là phù hợp với chủ trương cải cách tư pháp. Tuy vậy, không nên đưa trách nhiệm hình sự của pháp nhân vào BLHS, vì căn cứ quy định hiện hành, vẫn có thể xử lý trách nhiệm dân sự, hành chính đối với pháp nhân và xử lý hình sự đối với người có thẩm quyền của pháp nhân. Bên cạnh đó, cần cân nhắc việc bỏ hình phạt tử hình với tội Cướp tài sản, tội Phá huỷ công trình, phương tiện quan trọng về an ninh quốc gia.

ĐB Phạm Trí Thức (Thanh Hóa) cũng chỉ rõ, việc hình sự hóa trách nhiệm pháp nhân về cơ bản không khác xử lý hành chính, song dễ tạo điều kiện cho người đứng đầu lẩn trốn trách nhiệm. Việc hạn chế hình phạt tử hình ở cả 3 phương diện: giảm bớt số tội danh có hình phạt tử hình; quy định điều kiện chặt chẽ nhằm hạn chế các trường hợp áp dụng hình phạt tử hình và mở rộng hơn đối tượng bị kết án tử hình, nhưng không phải thi hành án tử hình nhằm thể hiện rõ sự khoan hồng, nhân đạo của Nhà nước ta, là xu hướng tất yếu.

Theo ĐB Thích Bảo Nghiêm (Hà Nội), việc bỏ 7/22 tội danh có hình phạt tử hình là đúng đắn. Đối với “Tội cố ý làm trái quy định về phân phối tiền hàng cứu trợ”, đề nghị cần thêm cụm từ “từ thiện và nhân đạo” cho rõ ràng, dễ áp dụng.

ĐB Nguyễn Đình Quyền (Hà Nội) nêu quan điểm, một số vấn đề quan trọng như chia lại khung hình phạt, định lượng “rất lớn”, “đặc biệt lớn”… chưa được đề cập đến trong Dự thảo BLHS (sửa đổi). Về trách nhiệm hình sự của pháp nhân cần được cân nhắc kỹ, đây chính là nơi ẩn náu trách nhiệm của cá nhân, đặc biệt là những tội liên quan đến thiếu trách nhiệm, lãng phí... ĐB Nguyễn Đình Quyền không đồng tình với quy định không áp dụng hình phạt tử hình đối với người phạm tội từ 70 tuổi trở lên, khi phạm tội hoặc khi xét xử vì cho rằng mọi cá nhân bình đẳng trước pháp luật. Hơn nữa, thời gian qua có nhiều người lớn tuổi phạm tội rất nghiêm trọng, họ còn sẵn sàng nhận tiền để nhận tội thay cho người khác. Các trường hợp được miễn trách nhiệm hình sự phải quy định chặt chẽ để tránh lạm dụng trong thực tế.