Cải cách con người

(ANTĐ) - Gần đây, Chính phủ đã tập trung vào cải cách thủ tục hành chành coi như một mũi nhọn trong chương trình tổng thể, cải cách hành chính chung (Đề án 30). Đề án này đặt mục tiêu đơn giản hóa tối thiểu 30% trong tổng số 5.700 thủ tục hành chính. Thống kê của Tổ công tác Đề án cho biết, nếu dỡ  256 thủ tục trong tổng số trên, thì nền kinh tế sẽ tiết kiệm được hơn 6.000 tỷ đồng.

Cải cách con người

(ANTĐ) - Gần đây, Chính phủ đã tập trung vào cải cách thủ tục hành chành coi như một mũi nhọn trong chương trình tổng thể, cải cách hành chính chung (Đề án 30). Đề án này đặt mục tiêu đơn giản hóa tối thiểu 30% trong tổng số 5.700 thủ tục hành chính. Thống kê của Tổ công tác Đề án cho biết, nếu dỡ  256 thủ tục trong tổng số trên, thì nền kinh tế sẽ tiết kiệm được hơn 6.000 tỷ đồng.

Ngay lập tức Đề án 30 đã thu hút sự quan tâm của cộng đồng doanh nghiệp. Chủ tịch Phòng Thương mại Hoa Kỳ nhấn mạnh: “Nếu Thủ tướng Chính phủ thực hiện các biện pháp đã hứa trong Đề án 30, thì thế giới sẽ ghi nhận Việt Nam cải cách và xây dựng một môi trường kinh doanh tốt hơn”. Tuy vậy, cũng có một số chuyên gia đặt câu hỏi về Đề án. Ông cố vấn chính sách về cải cách hành chính và chống tham nhũng của Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) cho rằng, cắt giảm 30% thủ tục hành chính thì có thể cắt giảm 30% cơ hội có được thu nhập từ các nguồn khác như phong bì của công chức. Không ai phải chi 6.000 tỷ đồng đó, nhưng cũng có nghĩa là một số công chức không còn cơ hội có nguồn tiền đó.

Song theo ông cố vấn: “Giảm được 30% cơ hội kiếm phong bì là rất tốt. Nhưng tôi không thấy rõ động cơ thúc đẩy công chức thực hiện các dịch vụ này. Vậy họ bù vào phần giảm thu nhập bằng cách nào?”. Theo nghiên cứu mới công bố của Dự án Star, nhiều cơ quan Nhà nước đã ban hành một “rừng” văn bản pháp lý phức tạp và các quy định hành chính mâu thuẫn, mà chỉ các cán bộ công quyền và doanh nghiệp có mối quan hệ mật thiết mới biết được. Hơn 61% doanh nghiệp được hỏi đã thừa nhận rằng, phải có “quan hệ” mới biết được những văn bản hay thủ tục của cơ quan công quyền.

Ông Vụ trưởng Vụ Cải cách hành chính cho biết, Chương trình tổng thể cải cách hành chính được xây dựng trên bốn trụ cột bao gồm: Đổi mới thể chế, đổi mới tổ chức, đổi mới nguồn nhân lực và đổi mới hệ thống tài chính công. Lương thấp là một trong những nguyên nhân chính của tình trạng thiếu hiệu quả của bộ máy công chức. Khi xây dựng chương trình cũng là thời điểm có Nghị quyết Trung ương 7 khóa 8 năm 1999. Nghị quyết nêu rõ, trả lương xứng đáng cho công chức cũng là đầu tư cho phát triển và ngược lại nó đòi hỏi phải xây dựng được đội ngũ công chức có năng lực và đáp ứng được nhu cầu phát triển của đất nước.

Hơn 10 năm sau, những gì diễn ra trên thực tế cho thấy hai yêu cầu này đều không đạt được. Trong một cuộc gặp giữa Bộ Nội vụ với một số Bộ trưởng gần đây liên quan đến cải cách hành chính, ông Vụ trưởng Vụ Cải cách hành chính cho biết: “Nhiều Bộ trưởng thừa nhận trong cơ quan mình có hơn 30% nhân viên làm việc thực sự và họ phải dựa vào các viên chức đó. Còn hơn 30% gọi là có làm việc, và khoảng 30% không làm gì. Tuy nhiên, điều này đã không được ghi lại trong biên bản cuộc họp đó”. Nói một cách nôm na như dân gian là “ăn thật, làm giả”.

Cả nước đang dốc sức thực hiện Đề án 30, song khó có thể thành công nếu như bản thân cán bộ công chức không tự “cải cách” mình. Dù thủ tục hành chính có tinh giản và thuận lợi, nhưng nếu không có cán bộ công chức đủ năng lực và phẩm chất đạo đức, tận tâm, tận lực với công việc, không thay đổi lối sống “ăn thật, làm giả”, thì việc cải cách hành chính không thể trọn vẹn. Đi đôi với cải cách hành chính còn phải cải cách cả con người.

Đan Thanh