Các trường được tự chọn sách giáo khoa

ANTĐ - Chiều 11-11, Quốc hội thảo luận tại tổ về Đề án đổi mới chương trình, sách giáo khoa (SGK) phổ thông. Nhìn chung, các đại biểu đều tán thành với việc cần thiết phải đổi mới chương trình, SGK để đáp ứng nhu cầu dạy và học trong tình hình mới, song cần nghiên cứu một lộ trình phù hợp.

Các trường được tự chọn sách giáo khoa ảnh 1Các em nhỏ đến trường có khi phải “gánh” cả chục kilogam sách vở

Nhà trường được quyền tự chọn SGK

Điểm nổi bật trong Đề án đổi mới chương trình, SGK lần này là Chính phủ sẽ phê duyệt, cho phép sử dụng SGK trên cơ sở thẩm định của Hội đồng Quốc gia về SGK. SGK mới được các tổ chức, cá nhân biên soạn trên cơ sở chương trình giáo dục phổ thông. Đồng thời, Bộ GD-ĐT sẽ tổ chức biên soạn 1 bộ SGK nhưng không làm ảnh hưởng đến SGK do các tổ chức, cá nhân biên soạn. Chủ trương của Bộ GD-ĐT là 1 chương trình, nhiều SGK.  

Qua thảo luận, nhiều ĐBQH nhất trí về chủ trương một chương trình nhiều bộ SGK, cho rằng đây là một hướng đi đúng, giúp nhà trường và học sinh được quyền lựa chọn bộ sách phù hợp với nhu cầu. Tuy nhiên, các đại biểu cũng đề nghị phải cân nhắc về số bộ SGK được thẩm định sao cho vừa đủ, tránh tình trạng 1 chương trình quá nhiều bộ SGK, vừa không cần thiết, lãng phí, vừa gây áp lực cho việc lựa chọn sách của nhà trường và học sinh. 

Về vấn đề này, đại biểu Đào Trọng Thi, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội cho rằng, việc đề xuất 1 chương trình nhiều bộ sách giáo khoa nhằm huy động tinh hoa của cả xã hội, thực chất là xã hội hóa việc xây dựng chương trình SGK. Bản thân việc này cũng không làm “nặng thêm cặp sách của học sinh” vì mỗi nhà trường được tự chọn 1 bộ SGK phù hợp với mình. Tuy vậy, đại biểu Đào Trọng Thi lưu ý, ngoài số SGK do các tổ chức, cá nhân biên soạn, vẫn cần phải giao cho Bộ GD-ĐT chủ động biên soạn một bộ SGK. 

Đừng biến học sinh thành “cụ non”

Đi sâu vào thảo luận nội dung đổi mới SGK, đại biểu Bùi Thị An (Hà Nội) nêu quan điểm, chương trình SGK, nhất là ở bậc tiểu học, trung học ở nước ta hiện nay vẫn quá nặng. Các em nhỏ đến trường mà trên vai phải gánh cả chục cân sách vở, lúc nào cũng thấy học, không có thời gian vui chơi. Đại biểu Bùi Thị An nhấn mạnh, những hình ảnh đó không phải là mục tiêu của ngành giáo dục mà cái đích là các em phải được phát triển cả về thể chất, trí tuệ, chủ động, năng động và tự tin. Cũng vì thế, đại biểu Bùi Thị An đề xuất, cần lược bỏ một nửa khối lượng kiến thức không cần thiết trong SGK hiện nay, tăng thêm số giờ học về đạo đức và thể dục thể thao. 

Đồng quan điểm, đại biểu Trần Thị Quốc Khánh (Hà Nội) góp ý, việc đổi mới chương trình SGK nói riêng, đổi mới giáo dục nói chung nên tập trung trước tiên vào giáo dục hướng nội, nghĩa là giáo dục đạo đức, nhân cách, ý thức công dân. Tiếp đó mới là hướng ngoại, hướng đến hội nhập và muốn hội nhập tốt thì việc xây dựng chương trình, đổi mới SGK cần tiếp thu ý kiến các chuyên gia.

Các đại biểu cũng băn khoăn với việc thay toàn bộ chương trình  SGK hay chỉ thay những gì chưa phù hợp và đề nghị Bộ GD-ĐT cần phải có đánh giá tổng thể về vấn đề này. Ngoài ra, để việc đổi mới chương trình SGK đồng bộ, hiệu quả, cần thực hiện theo lộ trình từng bước bởi đây là đề án hệ trọng, liên quan đến các thế hệ tương lai.

Bộ trưởng GD - ĐT Phạm Vũ Luận: Viết sách giáo khoa giáo dục phổ thông theo lối tiếp cận mới

Từ trước tới nay, Bộ GD - ĐT chưa bao giờ viết sách giáo khoa, mà chỉ tổ chức việc viết sách và giao cho Nhà xuất bản Giáo dục thực hiện. Công tác đổi mới chương trình, sách giáo khoa phổ thông được Bộ GD - ĐT cân nhắc với tinh thần trách nhiệm cao và chủ động theo đúng lịch trình. Bộ                 GD - ĐT chủ động tổ chức cho các chuyên gia, nhà giáo, nhà khoa học tham gia vào việc viết sách. Việc thẩm định cũng do các chuyên gia và nhiều cơ quan khác. Sau đó, hội đồng thẩm định độc lập, không phụ thuộc vào Bộ ngành nào và Bộ GD - ĐT.