Bộ Quy tắc ứng xử về quấy rối tình dục tại nơi làm việc: Chỉ dừng ở... khuyến cáo

ANTĐ - Ngày 25-5, lần đầu tiên tại nước ta, một Bộ Quy tắc ứng xử về quấy rối tình dục tại nơi làm việc được các cơ quan chức năng chính thức công bố. Tuy nhiên, liệu Bộ quy tắc này có đi được vào đời sống, làm cơ sở cho việc phòng chống quấy rối tình dục tại nơi làm việc như mục tiêu mà nó đề ra hay không, lại là chuyện khác.

Bộ Quy tắc ứng xử về quấy rối tình dục tại nơi làm việc: Chỉ dừng ở... khuyến cáo ảnh 1Khảo sát cho thấy, hành vi quấy rối tình dục tại nơi làm việc đang diễn ra khá phổ biến

Nhìn gợi tình, nháy mắt liên tục... là “quấy rối”

Tuy đặt mục tiêu giúp Chính phủ, chủ sử dụng lao động và người lao động tại Việt Nam nhận diện, ngăn chặn và xử lý quấy rối tình dục tại nơi làm việc thông qua những hướng dẫn cụ thể, song ngay bản thân các hướng dẫn nhận diện hành vi quấy rối tình dục đưa ra trong Bộ Quy tắc cũng còn nhiều điểm chưa thực sự thuyết phục. Theo Bộ Quy tắc này, quấy rối tình dục là những hành vi có tính chất tình dục gây ảnh hưởng tới nhân phẩm của nữ giới và nam giới, làm xúc phạm đối với người nhận, tạo ra môi trường làm việc bất ổn, đáng sợ, thù địch và khó chịu. Bộ Quy tắc hướng dẫn: Những hành động như cố tình động chạm, từ hành vi sờ mó, cấu véo, vuốt ve, ôm ấp hay hôn cho tới tấn công tình dục, hiếp dâm chính là quấy rối tình dục bằng hành vi mang tính thể chất. 

Tương tự, các nhận xét không phù hợp về mặt xã hội, văn hóa và không được mong muốn bằng những lời nói ngụ ý về tình dục như những chuyện cười gợi ý về tình dục hay những nhận xét về trang phục, cơ thể của một người nào đó khi có mặt họ hoặc hướng tới họ… được xác định là hành vi quấy rối tình dục bằng lời nói. Hình thức này còn bao gồm cả những lời đề nghị và những yêu cầu không mong muốn hay lời mời đi chơi mang tính cá nhân một cách liên tục. Ngay cả các hành động không được mong muốn như ngôn ngữ cơ thể khiêu khích, biểu hiện không đúng đắn, cái nhìn gợi tình, nháy mắt liên tục, các cử chỉ của ngón tay… theo Bộ Quy tắc cũng là quấy rối tình dục bằng hành vi phi lời nói. 

Bộ quy tắc khuyến khích sự áp dụng rộng rãi tại các doanh nghiệp, cả ở khu vực công và tư, trên cơ sở tự nguyện. Theo Bộ quy tắc này, mọi doanh nghiệp đều có quyền, trách nhiệm xây dựng và duy trì môi trường làm việc không quấy rối tình dục. Người sử dụng lao động phải có hành động ngay lập tức khi xuất hiện bất cứ cáo buộc nào về quấy rối tình dục. Tổ chức công đoàn có trách nhiệm đảm bảo tất cả các vấn đề liên quan đến quấy rối tình dục tại doanh nghiệp phải được thương lượng một cách công bằng và minh bạch. 

Khuyến nghị để người lao động... biết mà tránh

Bộ Quy tắc ứng xử về quấy rối tình dục tại nơi làm việc vừa được công bố là sản phẩm của Bộ LĐ-TB&XH, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) với sự hỗ trợ chuyên môn của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO). Trao đổi với Báo ANTĐ chiều 26-5, ông Mai Đức Chính, Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cho biết, Bộ luật Lao động 2012 đã quy định hành vi quấy rối tình dục tại nơi làm việc bị nghiêm cấm song các quy định của pháp luật hiện hành còn chung chung, không có hướng dẫn cụ thể để nhận diện hành vi quấy rối tình dục, làm cho việc phòng chống và xử lý hành vi vi phạm còn gặp nhiều khó khăn. Bộ Quy tắc ra đời sẽ giúp khắc phục điều này, tuy nhiên đây không phải là một văn bản pháp luật, một quy định mang tính bắt buộc mà chỉ dừng ở mức tài liệu tham khảo, khuyến nghị, hướng dẫn và khuyến khích áp dụng. 

Một nghiên cứu do Bộ LĐ-TB&XH thực hiện năm 2012 cho thấy, phần lớn các nạn nhân bị quấy rối tình dục tại nơi làm việc ở Việt Nam là lao động nữ tuổi từ 18 đến 30. Trước khi xây dựng Bộ Quy tắc, một tổ chuyên gia của ILO và Bộ LĐ-TB&XH cũng có khảo sát, nhận định hành vi quấy rối tình dục tại nơi làm việc ở nước ta đang diễn ra khá phổ biến. Tuy nhiên, các yếu tố văn hóa và nỗi sợ bị mất việc khiến nhiều nạn nhân không trình báo sự việc. Mặt khác, bản thân nhiều lao động cũng không nhận biết được hành vi nào là quấy rối tình dục để trình báo. “Nói cách khác, Bộ Quy tắc dừng ở mục tiêu khuyến nghị, hướng dẫn giúp người sử dụng lao động, công đoàn và người lao động nhận biết được thế nào là quấy rối tình dục tại nơi làm việc, làm thế nào để phòng ngừa hành vi này, và cần thực hiện những bước nào nếu hành vi này diễn ra” - ông Mai Đức Chính nói. 

Giám đốc Tổ chức Lao động Quốc tế tại Việt Nam, ông Gyorgy Sziraczki đánh giá, việc công bố Bộ quy tắc ứng xử về quấy rối tình dục tại nơi làm việc là một bước tiến của Việt Nam trong công cuộc đấu tranh chống lại bạo lực trên cơ sở giới tại nơi làm việc.