Bộ Công Thương băn khoăn khi tăng giá điện, xăng dầu

ANTĐ - Điện, xăng dầu là 2 mặt hàng đặc biệt, có tác động lớn đến cuộc sống người dân nên mỗi khi điều chỉnh tăng giá, Bộ Công Thương rất băn khoăn.

ĐB Nguyễn Sỹ Cương (đoàn Ninh Thuận) đặt câu hỏi, theo phản ánh của nhiều người dân, điện là mặt hàng kỳ lạ, tăng liên tục, đã tăng rồi tăng tiếp… Bao giờ xóa được độc quyền trong kinh doanh điện ?

ĐB Nguyễn Sỹ Cương (Ninh Thuận)

Về vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng cho biết, giá điện được điều chỉnh từ T8-2013 và đến T3-2015 mới tiếp tục điều chỉnh tăng. Với mặt hàng này, mỗi khi phải điều chỉnh giá, Bộ Công Thương rất băn khoăn, luôn tính toán thận trọng, vừa đáp ứng yêu cầu theo đúng lộ trình, vừa không làm ảnh hưởng lớn đến người dân, nhất là dân nghèo, người thu nhập thấp

Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng trả lời chất vấn

Chính phủ cho phép Bộ Công Thương chủ trì nếu điều chỉnh giá điện tăng ở mức dưới 10%. Giá điện tăng do giá bán trước 2014 là giá bao cấp, từ 2014 giá bán mới cao hơn giá thành nhưng vẫn chưa cao hơn giá thị trường. Theo lộ trình, đến 2016, giá điện sẽ được điều chỉnh theo cơ chế giá thị trường với việc thí điểm bán buôn điện cạnh tranh. Từ 2021 sẽ thực hiện bán lẻ điện canh tranh. Khi đó người tiêu dùng được tự do lựa chọn nhà cung cấp điện.

 Liên quan đến giá xăng dầu, ĐB Trần Đức Nam (TP.Đà Nẵng) chất vấn, Bộ Công Thương đã tham mưu gì với Chính phủ trong việc đưa ra những giải pháp để chuyển cơ chế điều hành xăng dầu sang cơ chế thị trường? Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng cho biết, giá xăng dầu tăng ảnh hưởng đến việc sản xuất và đời sống của người dân là do đây là loại hàng hóa rất đặc biệt nên bất cứ biến động nào dù là nhỏ ít nhiều tác động đến người dân. Giá xăng dầu thực hiện theo Nghị định 83/NĐ-CP của Chính phủ đã từng nước đưa hoạt động nhập khẩu, kinh doanh xăng dầu đi vào đúng lộ trình của thị trường có tính đến yếu tố quản lý của Nhà nước. Bên cạnh cơ chế thị trường nhà nước đã sử dụng một số công cụ như thuế, quỹ bình ổn giá xăng dầu để nếu buộc phải tăng thì mức độ tăng không ảnh hưởng nhiều đến người dân bằng việc sử dụng các công cụ này để bù đắp 1 phần.

Quang cảnh phiên chất vấn tại hội trường chiều 11-6

Làm rõ thêm về điều hành giá xăng dầu và chi phí định mức kinh doanh xăng dầu, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho rằng, hiện giá xăng dầu đang được điều chỉnh theo cơ chế thị trường có sự quản lý của nhà nước. Nhà nước thực hiện kiểm tra, giám sát, điều tiết giá xăng dầu thông qua quy định giá cơ sở, còn giá bán ra do doanh nghiệp quyết định. Giá cơ sở của xăng dầu căn cứ trên các yếu tố: giá xăng dầu thế giới, thuế nhập khẩu, thuế tiêu thụ đặc biệt, tỷ giá ngoại tệ, chi phí kinh doanh định mức. Vừa qua một số doanh nghiệp đề nghị tăng chi phí về kinh doanh định mức, nhưng Bộ Tài chính và Bộ Công Thương vẫn đang cân nhắc, nhằm đảm bảo doanh nghiệp kinh doanh phải có lãi nhưng phải hài hòa lợi ích với nhà nước, nhân dân.