Bảo vệ và phát huy giá trị văn hóa biển đảo: Cần giải pháp mang tính chiến lược

ANTĐ - Sáng 16-10 tại Hà Nội, Bộ VH-TT&DL phối hợp với Hội đồng Di sản Văn hóa Quốc gia tổ chức  Hội thảo “Văn hóa biển đảo bảo vệ và phát huy giá trị”. Hội thảo đã nhìn nhận và đánh giá những vấn đề liên quan đến bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa biển đảo, đồng thời đưa ra giải pháp mang tính chiến lược, đặt trong bối cảnh khẳng định chủ quyền của Việt Nam trên Biển Đông.
Bảo vệ và phát huy giá trị văn hóa biển đảo: Cần giải pháp mang tính chiến lược ảnh 1
Công tác nghiên cứu, khai quật di sản dưới nước chưa thực sự bài bản

Chưa được quan tâm đúng mức

Cho đến những năm gần đây, việc bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa biển đảo chưa được chú trọng đúng mức. Theo GS.TSKH Vũ Minh Giang, Phó Chủ tịch Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia, chúng ta vẫn chưa có một chương trình sưu tầm, thu thập tư liệu nghiên cứu một cách hệ thống về di sản văn hóa biển đảo. Việc nghiên cứu còn manh mún, tự phát và phó mặc cho địa phương. Một số di sản, tư liệu rất có giá trị nhưng chưa được quan tâm đúng mức, như tài liệu và di tích về sự nghiệp khai phá vùng đất Mang Khảm của họ Mạc ở Hà Tiên.

Cùng quan điểm, TS Phạm Quốc Quân, Ủy viên Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia cho hay, công tác bảo vệ di sản văn hóa biển đảo còn bị “lãng quên và buông lỏng”. Những Cái Bèo (Cát Bà – Hải Phòng), chùa Lấm (Vân Đồn – Quảng Ninh) hiện không biết còn bao nhiêu dấu tích di chỉ và không rõ sự quan tâm, bảo vệ của địa phương ra sao. Ông kiến nghị, Việt Nam cần có một cơ quan nghiên cứu chuyên sâu về di sản biển để thực hiện công tác nghiên cứu tập trung và chuyên nghiệp. Hiện nay, nhiều quốc gia trên thế giới đã ý thức được tầm quan trọng của việc bảo tồn và phát triển giá trị những tài nguyên ấy trong những chiến lược phát triển kinh tế, xã hội.    

Gắn du lịch biển với bảo vệ chủ quyền

Nói về tầm quan trọng của văn hóa biển đảo, PGS. TS Đặng Văn Bài - Ủy viên Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia nhận định, đây chính là minh chứng lịch sử, là “cột mốc văn hóa” góp phần khẳng định chủ quyền quốc gia, quyền chiếm lĩnh, khai thác và quản lý vùng biển đảo của đất nước. Việc này có mối quan hệ chặt chẽ với hoạt động phát triển du lịch biển đảo – vốn là chiến lược quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội, đồng thời là động lực tăng cường bảo vệ an ninh quốc phòng, chủ quyền của Việt Nam. Tuy nhiên, theo TS. Nguyễn Văn Lưu (Bộ VH-TT&DL), nhiều năm qua, chúng ta chưa có những khu du lịch biển, đảo tầm cỡ quốc tế. Hệ thống các khu du lịch quốc gia chuyên đề biển, đảo chưa hình thành rõ nét.

Thu nhập du lịch biển, đảo chỉ đứng ở mức trung bình trong các ngành kinh tế biển. Việc khai thác các giá trị cảnh quan, sinh thái trên các đảo ven bờ cho phát triển du lịch còn hạn chế, nhất là tại những vùng đặc thù trong chiến lược bảo vệ an ninh quốc phòng. TS. Nguyễn Văn Lưu đặc biệt quan tâm đến việc phát triển du lịch ở 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Nói như PGS. TS Đặng Văn Bài, để có những chuyển biến tích cực, phải đẩy mạnh “tư duy biển đảo” trong toàn xã hội. Cần nhận thức phát triển du lịch biển đảo không chỉ là nhiệm vụ mà còn là cơ sở vững chắc cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. 

Khảo cổ học dưới nước - mới chỉ là “vớt cổ vật”

“Việc khai quật một số con tàu đắm mới chỉ là vớt cổ vật được thực hiện bởi các công ty tư nhân với yêu cầu kinh doanh là ưu tiên hàng đầu ” – đó là nhận định của GS.TSKH Vũ Minh Giang, Phó Chủ tịch Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia. Đến nay, chúng ta chưa tiến hành được một chương trình nghiên cứu, khai quật bài bản đối với các di sản đang chìm dưới đáy biển, vốn là những tài sản vô giá. Ông nhấn mạnh, khảo cổ học dưới nước đã trở thành đòi hỏi cấp bách trong cuộc “chạy đua” làm chủ các di sản dưới đáy biển liên quan đến việc khẳng định chủ quyền quốc gia. 

110 bản đồ cổ Hoàng Sa - Trường Sa

Trong nhiều năm qua, Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế - xã hội Đà Nẵng đã thu thập được hơn 110 bản đồ cổ của Việt Nam và phương Tây, có niên đại từ thế kỷ XVI đến thế kỷ XIX - một kho tư liệu rất có giá trị để khẳng định và chứng minh chủ quyền của Việt Nam đối với 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Trong những tư liệu này có những bản đồ tiêu biểu như “Đại Nam nhất thống toàn đồ” (1838), “An Nam đại quốc họa đồ” (1838)… được dư luận trong nước và quốc tế biết đến rộng rãi.