Bảo đảm quyền thụ hưởng lâu dài của người lao động

ANTĐ -Sáng 21-5, Quốc hội tiếp tục nghe Báo cáo thẩm tra Bộ luật Tố tụng Hình sự (sửa đổi), báo cáo về Điều 60 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 và thảo luận dự án Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam…

Tạo cơ chế linh hoạt trong chính sách bảo hiểm xã hội

Theo báo cáo thẩm tra Bộ luật Tố tụng Hình sự (sửa đổi), dự án Bộ luật đã đáp ứng yêu cầu của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật, song có những vấn đề quan trọng và nhiều điều luật được sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ, nhưng Tờ trình chưa nêu rõ lý do.

Về bắt buộc phải ghi âm, ghi hình hoạt động hỏi cung bị can, Ủy ban tư pháp không tán thành với quy định tại dự thảo. Để tăng cường hiệu quả chống bức cung, dùng nhục hình, bảo đảm phù hợp với thực tiễn, tránh phát sinh thêm thủ tục rườm rà không cần thiết, đề nghị quy định trong trường hợp phạm tội mà Bộ luật hình sự quy định hình phạt chung thân, tử hình… thì cùng với việc lập biên bản phải ghi âm hoặc ghi hình khi hỏi cung bị can.

Cũng trong sáng 21-5, bà Phạm Thị Hải Chuyền – Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đã trình bày Báo cáo về quy định tại điều 60 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 về bảo hiểm xã hội (BHXH) 1 lần. Với quan điểm hướng tới việc mở rộng diện bao phủ của chính sách BHXH, bảo đảm quyền thụ hưởng lâu dài của người lao động, góp phần thực hiện an sinh xã hội, Điều 60 của Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014 được quy định theo hướng khuyến khích người lao động bảo lưu thời gian đã đóng BHXH, tích lũy thời gian đóng BHXH trong quá trình lao động để có thể hưởng lương hưu hàng tháng nhằm bảo đảm cuộc sống khi hết tuổi lao động thay vì nhận BHXH một lần.

Bảo đảm quyền thụ hưởng lâu dài của người lao động ảnh 1 Bà Phạm Thị Hải Chuyền - Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội

Theo đó, Chính phủ báo cáo Quốc hội xem xét, điều chỉnh Điều 60 theo hướng: Trước mắt, cho phép người lao động khi chưa đủ điều kiện về thời gian đóng BHXH để hưởng lương hưu sau một năm nghỉ việc nếu không tiếp tục đóng BHXH thì có quyền lựa chọn hưởng BHXH một lần hoặc tiếp tục bảo lưu thời gian đóng BHXH như quy định của Luật Bảo hiểm xã hội năm 2006.

Nội dung này cũng sẽ được xem xét, điều chỉnh tương đồng đối với cả người lao động tham gia BHXH tự nguyện. Việc sửa đổi như trên sẽ tạo cơ chế linh hoạt trong chính sách BHXH, đáp ứng được nguyện vọng của một bộ phận người lao động không có điều kiện và khả năng tiếp tục tham gia BHXH để được hưởng lương hưu hàng tháng.

Liên quan đến nội dung trên, Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội đã tán thành với đề xuất của Chính phủ, trước mắt cho phép người lao động nếu có nguyện vọng thì được nhận lại số tiền đã tham gia BHXH. Đồng thời, cần xây dựng lộ trình nâng dần điều kiện hưởng BHXH một lần.

Cần làm rõ “tính Nhân dân” trong giám sát của MTTQ

Tiếp theo chương trình là Báo cáo về Dự án Luật hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân và báo cáo thẩm tra dự án luật này. Cuối buổi sáng, Quốc hội nghe và thảo luận Dự án Luật Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) Việt Nam.

Về hoạt động giám sát của MTTQ, Dự thảo Luật đã xác định giám sát của Mặt trận “mang tính Nhân dân” nhằm góp phần kịp thời phát hiện và kiến nghị xử lý những sai phạm, khuyết điểm; phát hiện, nhân rộng những nhân tố mới, các điển hình tiên tiến; phát huy quyền làm chủ của Nhân dân, góp phần xây dựng Nhà nước trong sạch, vững mạnh.

Dự thảo Luật cũng quy định đối tượng phản biện xã hội là dự thảo chính sách, pháp luật của Nhà nước, còn đối tượng của giám sát là chính sách, pháp luật hiện hành. Như vậy, đối tượng giám sát và phản biện xã hội của Mặt trận đã bao quát hết chính sách, pháp luật của Nhà nước trong giai đoạn dự thảo và trong quá trình tổ chức thực hiện.

Trong phần thảo luận, các ý kiến tập trung vào 1 số vấn đề như phạm vi điều chỉnh của Luật, tổ chức, quyền và trách nhiệm của MTTQ Tổ quốc Việt Nam, hoạt động giám sát, phản biện xã hội của MTTQ Việt Nam.

Đại biểu Tô Văn Tám – Đoàn ĐBQH Kon Tum cho rằng, quyền tham gia xây dựng Đảng của MTTQ không nên quy định thêm ở Khoản 3 Điều 3 vì đã được nêu rõ ở khoản 2 Điều 1 Dự thảo. Đối tượng giám sát của MTTQ quy định gồm “tổ chức và đơn vị” là quá chung chung, chỉ nên quy định “các tổ chức, đơn vị cần thiết”.

Đại biểu Đào Văn Bình - Đoàn Hà Nội

Phát biểu trước Quốc hội, đại biểu Đào Văn Bình - Đoàn ĐBQH Hà Nội nêu rõ, hoạt động đối ngoại nhân dân có cả trong nước và ngoài nước nên đề nghị ghi cụ thể “MTTQ Việt Nam thực hiện hoạt động đối ngoại trong nước và trên thế giới”. 

Còn theo Đại biểu Trần Hồng Thắm – Đoàn ĐBQH Cần Thơ, việc giao nhiều trách nhiệm cho MTTQ dẫn đến sự chồng chéo chức năng nhiệm vụ của các cơ quan hành chính. Tại Điều 8 Dự thảo cần quy định rõ cách thức để nhân dân giám sát hoạt động của MTTQ Việt Nam, bảo đảm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”. Ngoài ra, quy định về việc tham gia xây dựng pháp luật của MTTQ còn chưa chặt chẽ.

Đại biểu Phạm Đức Châu – Đoàn ĐBQH Quảng Trị bày tỏ quan điểm, về tổ chức của MTTQ Việt Nam không nên đưa Ban công tác mặt trận vào Điều 6 vì Ban công tác mặt trận không thuộc tổ chức hành chính. Bên cạnh đó, cần làm rõ thế nào là “tính nhân dân” trong giám sát, phản biện của MTTQ, quy định cụ thể dự án, chương trình nào cần sự phản biện của MTTQ.