Kỷ niệm 70 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam:

Bài học về dân vận của người lính bộ đội Cụ Hồ

ANTĐ - Cháu Tuấn Phúc thân yêu của ông.

Bài học về dân vận của người lính bộ đội Cụ Hồ ảnh 1Dân bản U Ma Tù Khòng chào đón đoàn công tác của bộ đội Biên phòng tỉnh 
Lai Châu đến giúp dân phát triển sản xuất

Sau 3 tháng luyện quân, cháu được lên trấn giữ một đồn biên phòng nằm ở phía Tây Nam Tổ quốc. Con đường của cháu đang đi rất giống ông, cách đây gần nửa thế kỷ. Ông kể cho cháu nghe nhé!

Dạo đó vào năm 1965, đất nước còn chiến tranh, ông tròn 18 tuổi. Ông đã tốt nghiệp phổ thông (THPT) vào loại xuất sắc. Cùng một lúc, ông nhận hai quyết định, một giấy gọi đi học đại học tại Liên Xô cũ (thời đó là mơ ước của nhiều bạn trẻ), một giấy gọi lên đường nhập ngũ. Sau một đêm trắng suy nghĩ, ông quyết định lên đường nhập ngũ để sống "cuộc đời đẹp nhất là trên trận tuyến đánh quân thù". Thử thách đầu tiên của ông là cuộc hành quân kéo dài 5 đêm liền lên "Thủ đô gió ngàn", Định Hóa, thành phố Thái Nguyên. Kế đó là 3 tháng rèn luyện  đôi "chân đồng vai sắt", vai đeo ba lô gạch nặng 50kg, tập trèo đèo, lội suối, gác đêm, thực tập báo động, ăn ngủ, thức dậy đúng giờ, chăn màn giường chiếu gọn gàng, ăn mặc đi đứng đúng tác phong quân đội…

Ông hoàn thành khóa huấn luyện, chính thức trở thành “Anh bộ đội Cụ Hồ” với quân hàm binh nhì mới coong. Ông được biên chế về Đồn biên phòng 125 Sơn La. Ông và đồng đội hành quân theo con đường "Tây Tiến" mà thế hệ trước đã đi. Đồn biên phòng 125 đóng trên một ngọn núi cao, suốt ngày mây mù bao phủ. Sườn Đông là nước mình, sườn Tây là nước bạn.

Ông được Ban chỉ huy Đồn phân công về một bản người Mông làm công tác vận động quần chúng, giải thích để bà con hiểu, tin ở chủ trương, chính sách của Đảng và Bác Hồ, tin ở chế độ ưu việt, để họ tự giác kêu gọi chồng con còn lầm đường lạc lối theo bọn thổ phỉ về nhà với vợ con, làm một người tốt. Ông lên đường vào một ngày áp Tết, lúc trời còn mờ sương, khí hậu miền núi rất lạnh. Vượt qua những ngọn núi, lội qua nhiều con suối, ông có mặt ở bản Tà Phình, khi trời ngả chiều tối.

Con đường dọc bản vắng lặng. Những căn nhà sàn ẩn hiện sau những bờ rào, cây duối, cửa đóng im ỉm. Đã vậy, ngoài cửa còn găm một cành lá xanh. Họ từ chối đón "khách không mời mà đến". Đói, khát, mệt, tủi thân, ông sẽ ăn đâu, ngủ đâu đêm nay?

Ông chọn một góc vườn trồng toàn mận, mít, dứa…, ông mắc lên thân hai cây mít một chiếc "tăng", phía trên che tấm nilon, nằm ôm súng, nhai bánh lương khô… Mùi trái cây, mùi hoa ban, hoa mận, cả hoa rừng nữa thơm lừng ru ông vào giấc ngủ từ lúc nào cũng không biết nữa. Ông tỉnh dậy thì mặt trời đã lên quá cây lộc vừng ở đầu dốc vào bản. Hình như người lớn đều đã vào rừng, lên rẫy cả. Chỉ có mấy đứa trẻ vây quanh ngắm ông và cười. Chúng dẫn ông ra suối tắm, dạy ông cách bắt cá nướng cùng ăn. Ông vui vẻ dạy chúng hát, quét dọn, khơi thông cống rãnh làm vệ sinh bản làng. Ông "vẽ" chữ lên sân đất, dạy chúng biết cái chữ…

Những hôm sau, ông và bọn trẻ càng thân nhau hơn, mặc dù bố mẹ chúng vẫn quay lưng với ông. Ông vẫn tiếp tục ngủ vườn. Một đêm gặp cơn mưa rào cuối đông chuẩn bị đón mùa xuân về, ông thấy lạnh không ngủ nổi, đành gói ba lô, võng vào  nilon, ôm vào lòng, ngồi trú dưới gốc mít. Bỗng cháu A - Minh từ nhà sàn gọi:

- Chú bội đội ơi! Mế cháu mời chú vào nhà tránh mưa rét.

Ông vào nhà, chị chủ đang ngồi bên bếp lửa giữa nhà chuẩn bị bữa cơm tối. Chị bảo:

- Cái bộ đội thay áo quần rồi ăn cơm với gia đình.

Một người đàn ông gầy gò, râu tóc bù xù, quần áo rách tả tơi, lướt thướt bước vào nhìn ông bằng đôi mắt nhỏ, gườm gườm.

Chị vợ nói với chồng bằng tiếng dân tộc. Anh ta lặng lẽ vào buồng trong. 

A - Minh nói nhỏ vào tai ông: "Bố cháu đấy. Bố cháu là phỉ, bỏ rừng về nhà ăn Tết".

Ông vẫn tỏ thái độ bình tĩnh, nhanh chóng vạch ra mọi tình huống, kể cả là xấu nhất… Chị vợ hiểu hoàn cảnh của ông, liền vui vẻ nói: "Bộ đội cứ yên tâm, chồng tôi đi ngủ rồi".

Chiều hôm sau, chị chủ báo với ông một tin vui, Trưởng bản hẹn gặp ông vào sáng 30 Tết.

Ông cảm ơn chị, thấy trong lòng như có con chim đang hót…

Sáng 30 Tết, ông dậy sớm rủ A - Minh ra suối tắm, chải đầu tóc gọn gàng, mặc bộ quân phục mới, đeo đủ quân hàm, quân hiệu. Ông hiểu, Trưởng bản cho gặp, tức là việc làm của ông trong thời gian qua là một cuộc sát hạch đúng hướng, bà con dân bản đã chấp nhận ông. Công việc của ông bước đầu đã có kết quả.

Ông, vợ chồng chị chủ nhà, tóc tai gọn gàng, xúng xính trong bộ quần áo mới. Ông còn thấy, trước cửa các nhà sàn, cành lá xanh kiêng kỵ đã được bỏ đi, thay vào đó là những lá cờ Tổ quốc bay trước gió xuân.

Bà con đứng rất đông trong sân nhà Trưởng bản, giữa sân là Bàn thờ Tổ quốc, có ảnh Bác Hồ khói hương nghi ngút. Già làng cao lớn, da đỏ au, mái tóc trắng như cước, cười phúc hậu, tiến về phía ông. Ông đi như chạy, hai tay giơ lên phía trước để được nắm tay Trưởng bản. Khi hai tay ông sắp nắm tay Trưởng bản, ông bỗng rùng mình, phát hiện hai bàn tay Trưởng bản cụt hết các ngón, đầu phần còn lại mưng đỏ, sưng tấy. Trưởng bản bị bệnh phong? Ông vội nắm chặt tay Trưởng bản tin tưởng. Trưởng bản cười vang "Bộ đội Cụ Hồ tốt lắm!”.

Bà con dân bản vỗ tay. Rượu cần được bê ra. Cuộc liên hoan tất niên thắm tình quân dân diễn ra vui, đầm ấm. Ông hòa vào tiếng đàn môi của đám thanh niên…

Đây là kỷ niệm đầu đời của người lính trẻ mà ông không bao giờ quên. Ông coi đó là một bài học về công tác dân vận theo ông hết cả cuộc đời. Người cán bộ hết lòng với dân như lời Bác Hồ dạy, được dân tin yêu, ủng hộ thì "Nhiệm vụ nào cũng hoàn thành, khó khăn nào cũng vượt qua…".

Cháu thân yêu, đồng đội của ông. Chúc cháu vui khỏe, hoàn thành trọng trách "Anh bội đội Cụ Hồ" mà thế hệ đi trước trao lại cho các cháu. Chúc cháu và đồng đội có một cái Tết vui, 

hạnh phúc.