90 tỷ đồng làm hầm xuyên đê sông Hồng

ANTĐ - UBND TP Hà Nội vừa quyết định nghiên cứu đầu tư dự án hầm đường bộ từ phố Chương Dương Độ sang phố Trần Nguyên Hãn, nối với hồ Gươm. Dự án này dù còn đang trong giai đoạn khảo sát, lập phương án  nhưng đã thu hút được sự quan tâm của nhiều người dân. 

Hầm xuyên đê sông Hồng sẽ hạn chế ùn tắc giao thông

Không làm hầm sâu như hầm Kim Liên

Đại diện UBND TP Hà Nội cho hay, việc xây dựng hầm đường bộ có kết hợp đường cho người đi bộ này nhằm tăng cường khả năng khai thác các tuyến đường, tăng hiệu quả sử dụng quỹ đất dôi dư hiện có của phường Chương Dương và Phúc Tân. Tuyến hầm cũng giúp các phương tiện qua lại giữa khu vực trung tâm và ngoài đê được an toàn, hạn chế ùn tắc giao thông, đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân.

Nếu được thông qua, hầm này sẽ được khởi công xây dựng và hoàn thành vào cuối năm 2015 với tổng mức đầu tư khoảng 90 tỷ đồng từ ngân sách thành phố. Dự án được UBND TP giao Sở GTVT (chủ đầu tư) triển khai thực hiện khảo sát, đo đạc, điều tra phục vụ lập dự án đầu tư xây dựng, đồng thời trình thẩm định và phê duyệt dự án.

Trao đổi xung quanh Dự án này, đại diện Sở GTVT cho hay, hiện tất cả mới đang dừng ở mức khảo sát, đo đạc, điều tra phục vụ lập dự án đầu tư. Đơn vị lập dự án sẽ chịu trách nhiệm nghiên cứu phương án tối ưu nhất, phù hợp nhất. Sở GTVT đang  gấp rút hoàn thiện việc khảo sát, để sớm có phương án trình TP xem xét. 

Về phương án xây hầm qua đê sông Hồng, lãnh đạo Sở GTVT tiết lộ, sẽ không làm sâu như hầm Kim Liên. “Chúng tôi và tư vấn thiết kế đang khảo sát, lập phương án. Theo phương án tối ưu nhất đến thời điểm này thì sẽ không làm hầm chui sâu. Phần tinh không phía trên chỉ rộng 3,2m, như hầm chui Vạn Kiếp - Trần Hưng Đạo - Trần Khánh Dư”, ông Phạm Hoàng Tuấn, Phó Giám đốc Sở GTVT Hà Nội cho hay. 

Cũng theo phương án sơ bộ này, để tạo độ dốc của hầm, mặt đường trên đê sẽ được tôn cao hơn hiện tại một chút, sẽ mở rộng từ 19-22m, tùy từng vị trí. Đặc biệt, phần lớn diện tích được mở rộng nằm về phía bên phải, vì diện tích đất đai này chủ yếu thuộc các cơ quan, đơn vị, phía bên trái gần như giữ nguyên. Tuy nhiên, theo ông Phạm Hoàng Tuấn, phương án này cũng chỉ là sơ bộ, khi nghiên cứu và khảo sát kỹ thực tế cũng như nhu cầu đi lại của người dân, sẽ có điều chỉnh phù hợp. 

Hầm tối ưu hơn cầu vượt

 Phó Giám đốc Sở GTVT cũng khẳng định việc đầu tiên mà bên lập dự án xem xét là chống nước xả vào nội thành khi nước sông Hồng dâng cao. Trong quá trình lập dự án, Sở GTVT sẽ xin ý kiến của các bộ, ban, ngành, đặc biệt là ý kiến của Bộ NN&PTNT vì liên quan đến đê điều.

Ngay sau khi phương án làm hầm chui qua đê được đưa ra, nhiều người dân đã đặt câu hỏi, sao không làm cầu vượt qua đê, vì xét thực tế, cầu vượt sẽ rẻ hơn, tiết kiệm hơn. Đại diện Sở GTVT giải thích, trước đây cũng có kiến nghị làm cầu vượt, song sau một thời gian nghiên cứu thì thấy rằng, làm cầu vượt sẽ không đáp ứng được yêu cầu về mỹ thuật, về địa hình… nên TP đã quyết định làm hầm xuyên đê. “Tuy nhiên, tất cả mới đang trong thời gian nghiên cứu và nếu có phương án nào hữu hiệu hơn, phù hợp hơn, chúng tôi sẽ xem xét quyết định”. Cũng theo Sở GTVT, nếu thuận lợi, trong quý I-2014, Sở GTVT sẽ trình phương án cụ thể lên UBND TP Hà Nội, hoặc chậm nhất là đầu quý II-2014.

UBND TP đã giao Sở GTVT lập dự án nghiên cứu tổng thể cải tạo hành lang giao thông tuyến từ cầu Long Biên đến dốc Bác Cổ và cầu Vĩnh Tuy, Sở GTVT sẽ xem xét từng nút giao, từng vị trí cụ thể. Việc nghiên cứu đầu tư xây dựng hầm nối đường bộ từ Chương Dương Độ sang phố Trần Nguyên Hãn chỉ là một phần trong dự án tổng thể trên.