Nên ở chung hay ở riêng?

ANTĐ - “Chúng em đang lên kế hoạch cuối năm nay sẽ tổ chức đám cưới và rất muốn sau khi cưới sẽ được ra ở riêng. Bố mẹ chồng thì muốn vợ chồng em về sống chung, còn em thì không. Em muốn thuyết phục chồng cũng như bên nhà chồng để chúng em về ở căn nhà của bố mẹ đẻ em đang để không, nhưng không biết phải nói thế nào để không bị hiểu lầm…”.
Thích được tự do

Đó là tâm sự của bạn Hoàng Thu Trang, nhân viên kiểm toán, một bạn trẻ có phong cách sống khá hiện đại. Trang cho rằng, cô muốn thể hiện rõ ràng quan điểm ngay từ đầu là không thích làm dâu, không thích sống chung với bố mẹ chồng. “Sẽ rất khó khăn để tìm được tiếng nói chung giữa 2 thế hệ cách xa nhau về tuổi tác, quan niệm, cách sống. Làm gì có chuyện bố mẹ chồng thương mình như con đẻ. Cứ thi thoảng qua lại còn giữ được tình cảm chứ “ép” nhau sống chung thể nào cũng sinh chuyện. Bây giờ nói còn được, chứ mai sau về sống chung rồi, không phải tuyên bố thích ra ở riêng lúc nào cũng được…”, Trang chia sẻ.

Hiện không ít cặp vợ chồng trẻ vì rất nhiều lý do khác nhau mà không muốn hoặc không thể ở chung với gia đình chồng. Có cặp vợ chồng thì cả hai đều đồng lòng ở nhà bố mẹ vợ, có cặp thì thích ra ở riêng, có cặp thì vợ muốn ở với bố mẹ ruột nhưng chồng thì không chịu… Trường hợp của Thanh là một ví dụ. Là trai tỉnh lẻ nhưng Thanh cưới được cô vợ là con độc nhất. Bố mẹ vợ tha thiết muốn hai vợ chồng ở chung cho vui nhưng Thanh một mực từ chối. Lý do mà Thanh đưa ra là làm đàn ông mà không lo nổi cuộc sống riêng cho vợ thì quá “tầm thường”. Tuy nhiên, gia đình nhỏ của hai vợ chồng bắt đầu có dấu hiệu khủng hoảng khi công việc làm ăn của Thanh không được xuôi chèo mát mái, trong khi đó tiền thuê nhà mỗi lúc một tăng. Thanh rầu rĩ: “Thời gian trước, bọn mình thuê nhà hết khoảng 1 triệu đồng/ tháng. Thời buổi giá cả leo thang nên giá thuê nhà cũng tăng theo. Nghĩ cũng tiếc tiền bỏ ra thuê nhà trong khi nhà vợ rộng thênh thang, không có người ở, nhưng tại lúc trước mình đã trót với ông bà là con sẽ ở riêng, sẽ tự lập giờ lại chuyển về thấy xấu hổ, không đáng mặt đàn ông”.

Trên nhiều diễn đàn như: mẹ và bé, webtretho,… chủ đề ra ở riêng được nhiều chị em đặc biệt quan tâm, kèm theo những lời bình luận hết sức “tâm trạng”. Một mẹ có nickname là mẹ cuti giãi bày: “Em đang muốn ra ở riêng quá các mẹ ơi. Nhà em có những 2 mẹ chồng, mẹ chồng em khó tính đã đành nhưng bố chồng em còn khó tính hơn. Các cụ hơi tí lại lấy em ra dạy dỗ, chỉ bảo... khiến nhà em giống như trung tâm đào tạo kỹ năng sống. Trong khi đó, chồng em và cô em chồng lại được các cụ nuông chiều, quen thói ỷ lại, chẳng làm gì cả. Bố chồng em thấy mẹ chồng phải làm nhiều việc thì xót ruột, quay ra nói em. Em đang mang thai, mặc dù đã cố gắng từ lời ăn, tiếng nói, làm việc... hết sức ngoan ngoãn, lễ phép nhưng xem ra bố mẹ chồng em vẫn chưa hài lòng, vẫn muốn em phải “cống hiến” nhiều hơn nữa. Em bức xúc vô cùng và chỉ muốn ra ở riêng. Nói ra thì chồng bảo: “Ai sẽ phụng dưỡng bố mẹ anh?”.  Thế là thôi, đành xẹp lép như con tép…”.

Quan trọng là gia đình bền vững

Với những cặp vợ chồng có “vấn đề” với bố mẹ chồng phải dọn ra ở riêng đã đành, song không ít cặp vợ chồng bố mẹ chồng đối xử rất tốt, nhưng cũng muốn ra ở riêng. Đơn giản vì họ thích được tự do, không phải đi thưa, về gửi, vợ chồng, con cái tự do sinh hoạt theo cách riêng. Thậm chí, họ còn cho rằng ra ở riêng nhàn nhã và thoải mái hơn vì không phải lo cho cả một gia đình lớn. Hay có khi chỉ là do quá nhiều thế hệ sinh sống trong một mái nhà, khó tìm được tiếng nói chung và sự đồng thuận từ những thành viên khác. Phương Anh, một thành viên trên webtretho tâm sự: “Mình thấy có điều kiện ở riêng thì thật tuyệt vời, nhưng cũng còn phải phụ thuộc vào điều kiện kinh tế, bởi thuê nhà không đơn giản chút nào. Những lúc công việc suôn sẻ không sao, chứ những lúc khó khăn thì nheo nhóc lắm. Hơn nữa, đã bước chân đi ở riêng thì quay lại cần phải có sự thông cảm từ 2 phía. Sống chung với bố mẹ chồng lâu rồi cũng hiểu nhau thôi. Có ai là ghét mình được mãi nếu thấy mình sống tốt…”.

Tiến sĩ, bác sĩ Trần Tuấn - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu đào tạo và phát triển cộng đồng nhận xét: “Không ai phủ nhận những cái lợi như: sự tự do, độc lập khi vợ chồng muốn ra ở riêng. Tuy vậy, nếu không cân nhắc kỹ, các cặp vợ chồng dễ rơi vào tình cảnh muốn quay về sống chung cùng đại gia đình mà không được. Yếu tố quan trọng nhất để một cặp vợ chồng duy trì cuộc sống gia đình bền vững khi ở riêng chính vấn đề kinh tế. Nếu tài chính cả hai vợ chồng không được dư dả thì việc sống chung với gia đình nội ngoại một thời gian sẽ giúp cả hai tiết kiệm và tạo tiền đề vững chắc cho việc tách ra sống riêng sau này. Trường hợp muốn quay về sống chung với bố mẹ sau một khoảng thời gian dài khó khăn khi ở riêng, vợ chồng nên chia sẻ thật lòng với những người sinh thành để họ có thể hiểu và thông cảm cho mình. Bởi hiếm có bố mẹ chồng nào muốn xa rời con cái hoặc thiếu bao dung khi con cái quay về”.