Lời cầu cứu của một người mẹ bất hạnh

ANTĐ - Vì kết hôn trong vội vã nên cuộc hôn nhân của tôi cũng ra đi trong vội vã và tôi không hề có cảm giác nuối tiếc gì cho cuộc hôn nhân này nhưng đọng lại trong tôi nỗi buồn nhiều nhất vì con tôi: bé mới hơn 3 tháng tuổi...

Kính gửi Ban biên tập!

Tôi viết thư cho quý báo khi bản thân vừa bị tai nạn giao thông gãy chân đang phải nghỉ dạy học và nghỉ coi thi tốt nghiệp để điều trị trên giường bệnh mới được 5 tuần lễ. Mọi người nói số tôi may khi chỉ bị gãy chân, chứ chụp não không có vấn đề gì, nhưng một người năng động như tôi thật sự rất khó chịu khi phải nằm một chỗ. Tôi thấy thương bố mẹ tôi nhiều hơn khi vừa phải chăm con gái và chăm cháu ngoại. Đáng lẽ ra tuổi của bố mẹ tôi có thể được an nhàn, hưởng hạnh phúc bên con cháu nhưng giờ bố mẹ vẫn phải lo cho tôi.

Có lẽ lứa tuổi 83 của tôi - con gái Quý Hợi lại sinh vào mùa Hạ nên lỗi số. Tôi không duy tâm lắm nhưng mọi người nói thế nên tôi chỉ biết tự nhủ lòng cố gắng và sống vì con. Sau cuộc đổ vỡ hôn nhân hơn một năm, tôi lao vào làm việc và tập trung tất cả tình cảm cho con trai bé bỏng hơn 3 tháng mà không nhận được sự chăm sóc của chồng và nhà nội. Tôi phải trả giá cho sự vội vàng của mình, vội vàng tin, vội vàng mơ mộng kết hôn với bộ đội chỉ vì tôi yêu biển, yêu màu xanh áo lính...

Vì kết hôn trong vội vã nên cuộc hôn nhân của tôi cũng ra đi trong vội vã và tôi không hề có cảm giác nuối tiếc gì cho cuộc hôn nhân này nhưng đọng lại trong tôi nỗi buồn nhiều nhất vì con tôi: bé mới hơn 3 tháng tuổi chưa biết rõ mặt cha, chưa có khái niệm về gia đình nhà nội mà phải chứng kiến sự chia li của bố mẹ... Cháu không hề nhận được sự chăm sóc của bà nội mà chỉ có sự quan tâm của ông bà ngoại và mẹ mà thôi...

Lời cầu cứu của một người mẹ bất hạnh ảnh 1
Ảnh minh hoạ 

Chuyện về cuộc đời tôi kể ra thật dài... Ngày tôi mang thai, chồng tôi đang đóng quân ở Cam Ranh - Khánh Hòa, tôi phải đi làm cách xa trường gần 12km. Bụng mang dạ chửa lại dạy nhiều lớp nhất so với đồng nghiệp nhưng tôi luôn tự nhủ vì con phải cố gắng hết mình. Khi con tôi tượng hình trong bào thai, đi siêu âm bác sĩ chẩn đoán là cháu “trai”, tôi mừng vui về khoe với mẹ chồng. Mẹ chồng dội gáo nước lạnh vào tôi: "Trai họ Trần không làm ăn được tích sự gì".

Khi tôi sinh cháu ở Bệnh viện huyện Vĩnh Bảo, mẹ chồng tôi nói: "Tao không bế được cháu đâu vì chân tao không ngồi được". (Mẹ chồng tôi bị viêm khớp nhưng không tới mức phải nằm một chỗ mà vẫn đi lại như người khỏe mạnh, bình thường, vẫn đi bế cháu ngoại nhưng tôi không hiểu sao lần đầu có cháu nội, lại là cháu trai (theo định kiến phong kiến của người Việt Nam thì hạnh phúc vậy mà bà đã để mẹ con tôi phải xuống ở nhờ ông bà ngoại). Chuyện đời như phi lí khi tôi đang đau đớn trong cơn vượt cạn, tôi nhờ bố mẹ tôi điện thoại báo với mẹ chồng tôi là tôi lên cơn đau trở dạ thì được nửa ngày mới thấy mẹ chồng tôi lên, chồng thì công tác xa nhà nhưng bà đã lên muộn lại không động viên con dâu đang đau đớn hay được lời an ủi mà bà nói nhiều thứ khiến chính con gái bà bực mình...

Khi tôi sinh cháu ở bệnh viện được hơn 2 ngày tuổi, mẹ chồng tôi thoái thác trách nhiệm cho bố mẹ đẻ tôi đón hai mẹ con tôi về nhà. Vì mẹ chồng tôi đã nói thế nên thương con, bố mẹ tôi đón tôi và cháu về nhà làm mâm cơm thắp hương tổ tiên báo với mọi người gia đình có thêm thành viên mới. Hai mẹ con tôi sống trong sự chăm sóc yêu thương đùm bọc của gia đình nhà ngoại. Mẹ chồng tôi thỉnh thoảng xuống thăm hai mẹ con tôi rồi lại vội vã về và bà bảo: "Chó mèo ở nhà không người cho ăn"... (Cháu đích tôn mà bà không quý bằng con chó, con mèo?).

Vì sinh cháu không có sữa mẹ nên tôi phải nuôi cháu hoàn toàn bằng sữa ngoài rất vất vả. Cho tới khi được hơn tháng cháu bị viêm phổi phải nhập viện. Mẹ chồng tôi không cần biết vì sao (vừa không mất công lại vừa được nói) bảo với tôi, tại ở nhà ngoại, tại mẹ tôi cho cháu uống hoa hồng bạch và rễ dâu với mật ong nên bị ho (cách chữa đông y cho trẻ). Có nghĩa là mẹ chồng tôi phủi sạch trơn tất cả những công lao nhà ngoại quan tâm, yêu thương cháu hơn tháng từ lúc sinh ra. Bệnh viện quá tải, bố tôi bảo nên cho đón xe cho hai mẹ con về rồi sáng lên bệnh viện sớm và đã được sự đồng ý của bác sĩ nhưng mẹ chồng tôi không cho về.

Tới lúc bà về, chồng tôi bảo đón xe về nhà mẹ chồng (tôi đang ở nhà ngoại thì cháu bị viêm phổi) thì tôi có nói: "Đi về ông bà ngoại chứ về nhà mẹ có bế cháu đâu mà về"... Rồi vợ chồng qua lại lời với nhau tại phòng bệnh và chồng tôi đã cho rằng vì tôi nói mẹ chồng không bế được cháu nên đấm tôi nhiều lần vào đầu khi tôi vừa sinh được hơn tháng... trước mặt em gái và sự can ngăn của nhiều người bệnh trong bệnh viện (đây cũng là lí do mỗi khi thời tiết thay đổi tôi hay bị đau đầu). Lúc đó em gái tôi bảo: "Đi về nhà, người mới sinh mà để người ta đánh thế à?" và ra gọi xe cho hai mẹ con tôi về nhà bố mẹ tôi.

Ngày hôm sau, chồng tôi xuống nhà quỳ xuống xin lỗi bố mẹ tôi và tôi mong mọi người tha thứ cho hành động vũ phu đó. Lúc đó vì thương con trai bé nhỏ tôi đã bỏ qua và lên nằm viện tiếp tục điều trị cho cháu. Nhưng những ngày tôi về nhà chồng ở sau khi cháu ở bệnh viện điều trị xong thì đó là những ngày cay đắng tủi nhục. Mẹ chồng tôi bảo: "Thôi không có sữa thì ăn tạp đi không phải kiêng khem gì đâu". Mẹ chồng tôi để hai mẹ con ở gian nhà dưới gió Tây. Hai mẹ con đêm ngày chăm nhau và bà chỉ giúp bữa cơm và nếu trời mưa bà lại gọi tôi ra rửa sân, quét sân cho bà dù rằng lúc đó tôi vận còn kiêng cữ. Có cả những lúc bà nhờ tôi múc nước thải tưới rau ngoài vườn...

Tôi ở trên nhà chồng được hơn tháng, cháu cũng không được một mâm cơm thắp hương tổ tiên mà thay vào đó là tôi phát hiện ra sự việc chồng tôi ngoại tình với một người phụ nữ gần 50 tuổi ở gần đơn vị nơi anh ta công tác chỉ vì nhu cầu sinh lí lúc vợ sinh không được đáp ứng. Tôi sốc nặng và nói với mẹ chồng, Ban biên tập biết mẹ chồng tôi nói gì không?... "Bao thằng đàn ông nó đi với gái rồi cũng về với vợ, điều quan trọng là nó về với ai"...

Nhưng tôi không chấp nhận sự phản bội trong tình yêu, hôn nhân, tôi không thèm nói gì với anh ta sau lúc đó và nói dối mẹ chồng xin phép bà xuống nhà ngoại, vợ chồng tôi to tiếng cãi nhau, khi đó anh ta nói: "Gia đình mày vợ nọ con kia chung chạ, nhà tao không bao giờ có chuyện đó!" (Bố mẹ tôi chỉ sinh được 3 con gái, vì bố tôi là con trưởng nên mẹ tôi đã hỏi cho bố một người phụ nữ quá lứa lỡ thì sinh được một em trai mà mẹ tôi và chị em tôi quý em và chăm lo cho em như không phải vì những ích kỉ tầm thường của mỗi con người).

Ảnh minh hoạ

Vì là người khá ngang nên khi li dị, tôi không đòi hỏi gì hết trong quãng thời gian làm dâu nhưng anh ta đưa ra lí do lương bộ đội thấp nên trợ cấp nuôi con được 500 nghìn đồng/ tháng và cho tới lúc này khi cháu được 28 tháng tuổi tất cả tiền trợ cấp nuôi con được 3 triệu đồng. Sau khi li dị, tôi lao vào công việc, chăm con để quên đi sự đổ vỡ của hôn nhân. Nhiều người cũng làm mối cho tôi đám nọ, đám kia nhưng con tôi con nhỏ tôi không có ý nghĩ đó, và điều quan trọng tôi sợ thất bại thêm lần nữa con tôi sẽ lại tổn thương.

Nhiều người cũng bảo tôi trả cháu về cho nhà nội nhưng tôi thà chết, thà hy sinh mình còn hơn bỏ cháu, cháu là tất cả với tôi, là sinh mạng và là cuộc sống của tôi. Nghe cháu nói, cháu hát, cháu kể chuyện... thấy cháu lớn lên từng ngày, tôi thấy thật hạnh phúc. Lương giáo viên cũng chỉ đủ cho tôi trang trải cuộc sống của hai mẹ con nhưng nhiều khi cũng thiếu. Hiện tại hai mẹ con tôi đang ăn bám ông bà ngoại, tôi không may bị tai nạn, cháu phải nhờ ông bà chăm sóc...

Sau đó hơn 1 năm, khi cháu tròn 1 tuổi theo quy định của pháp luật, tôi và chồng li dị. Nhưng cuộc sống của hai mẹ con tôi cũng chẳng bình yên vì anh ta luôn nhắn tin dùng những lời lẽ vô văn hóa làm phiền cuộc sống của tôi, nếu tôi không nhắn tin lại thì anh ta càng tiếp tục nhắn làm phiền tôi hơn. Tôi là người nóng tính vì từ bé anh ta không hỏi gì con nên tôi không cho gặp, cũng không cho thăm, nhìn thấy mặt là tôi đuổi. Cứ một thời gian khi cuộc sống của hai mẹ con tôi yên bình trở lại, vài tháng, anh ta lại lần xuống, lù lù đi vào nhà bố mẹ tôi mà không cần biết ai ở nhà hay không, đưa tôi 500 nghìn đồng nhưng tôi chưa bao giờ cầm tiền đó, anh ta vứt ở bàn, vứt ở chỗ mọi người nhà tôi có thể nhìn thấy.

Thưa ban biên tập! Tôi li dị chồng khi ở tuổi 28 từ đó tới nay gần 3 năm rồi tôi không hề có ý định đi bước nữa hay kiếm tìm những mối quan hệ không đứng đắn vì tôi luôn ý thức mình là giáo viên phải gương mẫu và chuẩn mực, không làm gì trái với lương tâm mình. Cháu là tất cả, là niềm vui của tôi... chồng cũ của tôi ra điều kiện, nếu tôi lấy chồng tôi phải trả cháu lại cho anh ta nhưng anh ta chưa bao giờ chăm cháu, tới lúc này cháu biết hát, biết nói nhiều thứ, biết kể chuyện nhưng dửng dưng trước anh ta nếu anh ta tới. Vậy anh ta có quyền cướp cháu từ tay tôi không? Nếu anh ta cản trở việc phát triển của cháu cũng như quấy nhiễu cuộc sống của tôi, tôi có quyền đề nghị tòa án từ bỏ quyền thăm nuôi của anh ta được không? Tôi phải làm gì lúc này đây? Kính mong quý báo cho lời khuyên! Tôi xin chân thành cảm ơn!