Trung Quốc và chiến lược ngoại giao “quà tặng”

ANTĐ - Trong vài năm trở lại đây, Bắc Kinh đã gây quan ngại sâu sắc trong khu vực vì những hành động quyết liệt và có phần hung hăng của nước này trong các cuộc tranh chấp lãnh thổ, lãnh hải với các nước láng giềng Đông Nam Á ở Biển Đông và với Nhật Bản ở biển Hoa Đông. 

Trung Quốc và chiến lược ngoại giao “quà tặng” ảnh 1Người dân Myanmar phản đối Trung Quốc

Chính vì thế, giới lãnh đạo Trung Quốc dường như đang dịu nhẹ hơn và đang tìm cách trấn an, ve vuốt các nước láng giềng xung quanh sau khi các cuộc tranh chấp ở Biển Đông và biển Hoa Đông thời gian qua diễn ra theo chiều hướng ngày một nóng bỏng, có nguy cơ leo thang thành những cuộc xung đột. Trung Quốc đang dùng sức mạnh mềm là những lời hứa và lợi ích kinh tế để “ve vãn” các nước xung quanh. 

The Wall Street Journal ngày 18-11 bình luận, chiến lược ngoại giao “quà tặng” của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình khiến Mỹ đang lo ngại là cam kết của Trung Quốc “thưởng tiền” cho các nước láng giềng như một phần của mưu mẹo đẩy Mỹ ra khỏi khu vực Đông Á. Túi tiền của Tập Cận Bình đang rủng rỉnh, trong khi chiếc ví của Obama gần như trống rỗng. Trong khi các nền kinh tế đang khát vốn để tăng trưởng. Thử điểm  lại các khoản tiền của Bắc Kinh tung ra gần đây: Quỹ Con đường tơ lụa mới 40 tỷ USD để xây dựng hệ thống cảng khẩu, khu công nghiệp cơ sở hạ tầng tại các quốc gia châu Á nó đi qua dọc theo tuyến đường thương mại mới nối châu Á với châu Âu, 20 tỷ USD cam kết vốn vay cho khu vực Đông Nam Á và 8 tỷ USD cam kết cho Myanmar vay.

Tờ Cambodia Daily ngày 10-11 đưa tin, Trung Quốc đã đồng ý cung cấp cho Campuchia khoản viện trợ thường xuyên và cho vay tổng cộng ít nhất 500 triệu USD mỗi năm cho các chương trình phát triển của quốc gia này. Khoản viện trợ sẽ được Trung Quốc khởi động từ năm tới. 

Tuy vậy, trong khi khu vực chào đón nguồn tiền từ Trung Quốc, họ vẫn quan ngại về sức mạnh của nước láng giềng này. Quốc đảo Singapore lo ngại rằng sẽ có một ngày sự chi phối của Trung Quốc có thể làm mất đi độc lập. Do đó mặc dù thực tế rằng có những vận may kinh tế đến từ Trung Quốc, Singapore vẫn cần có tàu chiến tàng hình và tàu sân bay Mỹ bảo vệ.

Cũng như thông tin Tân Hoa Xã đưa rằng trong buổi hội kiến “Hun Sen bày tỏ Campuchia sẽ luôn ủng hộ Trung Quốc trong việc bảo vệ chủ quyền quốc gia, an ninh và toàn vẹn lãnh thổ” thì cũng chưa thể biết đó chỉ là một câu Bộ Ngoại giao Trung Quốc “thòng” vào các bản tin của Tân Hoa Xã và truyền thông.

Một thực tế hiện hữu là mặc cho Trung Quốc đổ tiền vào Myanmar, tâm lý bất bình của người dân nước này đối với Trung Quốc vẫn ngày càng gia tăng. Theo một bài viết trên báo Thái Lan The Nation, tháng 12-2013, Myanmar đã tổ chức thành công sự kiện thể thao quan trọng nhất khu vực SEA Games 27, mà nước này được quyền tổ chức lần đầu tiên từ gần nửa thế kỷ nay nhờ sự giúp đỡ tận tình của Trung Quốc khi đã đổ không biết bao nhiêu tiền của, để giúp nước chủ nhà.

Có một bài viết trên báo Thái Lan The Nation đã không ngần ngại tặng cho Trung Quốc “huy chương vàng” về sử dụng “quyền lực mềm” trong địa hạt thể thao để mua chuộc các láng giềng. Vấn đề là quyền lực mềm đó lại không phát sinh hiệu quả mong muốn là chinh phục được lòng dân địa phương, mà thậm chí giới quan sát ghi nhận thực tế là báo chí nhà nước Myanmar hầu như không nói đến các khoản trợ giúp lớn của Trung Quốc cho Myanmar để tổ chức SEA Games. Thái độ của phía Myanmar hoàn toàn trái ngược với các bản tin tuyên truyền rộng rãi của hãng tin nhà nước Trung Quốc Tân Hoa Xã.

Đây không phải là lần đầu tiên mà quyền lực mềm hay nói trắng ra là sức mạnh đồng tiền của Trung Quốc không mua chuộc được lòng người. Trước đây, viện trợ kinh tế của Trung Quốc đã giúp đỡ Myanmar rất nhiều. Thế nhưng, tâm lý bất bình của công luận đối với điều bị cho là dụng tâm chính trị của Bắc Kinh thì ngày càng gia tăng. Bài viết trên tờ The Nation cho rằng chính quyền Myanmar hiện nay đang tìm cách giảm bớt sự lệ thuộc của đất nước, không muốn làm công cụ cho cho người láng giềng khổng lồ, để tự mình vươn ra thế giới.

Bởi thế mới nói, lời cam kết về hoà bình của Chủ tịch Tập Cận Bình cùng đề nghị hấp dẫn của Thủ tướng Lý Khắc Cường tại các hội nghị mang tính quốc tế chưa thể giúp người ta xoá bỏ những hoài nghi một khi Trung Quốc chưa chấm dứt hoàn toàn những bước đi cứng rắn và quyết liệt trong các cuộc tranh chấp chủ quyền lãnh thổ, lãnh hải ở các vùng biển trong khu vực thời gian vừa qua. Các nước trong khu vực vẫn chờ đợi Bắc Kinh chứng minh cam kết hoà bình của họ bằng những hành động thực sự.