Tín hiệu “phá băng” Nga - Mỹ

ANTĐ - Dù chưa có đột phá song các cuộc gặp giữa Tổng thống Putin và Ngoại trưởng Lavrov với Ngoại trưởng Mỹ John Kerry được xem là tín hiệu “phá băng” quan hệ giữa Nga với Mỹ cũng như phương Tây nói chung sau cuộc khủng hoảng Ukraine.

Ngày 12-5, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry đã có 2 cuộc gặp kéo dài 8 giờ với Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov và Tổng thống Valadimir Putin, tại khu nghỉ mát Shochi trên bờ Biển Đen nhằm thảo luận về quan hệ song phương và các vấn đề toàn cầu. Đây là cuộc gặp gỡ và thảo luận cấp cao đầu tiên giữa Nga và Mỹ kể từ khi nổ ra cuộc khủng hoảng Ukraine đầu năm 2014.

Tín hiệu “phá băng” Nga - Mỹ ảnh 1

Tổng thống Nga Putin (phải) và Ngoại trưởng Mỹ John Kerry lần đầu tiên bắt tay nhau kể từ cuộc khủng hoảng Ukraine

Điểm đột phá then chốt được mong chờ nhất từ cuộc gặp gỡ này là Mỹ tuyên bố bãi bỏ các biện pháp trừng phạt áp đặt với Nga để gây sức ép trong vấn đề Ukraine. Tuy nhiên, điều này đã không xảy ra ngoài cam kết của ông Kerry rằng Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) có thể rút lại những lệnh trừng phạt nhằm vào Nga nếu thỏa thuận Minks 2 về ngừng bắn ở miền Đông Ukraine được thực thi đầy đủ.

Không có đột phá song điều đó không có có nghĩa là chuyến công du tới Nga của Ngoại trưởng Kerry chẳng thu được kết quả gì đáng khích lệ. Giới phân tích đã đánh giá tích cực về cuộc gặp gỡ cấp cao đầu tiên giữa Nga và Mỹ kể từ khi bắt đầu cuộc khủng hoảng Ukraine tới nay, điều này có thể thấy khá rõ khi cả Tổng thống Putin và Ngoại trưởng Kerry cùng bày tỏ mong muốn quan hệ Nga -Mỹ sẽ trở lại trạng thái bình thường. 

Có thể nói quan hệ giữa Nga với Mỹ cũng như phương Tây nói chung đã xuống tới mức thấp nhất kể từ khi Chiến tranh Lạnh chấm dứt cách đây gần 20 năm do xảy ra cuộc khủng hoảng Ukraine, nhất là sau khi bán đảo Crimea sáp nhập vào Nga. Để gây sức ép với Nga, phương Tây, đi đầu là Mỹ, đã liên tiếp gia tăng các biện pháp trừng phạt các quan chức, nền kinh tế cũng như “đóng băng” nhiều hợp tác với Nga.

Bất chấp các biện pháp trừng phạt của Mỹ và châu Âu, Nga cho đến nay vẫn chưa có dấu hiệu lùi bước trong vấn đề Ukraine. Trong khi đó, lệnh trừng phạt Nga không chỉ tạo ra  “phản ứng phụ” không hề nhỏ tới kinh tế các nước châu Âu mà còn gây khó khăn cho chính Mỹ và châu Âu trong việc giải quyết nhiều vấn đề toàn cầu mà Matxcơva luôn giữ vai trò quan trọng như chống khủng bố, cuộc chiến tại Afghanistan, các cuộc chiến tại Trung Đông…

Tiếp tục găng nhau, đối đầu với Nga trong vấn đề Ukraine chẳng những không giúp giải quyết cuộc khủng hoảng Ukraine mà còn tự làm khó cho mình trong nhiều vấn đề toàn cầu nóng bỏng. Bởi thế, việc ngồi lại để đối thoại, giải quyết các vấn đề bất đồng với Nga, cho dù là vấn đề khó khăn như Ukraine, được xem là lựa chọn khôn ngoan với Mỹ và châu Âu lúc này.

Tất nhiên, từ tín hiệu “phá băng” tới việc cải thiện trên thực tế mối quan hệ “đóng băng” giữa Nga với Mỹ và châu Âu không hề dễ dàng. Nói như Ngoại trưởng Larvov, hợp tác Nga-Mỹ chỉ có thể diễn ra trên cơ sở “chân thành và bình đẳng, không có những nỗ lực nhằm sai khiến hay ép buộc”; đồng thời cần phải tránh những bước đi có thể làm tổn hại lâu dài tới mối quan hệ song phương trong nhiều lĩnh vực.