Thảm cảnh vượt biên tị nạn ở “miền đất hứa”

ANTĐ - Hồng Kông (Trung Quốc) vốn được xem là nơi phồn hoa với những tòa nhà chọc trời và trung tâm mua sắm nhộn nhịp. Không ít người tới đây tị nạn với ảo tưởng về một cuộc sống ở “miền đất hứa”, nhưng đằng sau nó là  sự tăm tối, khốn khổ mà những người mới đến đang phải chịu đựng.

Salim và những người đồng hương trong căn nhà tồi tàn ở Ping Che

“Đi mắc núi, về mắc sông”

Đi sâu vào lãnh thổ Hồng Kông, gần biên giới Trung Quốc đại lục, nằm ở thành phố Ping Che, có một ngôi làng được xem như một “nhà tù”. Một trong số “cư dân” của ngôi làng này là Arif, 26 tuổi, một thương nhân người Bangladesh. Ngôi nhà của Arif chỉ là một vài tấm kim loại dựng lên với mấy thanh gỗ mục nát nằm dọc ống cống lộ thiên, ruồi nhặng bay xung quanh nhà vệ sinh tự chế ngay cạnh bếp, thiếu nước sạch và điện thì phập phù. Với chiếc điều hòa nhiệt độ tậm tịt nhặt được từ bãi rác, Arif phải chống chọi với cái nóng bức của mùa hè và lạnh cóng của mùa đông. Vào một đêm, trong lúc đang ngủ, một phần mái nhà đột nhiên rơi trúng đầu anh. “Tôi cần một chỗ tốt hơn” - Arif than thở. 

Sống như “một cơn ác mộng” của Arif là tình trạng chung của hàng trăm người đến Hồng Kông mỗi năm để tị nạn. Nhưng khi đặt chân tới “miền đất hứa” này, tất cả mọi khó khăn mới chỉ bắt đầu. Trong khi chờ đợi đơn xin tị nạn được xem xét, những người này phải chịu đựng cuộc sống khổ cực trong nhiều năm. 

Những người xin tị nạn bị cấm kiếm việc làm, buộc phải sống trong những túp lều tồi tàn và thức ăn chỉ đủ để duy trì sự sống. Không có cách nào để gia nhập xã hội và cũng không có đường để trở về, những người trong tình cảnh giống như Arif đang mòn mỏi chờ đợi ở Ping Che, hy vọng về một cuộc sống mới tốt đẹp mà thường không bao giờ có được. “Nhiều người đến đây để cứu tính mạng mình, nhưng tôi nghĩ thà chết còn tốt hơn là sống như thế này. Cuộc sống chúng tôi đang trải qua không phải là cuộc sống” - Arif nói. 

“Tôi đã mất tất cả”

4 năm trước đây, Arif là một sinh viên dược ở quận Khulna, Bangladesh. Anh đã từng điều hành một doanh nghiệp nhỏ. Nhưng chính sự thành công đó đã khiến những nhóm phiến quân trong nước để ý, chúng đốt phá xe cộ, tấn công và đe dọa giết anh nếu không chi cho chúng một khoản tiền lớn để được “bảo vệ”.

Lo sợ cho tính mạng, Arif đã nhờ sự giúp đỡ của một nhân vật bí mật và người này hứa đưa anh tới Ireland. Tuy nhiên, hắn ta đã lấy cắp hết tiền bạc và giấy tờ của Arif khiến anh mắc kẹt ở Hồng Kông. “Tôi đã mất tất cả, khi biết bị ở lại Hồng Kông, tôi đã rất sốc” - Arif kể lại. Arif giờ đây được an toàn, theo một nghĩa nào đó của từ này, khi không còn bị đe dọa tính mạng. 

Giống như nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ khác, Hồng Kông bị ràng buộc bởi luật pháp quốc tế ngăn chặn trục xuất người tị nạn đến những nước mà họ có thể gặp nguy cơ. Người tị nạn được phép nộp đơn yêu cầu bảo vệ khi họ tới và có thể ở lại hợp pháp cho đến khi tình trạng của họ được chính thức xác định. Những người thành công có thể được chuyển tới nước thứ ba, nơi họ có thể có tư cách pháp nhân. Về lý thuyết, Hồng Kông là một “phòng chờ” lớn. Tuy nhiên, nhiều người cho rằng, thực tế, đối với những người tị nạn Hồng Kông giống một “nhà tù” hơn.

Không có ánh sáng cuối đường hầm

Để ngăn chặn những người nhập cư vì lý do kinh tế núp bóng tị nạn, chính quyền Hồng Kông cấm những người này làm việc – nếu bị bắt họ phải đối mặt với mức án 22 tháng tù giam. Thay vào đó, những người tị nạn như Arif phụ thuộc vào nguồn phúc lợi từ những tổ chức phi lợi nhuận. Mỗi tháng Arif được cấp 1.200 đô la Hồng Kông (155USD) tiền thuê nhà - vừa đủ để thuê căn phòng ở Ping Che. Giống như những người tị nạn khác, anh nhận được số lượng thực phẩm trị giá 900 đô la Hồng Kông (116USD) - trung bình 1 USD/bữa mà phải đến những kho hàng ở xa để nhận rồi mang về nhà. Các khoản viện trợ này không được điểu chỉnh theo lạm phát từ năm 2006. “Tôi đã theo dõi và thấy rằng từ túi gạo 7 kg giờ giảm xuống còn 3 kg, mọi người đang bị đói” - Beatson, giám đốc một tổ chức trợ giúp người tị nạn ở Hồng Kông nói. 

Sống cùng nhà với Arif là Salim, 43 tuổi, một người xin tị nạn đến từ Bangladesh. 9 năm trước, anh đã trốn khỏi Bangladesh sau khi bị những băng nhóm tội phạm thâu tóm hết công việc làm ăn buôn bán và đe dọa giết cả gia đình anh. Nhưng đến đây, Salim nói: “Cuộc sống ở Hồng Kông không có gì tốt hơn”.

Trong buồng ngủ chật hẹp của anh dán đầy những bức tranh cùng với những vật dụng khác như các thiết bị cũ, lò vi sóng, đồ đạc cũ lỉnh kỉnh. Vì khoản viện trợ chỉ ở mức tối thiểu, nên Salim và những người khác phải tìm kiếm quần áo và những vật dụng thiết yếu khác ở bãi rác gần đó. Salim cho biết, họ không được chăm sóc y tế đầy đủ. “Khi tôi bị ốm, bác sĩ nói họ không thể khám cho tôi”. Thay vào đó, họ chỉ phát cho vài viên thuốc Panadon, một loại thuốc giảm đau mà những người tị nạn bị đau đầu, viêm da, bệnh da liễu, ung thư hay sinh con đều được nhận.

Những người xin tị nạn ở Hồng Kông vẫn kiên trì chờ đợi để nhận được một quyết định xác minh tình trạng, và kết quả của việc chờ đợi thường là sự thất vọng khi họ thấy mình bị từ chối mà không có sự giải thích. “Đó là một đường hầm mà không có ánh sáng ở cuối con đường” – những người trong tình cảnh như của Salim kết luận rằng, Hồng Kông là an toàn, nhưng cuộc sống tị nạn ở nơi đây không khác gì như đã chết, khi phát hiện ra rằng thiên đường chỉ là hư ảo mà thôi.