Sinh viên Hồng Kông "tẩy chay" trường lớp để phản đối Bắc Kinh

ANTĐ - Sinh viên Hồng Kông đang chuẩn bị cho một cuộc thách thức với Bắc Kinh về cải cách dân chủ bằng việc “tẩy chay” các lớp học vào thứ hai (22/9), nhằm thắt chặt sự kiểm soát của Đảng Cộng sản Trung Quốc vào đặc khu.

Hồng Kông đã trở về Trung Quốc năm 1997 với một mức độ tự chủ cao hơn, nhưng cựu thuộc địa của Anh lại từ chối sự quản lý trực tiếp từ Bắc Kinh và mong muốn được tự do lựa chọn lãnh đạo kế tiếp của thành phố. Điều này đã khiến Trung Quốc đe dọa sẽ đóng cửa khu tài chính Trung ương của Hồng Kông, như một phần chống lại chiến dịch ủng hộ dân chủ của đặc khu này.

Là một màn mở đầu trong kế hoạch mà nhóm “Occupy Central” (tạm dịch là nắm giữ trung tâm”) dự kiến, các sinh viên từ 24 trường đại học và cao đẳng trong đặc khu sẽ thực hiện một chiến dịch toàn thành phố kéo dài một tuần, bao gồm cả các cuộc đình công trong lớp học, hội họp và biểu tình hàng loạt ở trung tâm thành phố.

Sinh viên Hồng Kông biểu tình để phản đối chính sách của Bắc Kinh

Các viện nghiên cứu hàng đầu tại Hồng Kông đã lên tiếng ủng hộ việc “tẩy chay” này, với một số trường đại học đề nghị sẽ ghi lại các bài giảng và đưa lên mạng lưu giữ cho sinh viên nghỉ học, để tiện theo dõi sau này.

Việc quản lý Hồng Kông đang chứng minh một thách thức đối với Bắc Kinh, điều này cũng đặt ra lo ngại rằng các cuộc biểu tình đòi dân chủ ở Hồng Kông và thành phố lân cận Macau - thuộc địa của Bồ Đào Nha trước đây, có thể lây lan đến các thành phố trên đất liền, đe dọa đến việc cầm quyền của Đảng Cộng sản Trung Quốc.

Hồng Kông là một đặc khu hành chính của Trung Quốc, với cơ quan lập pháp, và tư pháp điều hành riêng biệt. Nó là thuộc địa cũ của Anh, đã được trao trả lại cho Trung Quốc kiểm soát vào năm 1997. Nhưng trước khi bàn giao, Trung Quốc và Anh ký thỏa thuận cho Hồng Kông được nắm quyền tự chủ trong 50 năm, sau khi trở về với Trung Quốc. Điều này được ghi nhận là một nguyên tắc "một quốc gia, hai chế độ" trong tài liệu hiến pháp Luật Cơ bản.

Trong tháng 5, chính phủ Trung Quốc đưa ra một chỉ thị cho rằng Hồng Kông không có đầy đủ quyền tự chủ và khẳng định quyền lực tối thượng của thành phố nằm trong tay Bắc Kinh. Tuy nhiên, nhiều nhà hoạt động ủng hộ dân chủ tại Hồng Kông thấy điều này vi phạm nguyên tắc "một quốc gia, hai hệ chế độ" được ký kết trước đó.

Trước tình hình đó, cuối tháng 8, Trung Quốc cho biết sẽ cho phép Hồng Kông thực hiện một cuộc bỏ phiếu tìm lãnh đạo kế tiếp, nhưng không công khai danh sách các ứng cử viên, và các ứng cử viên đa phần đều là những thành viên thân cận của Bắc Kinh.

"Các thế hệ mới hoàn toàn không đồng ý với việc này," Alex Chow, lãnh đạo của Liên đoàn Sinh viên Hồng Kông nói trong một tuyên bố. Ông cho rằng Bắc Kinh đã "giết chết" hy vọng và cuộc đấu tranh dài ba thập niên tìm kiếm một nền dân chủ trọn vẹn của Hồng Kông.

Hiện vẫn chưa rõ có bao nhiêu sinh viên sẽ tham gia cuộc đình công, mặc dù các cuộc biểu tình gần đây đã thu hút được hàng ngàn người. Phương tiện truyền thông chính thức của Trung Quốc đã phỉ báng lãnh đạo sinh viên Hồng Kông và cảnh báo họ không nên gây rối. Các cơ quan chính phủ Hồng Kông chịu trách nhiệm về giáo dục nói nhiều lần rằng họ không hỗ trợ “tẩy chay” nhưng cũng sẽ không can thiệp điều này.

Trong khi đó, các sinh viên cho biết, họ sẽ lên kế hoạch tổ chức một hội đoàn thể ở một trường đại học vào hôm 22/9, trước khi di chuyển đến các khu vực công cộng khác.

Cuộc đình công đã phản ánh một xu hướng ngày càng tăng việc “bất tuân dân sự” giữa các sinh viên ở Hồng Kông, Macau và Đài Loan, nơi mà một nhóm biểu tình lớn đã chiếm đóng cơ quan lập pháp của hòn đảo trong 3 tuần hồi tháng 3 và 4/2014 để phản đối một hiệp ước thương mại gây tranh cãi với Trung Quốc.

"Trong số những người trẻ tuổi ở Hồng Kông, sự mất lòng tin đối với chính phủ Trung Quốc đã ngày càng tăng, chúng tôi cảm thấy chúng tôi không thể tin tưởng chính phủ cầm quyền Bắc Kinh", Agnes Chow, sinh viên  trường Scholarism cho biết.

Một số cuộc biểu tình trước đó của các sinh viên Hồng Kông đã khiến Bắc Kinh thực sự tức giận. Trong năm 2012, Hồng Kông đã gác lại kế hoạch một chương trình giảng dạy bắt buộc ủng hộ Trung Quốc tại các trường học, sau khi học sinh, sinh viên dẫn đầu cuộc biểu tình kéo dài một tuần và nói rằng kế hoạch này là tương đương với việc tẩy não một thế hệ trẻ của Hồng Kông. Một nguồn tin cho biết chính phủ Trung Quốc đã rất tức giận với sự đầu hàng của Hồng Kông trước những “đứa trẻ nổi loạn”.