Nhân vụ khủng bố bắt cóc con tin tại Australia: Tại sao khủng bố?

ANTĐ - Vụ khủng bố bắt con tin tại quán Lindt Chocolate Café tại Sydney, do một người Hồi giáo cực đoan tiến hành, đã kết thúc sau khi lực lượng Cảnh sát chống khủng bố giải cứu con tin vào 2h30 sáng ngày 16-12-2014. Kết quả là kẻ khủng bố đã bị bắn chết cùng 2 con tin tử vong. 

Ngoài ra còn có 4 con tin khác bị thương nặng nhưng không nguy hiểm đến tính mạng. Đây là cuộc khủng bố đầu tiên do những kẻ Hồi giáo cực đoan thực hiện tại Australia. Rất có thể, vụ khủng bố này là sự kiện khởi đầu cho một đợt khủng bố ngày một tăng, một phần do có liên quan tới sự tham gia của Australia vào cuộc chiến chống lại IS. Trong vòng 2 tháng sau khi liên minh các nước châu Âu và Ả-Rập do Mỹ dẫn đầu bắt đầu không kích vào IS ở Iraq và Syria, ông Tony Abbott,  Thủ tướng Australia đã tuyên bố trong một cuộc họp báo được phát sóng toàn quốc rằng đất nước đã chính thức tham gia vào chiến dịch quân sự chống lại “thứ chủ nghĩa thảm sát” của IS. Australia sẽ sớm chính thức triển khai các nhiệm vụ không kích cho 600 quân lính và máy bay. Ở phía ngược lại, có khoảng 70 người Australia được cho là đang chiến đấu cho các nhóm chiến binh ở Trung Đông.

Nhân vụ khủng bố bắt cóc con tin tại Australia: Tại sao khủng bố? ảnh 1

Tại sao khủng bố?

 Trước hết, phải khẳng định, chủ nghĩa khủng bố vốn là vấn đề nội bộ của thế giới Hồi giáo trước khi trở thành vấn đề của cả thế giới. Vốn là một xã hội mà thần quyền đóng vai trò quyết định trong đời sống, từ đầu thế kỷ 20, khi bắt đầu xuất hiện đường biên giới quốc gia ở Trung Đông và Bắc Phi, hệ tư tưởng Hồi giáo chính trị cũng bắt đầu hình thành và phát triển. Hồi giáo không còn đơn thuần chỉ là một tôn giáo mà đã tham gia vào cuộc chiến chính trị do các đế quốc phương Tây áp đặt. Một số trí thức Hồi giáo yêu nước thành lập ra các đảng chính trị, một số khác muốn giữ bản chất “nguyên gốc”, hình thành các “phong trào Hồi giáo”. Các đảng chính trị mang bản sắc Hồi giáo và các phong trào Hồi giáo này đóng vai trò không thể thiếu của phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc tại thế giới Ả-Rập trong suốt thế kỷ 20.

Những kẻ Hồi giáo cực đoan chia thế giới thành 2 khu vực: Khu vực của thế giới Hồi giáo. Khu vực còn lại của thế giới được gọi là “Vùng đất của những kẻ không tin đạo”. Những kẻ cuồng tín Hồi giáo đã tự ban cho mình cái quyền tự do thực hiện mọi hành vi chiến tranh trên những vùng đất không theo Hồi giáo. Mục tiêu tối hậu của chúng là biến cả thế giới này thành một vương quốc của Thiên Chúa Allah. Đó cũng là tinh thần của tổ chức khủng bố lớn nhất thế giới hiện nay: Tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (ISIS).

 Nhưng trong một thế giới hội nhập, nhân loại không chấp nhận để cho gần 1,5 tỷ người Hồi giáo vẫn sống trong một xã hội không dân chủ, con người không được hưởng các giá trị nhân quyền phổ quát và quan trọng hơn, những cuộc thánh chiến đe dọa sự ổn định địa chính trị, vốn đã được xây dựng ổn định từ giữa thế kỷ 20. Các cuộc can thiệp của các nước lớn vào khu vực Trung Đông, khu vực trung tâm, nơi sinh sống chủ yếu của người Hồi giáo đã biến cuộc xung đột nội bộ thế giới trở thành cuộc chiến tranh giữa những lực lượng của tư tưởng Hồi giáo nguyên gốc với cả thế giới. 

Những giải pháp toàn cầu

Rõ ràng, trước nguy cơ chủ nghĩa khủng bố toàn cầu, lẽ ra cả thế giới phải hình thành một mặt trận duy nhất để chống khủng bố. Rất tiếc, bởi những lợi ích riêng, chúng ta đang chứng kiến sự chia rẽ sâu sắc nhất kể từ hơn 20 năm nay giữa các nước lớn trên thế giới và vì vậy, nói cho đúng, cả thế giới chưa thể có một chiến lược duy nhất chống khủng bố. 

Trước một tổ chức Nhà nước Hồi giáo, có cơ hội lãnh đạo lực lượng Hồi giáo cực đoan toàn cầu, Mỹ đã thành lập một liên minh quân sự và chính trị. Chiến lược mới mà Nhà Trắng theo đuổi là mở rộng chiến dịch không kích vào các mục tiêu của IS không chỉ ở Iraq mà cả lãnh thổ Syria, đồng thời tiếp tục viện trợ và cung cấp vũ khí cho lực lượng nổi dậy tại Syria nhằm lật đổ Chính phủ Syria. Mỹ cam kết sẽ hỗ trợ nhiều mặt cho Chính phủ Iraq để cùng chống lại nguy cơ từ nhóm IS, giúp huấn luyện quân sự cho quân đội Chính phủ Iraq cũng như lực lượng vũ trang của chính quyền khu tự trị người Kurd ở các tỉnh miền Bắc Iraq. Đồng thời kêu gọi Quốc hội cho phép tăng cường trang bị và viện trợ cho các nhóm nổi dậy ở Syria. 

Trong khi đó, chủ trương của Nga trong cuộc chiến chống khủng bố là sử dụng các phương tiện quân sự ngoại giao thích hợp cùng một thông điệp chính trị rõ ràng. Nga chủ trương chống khủng bố ở mọi nơi có thể và sử dụng toàn bộ sức mạnh ngoại giao và quân sự. Trong khi Mỹ viện trợ cho các nhóm nổi dậy chống Chính phủ Syria thì từ năm 2011, Nga đã ủng hộ và cung cấp cho Chính phủ Syria vũ khí và các nguồn lực để chống lại các nhóm nổi dậy. 

Những cố gắng của 2 nước lớn và đồng minh của họ có thể đã đem lại một số kết quả. Tuy nhiên, phải nói thẳng, mục đích chống chủ nghĩa khủng bố vẫn còn quá xa vời, khi những vấn đề chính trị tại Trung Đông, những quyền lợi, kể cả quyền tín ngưỡng chưa được tôn trọng, chủ nghĩa khủng bố vẫn sống. 

Một cuộc cải cách chính trị sâu rộng với quyền tự do của mọi tư tưởng tôn giáo với sự đồng thuận không bị ép buộc của mọi người Hồi giáo sẽ là chìa khóa thật sự cho mọi cuộc chiến chống khủng bố. Tiền đề cho việc này là sự đoàn kết của mọi nước lớn, trước tiên là Mỹ và Nga.