Nga tẩy chay, không tham gia Hội đồng Nghị viện châu Âu

ANTĐ - Quốc hội Nga đã ra quyết định tẩy chay, không tham gia nghị viện châu Âu để đáp trả lại việc tổ chức này rút quyền bỏ phiếu của phái đoàn Nga và lệnh cấm vận của phương Tây đối với các cá nhân là nghị sĩ quốc hội.

Ngày 1-7, Quốc hội Nga đã quyết định là các nghị sĩ của nước này sẽ không đến Helsinki tham dự Nghị viện OSCE mặc dù Chủ tịch Hội đồng nghị viên châu Âu (PACE) Ilkka Kanerva đã chính thức lên tiếng kêu gọi đoàn Nga sang Phần Lan tham dự phiên họp.

Chủ tịch Duma Quốc gia Nga Sergei Naryshkin cho biết ông đã nhận được thư từ chủ tịch Hội đồng Nghị viện OSCE Ilkka Kanerva kêu gọi tham gia vào hoạt động của Hội đồng, nhưng phái đoạn nghị viên Liên bang Nga sẽ không thay đổi quyết định không đến Phần Lan.

Vị chủ tịch Duma quốc gia (Hạ viện Nga) nhấn mạnh rằng, quốc hội nước này coi việc hạ mức tư cách của cơ quan đại diện Nga tại các phiên họp của Hội đồng Nghị viện “là điều không thể chấp nhận được”.

Ngoài ra, quyết định của phái đoàn Nga còn liên quan đến lệnh trừng phạt của các nước châu Âu đối với các cá nhân là nghị sĩ Nga. Trước đây, Mỹ và liên minh châu Âu đã đưa ra lệnh cấm nhập cảnh đối với các cá nhân Nga, trong đó có nhiều nghị sĩ quốc hội nước này.

Một phiên họp của Hội đồng nghị viện châu Âu

Vừa qua, Phần Lan đã từ chối cho phép nhập cảnh các nghị sĩ Nga đang chịu lệnh trừng phạt, trong đó có Chủ tịch Duma Quốc gia Nga Sergei Naryshkin, nếu họ đến tham gia phiên mùa hè của Hội đồng Nghị viện OSCE. Đáp lại động thái này, phái đoàn Nga đã quyết định tất cả sẽ không đến Helsinki.

Được biết, vào ngày 28-1-2015, Hội đồng Nghị viện châu Âu đã kéo dài lệnh trừng phạt đối với quyền bỏ phiếu của các đại diện Nga trong Hội đồng này. Theo đó, 18 đại diện của Nga sẽ không được quyền bỏ phiếu cho đến ngày 20-4-2015, mặc dù vẫn được được tham gia các phiên họp của hội đồng.

Trước đó, vào hồi tháng 4-2014, Hội đồng nghị viện châu Âu cũng đã thông qua nghị quyết hủy quyền bỏ phiếu của Nga tại hội đồng đến hết năm 2014 do việc nước này sáp nhập bán đảo Crimea của Ukraine. Sau đó, lệnh hạ mức tư cách của phái đoàn Nga tiếp tục được gia hạn đến tháng 4 năm 2015.

Đáp trả lại, Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Quốc hội Nga, ông Alexei Pushkov cũng tuyên bố, quốc hội Nga từ chối bất kỳ hình thức tương tác nào với Hội đồng Nghị viện châu Âu, phái đoàn Nga sẽ dừng vai trò thành viên của mình trong PACE cho đến cuối năm 2015.