Nga cho rằng Tổng thống Ukraine bị... ảo giác

ANTĐ - Khi Tổng thống Ukraine Poroshenko cáo buộc Nga cung cấp vũ khí hạng nặng và hàng nghìn quân lính cho lực lượng ly khai, phía Nga cho rằng, vị tổng thống này đã bị...ảo giác.

Nga cho rằng Tổng thống Ukraine bị... ảo giác ảnh 1 Thành phố Mariupol tan hoang sau các cuộc tấn công của cả 2 phe
Ngay sau vụ pháo kích dữ dội vào Mariupol  khiến ít nhất 30 người chết, 83 người bị thương và làm hư hỏng nhiều cơ sở vật chất, tổng thống Poroshenko đã triệu tập cuộc họp khẩn của Hội đồng An ninh quốc gia để tìm cách đối phó với tình hình hiện tại.

Phía Ukraine lên án lực lượng ly khai của nước Cộng hòa nhân dân Donesk (DPR) sử dụng tên lửa Grad, bắn vào các khu dân cư khiến nhiều dân thường vô tội chết và bị thương. Tổng thống Poroshenko cho hay, cuộc đối thoại trên vô tuyến và điện thoại đã chứng minh phe ly khai đứng sau các vụ tấn công tại Mariupol.

Hơn nữa, hôm 24-1, lãnh đạo DPR, Alexander Zakharchenko nói: “Hôm nay, chúng tôi đã phát động một cuộc tấn công nhằm vào Mariupol. Đây là khoảnh khắc tốt nhất để tưởng nhớ tất cả những người lính đã hy sinh”.

Tuy nhiên, phía lực lượng ly khai đã phủ nhận cáo buộc này và cho rằng Kiev đã đi một “nước cờ sai lầm”. Ông Zakharchenko khẳng định, họ chỉ ngăn chặn quân đội Kiev tiến về phía đông của Mariupol chứ không phải càn quét thành phố.  

Sau thất bại trong cuộc “tổng tấn công” vào sân bay Donesk, Kiev lại tiếp tục tố cáo Moscow vi phạm thỏa thuận Minks, cung cấp vũ khí nặng cho phe ly khai và có tới 9.000 lính Nga đang chiến đấu ở Ukraine. Đáp trả lại, Moscow đã gọi phát biểu của Tổng thống Ukraine dựa trên “những ảo giác” và cho rằng, Ukraine mới là nguyên nhân khiến cuộc nội chiến bùng phát.

Trong một cuộc trò chuyện qua điện thoại với đại diện cấp cao của EU phụ trách vấn đề An ninh và đối ngoại, Federica Mogerhini, Ngoại trưởng Nga, Sergei Lavrov đã kêu gọi EU thúc giục phía Kiev hướng tới một “cuộc đối thoại chính trị toàn diện”.
Về phần mình, EU cũng yêu cầu Nga hãy sử dụng sức ảnh hưởng của mình đối với các nhà lãnh đạo ly khai để có một cuộc đối thoại chính trị với phía Kiev. Đồng thời ngừng hỗ trợ quân sự, chính trị cũng như là tài chính cho phe ly khai nhằm ngăn chặn những hậu quả tai hại có thể xảy ra. 

Pháo kích tại Mariupol cũng đã khiến EU và các nước phương Tây rất tức giận. Bạo lực gia tăng tại Ukraine khiến mối quan hệ của Nga và EU tiếp tục đi xuống.