Na Uy giận dữ khi Phó Thủ tướng Nga “thăm bất ngờ” Bắc Cực

ANTĐ - Na Uy đã triệu tập đại sứ Nga tại Oslo sau khi một quan chức hàng đầu của Moscow bất chấp lệnh cấm, đã đặt chân lên phần lãnh thổ ở Bắc cực của nước này.

Hôm 19-4, Phó Thủ tướng Nga Dmitry Rogozin đã bay đến Svalbard và sau đó đi đến Bắc Cực để mở một căn cứ quân sự của Nga trên một tảng băng trôi lớn. Chuyến thăm bất ngờ của ông Rogozin đến Svalbard - một quần đảo thuộc quyền kiểm soát của Na Uy ở Bắc Cực, đã gặp phải một phản ứng dữ dội từ các quan chức ở Oslo. Ngay lập tức, Đại sứ Nga tại Na Uy đã bị triệu hồi về thủ đô để trình bày lý do và mục đích “chuyến thăm không báo trước” của Phó Thủ tướng Nga.
Na Uy giận dữ khi Phó Thủ tướng Nga “thăm bất ngờ” Bắc Cực  ảnh 1Phó Thủ tướng Nga Dmitry Rogozin trong chuyến thăm đến Bắc Cực hôm 19-4

Phản ứng lại, Bộ Ngoại giao Nga đã đưa những lý giải (bằng tiếng Nga) về lập trường của Na Uy đối với chuyến đi của ông Rogozin và gọi đó là “quan điểm vô lý, khó giải thích xét theo luật pháp quốc tế quy định”.

Bộ Ngoại giao Nga cũng khẳng định các biện pháp trừng phạt hiện nay của Na Uy áp đặt lên Nga “không thể thay đổi được” hiệp ước Spitsbergen, cung cấp quyền đi lại tự do tới quần đảo Svalbard cho các bên tham gia ký kết năm 1920.  “Chuyến thăm của ông Rogozin đã không vi phạm bất cứ điều gì trong luật pháp của Na Uy”, tuyên bố trên trang web Bộ Ngoại giao Nga cho biết.

Về phần Phó Thủ tướng Nga, sau những phản ứng không mong đợi từ nước láng giềng, ông đã bày tỏ sự không hài lòng trên tài khoản Twiiter của mình. Ông cho biết ông đã bay trên một chuyến bay đặc biệt từ Longyearbyen và buộc phải hạ cánh ở sân bay duy nhất trong Svalbard vào hôm 19-4. Trong khi đó, Nga cũng có một thị trấn mỏ còn sót lại ở Barentsburg trong quần đảo của Na Uy từ thời Liên Xô và dường như chuyến thăm của ông Rogozin nhằm mục đích chính đến mỏ than này.

Được biết, ông Rogozin đứng đầu ủy ban của chính phủ Nga giám sát các dự án ở Bắc Cực. Trong giai đoạn 2015-2020, Nga có kế hoạch chi 4,3 tỷ USD để phát triển nguồn tài nguyên của nước này ở Bắc Cực.

Trong tháng 2-2015, tờ báo Rossiiskaya Gazeta của Nga đã dẫn lời ông Rogozin nói rằng sự phát triển của thềm Bắc Cực sẽ không tránh khỏi một cuộc xung đột về lợi ích giữa các quốc gia, thậm chí là đối đầu cả về ngoại giao.

Nga là một trong số các quốc gia có ảnh hưởng ở Bắc Cực đã nộp chính sách lãnh thổ lên Liên Hợp Quốc. Cũng như các quốc gia khác, Nga đang tăng cường sự hiện diện của mình ở khu vực băng giá giàu tài nguyên này.