Lĩnh vực nào được ưu tiên trong chuyến thăm Ấn Độ của Tổng thống Mỹ?

ANTĐ - Ấn Độ và Mỹ có thể sẽ đẩy nhanh đàm phán về vấn đề hợp tác cùng sản xuất thiết bị phóng điện từ lắp đặt trên tàu sân bay, trong chuyến thăm Ấn Độ của Tổng thống Mỹ từ ngày 25 đến ngày 27 tháng 1, để bảo đảm cho việc cất hạ cánh của máy bay trang bị trên hàng không mẫu hạm do Ấn Độ tự sản xuất.

Lĩnh vực nào được ưu tiên trong chuyến thăm Ấn Độ của Tổng thống Mỹ? ảnh 1

Ông Barack Obama (phải) và ông Narendra Modi gặp mặt tại phòng Bầu dục nhân chuyến thăm Mỹ của Thủ tướng Ấn Độ hồi cuối tháng 9 năm ngoái.

Một quan chức Ấn Độ tiết lộ, họ mong muốn được hợp tác với Hoa Kỳ để cùng nghiên cứu chế tạo hệ thống phóng điện từ lắp đặt trên tàu sân bay quốc nội do xưởng đóng tàu Cochin Shipyard Limited đang chế tạo.

Thứ trưởng Bộ quốc phòng Mỹ phụ trách về vấn đề mua sắm, công nghệ và hậu cần, ông Frank Kendal đã có chuyến thăm tiền trạm đến New Delhi trước thềm chuyến thăm Ấn Độ của Tổng thống Mỹ Brack Obama. Tại đây, ông đã có thảo luận với phía Ấn Độ về vấn đề hợp tác sản xuất sản phẩm quốc phòng, trong đó có thiết bị phóng điện từ lắp đặt trên tàu sân bay.

Thiết bị phóng điện từ do Mỹ chế tạo sử dụng đường ray điện từ để thay thế cho thiết bị sử dụng thuỷ lực thông thường. Chuyến thăm tiền trạm của vị Thứ trưởng Bộ quốc phòng Mỹ này nhằm thúc đẩy phát triển công nghệ và mậu dịch quốc phòng song phương, thúc đẩy hợp tác nghiên cứu và sản xuất hệ thống vũ khí quan trọng chung giữa hai quốc gia, chuyển bị tốt cho công tác ký kết hợp tác giữa hai nước trong thời gian chuyến thăm của Tổng thống Mỹ.

Ngoài thiết bị phóng điện từ, hai bên còn thảo luận về vấn đề cùng sản xuất máy bay không người lái, thiết bị cho máy bay vận tải C-130 của Công ty Lockheed – Martin. Trước đây Ấn Độ đã mua 5 chiếc C-130J, hiện đang mua thêm 6 chiếc nữa, có thể lô hàng này sẽ được bàn giao vào cuối năm 2017.

Vấn đề công nghệ và mậu dịch quốc phòng sẽ là một phần quan trọng trong thoả thuận mới về lĩnh vực quân sự giữa hai nước. Hiệp định khung hợp tác trong lĩnh vực này giữa Washington và New Delhi ký năm 2005 đã hết hiệu lực, do đó hai bên mong muốn tiếp tục xây dựng cơ chế hợp tác quốc phòng mới, để nâng cao hơn nữa mức độ hợp tác trong lĩnh vực quốc phòng của hai nước.