Kiếm bộn tiền nhờ giả tàn tật

ANTĐ - Theo Đài Truyền hình Bắc Kinh (Trung Quốc) 10h ngày 16-2, một người đàn ông tàn tật 2 chân, mặc quần áo cũ rách khi đang ngồi ăn xin ở một ga tàu điện ngầm, đã bị cảnh sát bắt giữ và lật tẩy hành vi giả mạo.

Kiếm bộn tiền nhờ giả tàn tật ảnh 1Lý chỉ giả khuyết tật chân, thực tế hắn vẫn đi bộ với bạn gái như bình thường

Hóa trang trong nháy mắt

Cảnh sát giao thông Bắc Kinh cho biết, sau một thời gian nắm tình hình, họ chú ý tới một người ăn xin có biểu hiện nghi vấn. Người này thường vào ga tàu điện ngầm Lưu Gia Dao từ cửa D. Lúc mới xuất hiện, hắn có vẻ ngoài như người bình thường, nhưng chỉ nháy mắt sau khi vào phòng vệ sinh, hắn đã biến thành người bị tàn tật chân, lê lết tại các khoang tàu xin tiền lẻ. Tuyến “ăn mày” cố định của đối tượng này là lên tàu từ ga Lưu Gia Dao đến ga Cửa phía Nam đường Huệ Tân Tây, rồi trở về ga Lưu Gia Dao. Một ngày, hắn lộn đi lộn lại theo tuyến tàu này để kiếm tiền bất chính.

Thời điểm lực lượng chức năng bắt giữ đối tượng là dịp trước Tết, ga tàu vắng khách. Vậy nên hắn đã ngang nhiên hóa trang thành người tàn tật ở một góc khuất tại ga tàu thay vì vào phòng vệ sinh kín đáo như mọi lần. Sau khi quỳ gối và ăn mặc nhếch nhác, hắn lê vào các khoang tàu, thản nhiên “tác nghiệp”. Đối tượng cầm một chiếc cốc giấy màu xanh, bật một đoạn nhạc thường dùng để xin tiền, vừa lê vừa chúc hành khách những câu tốt lành. Theo một đoạn video giám sát vào ngày 16-1, chỉ sau 40 phút lê khắp 6 khoang tàu của chiếc tàu điện ngầm tuyến số 5, đối tượng đã kiếm được một ca đầy tiền lẻ. 

Mua được 2 gian phòng giữa Thủ đô

Theo cơ quan chức năng, đối tượng giả tàn tật này họ Lý, 46 tuổi. Điều khiến mọi người kinh ngạc là trong thời gian giả tàn tật, Lý kiếm được hơn 10.000 NDT mỗi tháng và hắn đã mua được 2 gian phòng ở Bắc Kinh. Lý khai nhận, ngày làm việc của hắn bắt đầu từ 9h30 sáng cho đến chuyến tàu cuối cùng vào buổi tối. Hắn thừa nhận chỉ khiếm khuyết về thị lực chứ đôi chân không bị hỏng. “Không giả làm người tàn tật thì không ai cho tiền” – Lý ngụy biện và kể lại hắn phát hiện ra mánh lới làm ăn này khi thấy một người ăn xin kiếm được khá tiền nhờ… bị tàn tật.

Lý còn dùng nhiều thủ đoạn để đuổi những người ăn xin khác khỏi địa bàn hoạt động của mình. Biện minh cho hành động, hắn nói rằng giúp đảm bảo trật tự cho khu vực nhà ga. “Hiện ở tuyến tàu điện số 5 chỉ có một mình tôi và một người ăn xin nữa. Những kẻ khác mò tới là tôi đánh gãy chân nên không có ai dám lảng vảng” – Lý nói. Cơ quan cảnh sát giao thông Bắc Kinh cho biết, hành vi của đối tượng gây ảnh hưởng tới trật tự an ninh tại ga tàu điện ngầm. Nếu như trong lúc Lý lê lết tại các khoang tàu mà xảy ra tình trạng khẩn cấp, hành khách sẽ bị cản trở, không sơ tán kịp và có thể dẫn đến bi kịch giẫm đạp.

Trường hợp như Lý không hiếm gặp tại Trung Quốc. Cuối tháng 12 năm ngoái, trạm cứu hộ Huệ Châu, tỉnh Quảng Đông nhận được điện thoại báo về tình cảnh đáng thương của một người đàn ông khuyết tật phải bò lê trên phố để ăn xin. Khi nhân viên tiếp cận và đề nghị giúp đỡ, anh ta xây xẩm mặt mày nhất quyết từ chối. Không nỡ để người đàn ông vô gia cư phải chịu cái lạnh thấu xương, họ vẫn đưa anh ta về trung tâm nghỉ ngơi. Đến nơi, người đàn ông nói có người anh em họ đang sống ở Huệ Châu, nhờ liên lạc giúp đến đón về. Trong lúc chờ đợi, anh ta ngồi đếm số tiền hồi sáng thu được. “Đếm tiền xong, anh ta gói chúng vào chiếc túi màu đen, tự đứng lên, tiến về phía căng tin rồi hồn nhiên dùng bữa trưa”- một nhân viên trạm cứu hộ nói.

Để đối phó với thực trạng làm xấu diện mạo đô thị và lừa dối lòng thương hại như trên, năm 2015, cảnh sát giao thông Trung Quốc sẽ đẩy mạnh xử lý người ăn xin hoặc hát rong ở khu vực giao thông công cộng.