Khủng hoảng Yemen: Cuộc đấu đá của Iran và Ả Rập Saudi hay Al-Qaeda hưởng lợi?

ANTĐ - Sự rối loạn chính trị diễn ra nhiều tháng bên trong Yemen, một quốc gia nghèo khó của bán đảo Ả Rập, nay đã bùng nổ và phát triển thành một cuộc đấu tranh quyền lực đầy nguy hiểm trong khu vực. 

Trong tuần này, máy bay chiến đấu từ liên quân do Ả Rập Saudi dẫn đầu đã bắt đầu không kích vào thủ đô Sanaa của Yemen, nhắm mục tiêu vào phiến quân Houthi người Shiite đang chiếm giữ thành phố, sau khi họ đánh đuổi được Tổng thống Yemen đương nhiệm đến Aden.

Trước tình hình này các nhà phân tích chính trị đã nhìn thấy khủng hoảng ở Yemen không đơn giản là một cuộc nội chiến, sâu xa hơn nó đang trở thành một cuộc đấu đá không cân sức giữa Iran và Ả Rập Saudi cũng như là một trở ngại lớn trong hoạt động chống khủng bố của Mỹ.
Diễn biến mới nhất

Ả Rập Saudi cùng đồng minh đã ném bom vào sân bay quốc tế Sanaa và các căn cứ không quân của phiến quân Houthi ở thủ đô Sanaa hôm 26-3. Chưa dừng lại ở đó, Bộ trưởng Quốc phòng Ả Rập cho biết nước ông đang chuẩn bị sử dụng các lực lượng mặt đất cùng với sự trợ giúp từ đồng minh Ai Cập đế tấn công nếu cần thiết.
Video khung cảnh tan hoang của Sanaa sau các cuộc không kích

Iran hậu thuẫn dân quân Houthi và là đối thủ của Ả Rập Saudi đã lên án các cuộc không kích là" xâm lược và sẽ làm trầm trọng thêm cuộc khủng hoảng ở Yemen".

Bên thứ ba trong cuộc chiến ngầm là Mỹ, Ngoại trưởng John Kerry nói rằng Mỹ sẽ hỗ trợ quân sự và tình báo cho các quốc gia Ả Rập nhưng không tham gia vào các cuộc tấn công. Giải thích về điều này, một phát ngôn viên Bộ ngoại giao Mỹ nhấn mạnh “Thực sự đây là một tình huống khiến ai cũng phải bận tâm, và Mỹ cũng vậy”.

Bối cảnh cuộc khủng hoảng

Các phiến quân Houthi dòng Shiite nắm giữ thủ đô của Yemen vào tháng 9-2014 và buộc Tổng thống được Mỹ hậu thuẫn Abd-Rabbu Mansour Hadi phải đi lánh nạn ở thành phố cảng Aden. Tuy nhiên, trước tình hình căng thẳng ngày càng cao, ông Hadi một lần nữa phải đến Ai Cập để tìm kiếm sự hỗ trợ cho đất nước đang bị chiến tranh tàn phá của mình.

Được biết, Tổng thống đương nhiệm Hadi là một đồng minh của Mỹ  trong cuộc chiến chống lại tổ chức khủng bố khét tiếng Al Qaeda ở bán đảo Ả Rập. Thế nhưng với dân quân Houthi, người luôn ủng hộ cựu Tổng thống bị lật đổ Ali Abdullah Saleh, lại cho rằng ông Hadi chỉ như “một con rối” trong tay các quốc gia vùng Vịnh và phương Tây.

Mối quan hệ của Ả Rập Saudi và Iran

Nguyên nhân sâu xa của các cuộc xung đột hiện tại ở Yemen có liên quan đến một cuộc chiến tranh giành quyền lực giữa người Sunni cai trị Ả Rập Saudi và người Hồi giáo Shiite nắm quyền ở Iran.

Ả Rập Saudi cho rằng “giữ chân” được Iran là một trong những bước đi quan trọng đối với an ninh chính trị của họ, không đâu khác, chính Yemen như “một mũi giáo sắc nhọn của Iran và cần phải bẻ gãy”.

Quan tài của những người thiệt mạng trong cuộc không kích của Ả Rập Saudi vào Sanaa hôm 26-3

"Đây là ví dụ đầu tiên của Ả Rập Saudi để chống lại một cuộc nổi dậy từ người Shiite và ngăn chặn Iran mở rộng tầm ảnh hưởng", John Jenkins, cựu đại sứ Anh tại Ả Rập nhận định. Theo ông Jenkins, Ả Rập Saudi đang lo lắng trước những hành động của Iran trong khu vực, cho dù đó là chiến đấu chống tổ chức Nhà nước Hồi giáo cực đoan IS ở Iraq, Syria hay hỗ trợ các nhóm vũ trang Lebanon và các đảng phái chính trị Hezbollah.

"Yemen là quốc gia Arab thứ tư, nơi mà họ nghĩ rằng người Iran không chỉ thiết lập sự ảnh hưởng mà đó còn là một sự hiện diện quyền lực”, ông Jenkins nói.

Ai là người thực sự hưởng lợi?

Theo một cựu đại sứ Mỹ tại Yemen, cả Al Qaeda và đối thủ tiềm năng của nhóm, phiến quân Nhà nước Hồi giáo IS đều có thể thu lợi từ cuộc khủng hoảng Yemen. Các nhóm khủng bố có thể tìm thấy nhiều lãnh thổ để mở rộng lực lượng khi chính phủ và phiến quân nổi dậy giao tranh. Đặc biệt, việc các cố vấn Mỹ rút lui khỏi Yemen trong tuần này được coi như một trở ngại lớn cho hoạt động chống khủng bố.
Khủng hoảng Yemen: Cuộc đấu đá của Iran và Ả Rập Saudi hay Al-Qaeda hưởng lợi?  ảnh 2Al-Qeada mới thực sự là người được hưởng lợi từ cuộc khủng hoảng Yemen?

Trong khi đó, số lượng các quốc gia thất bại với phong trào của IS và Al-Qaeda ở Trung Đông đang tăng lên bao gồm Iraq, Syria, Libya và nay là Yemen. Những cuộc chiến tranh không ngừng nghỉ ở đây không chỉ khiến hàng triệu dân thường bỏ mạng mà còn là trở thành “mảnh đất màu mỡ” cho các nhóm cực đoan. Bức tranh Trung Đông đã hoàn toàn tương phản chỉ sau hơn một thập kỷ, khi trước đó Iraq, Syria và Libya đang trong chế độ độc tài còn Yemen là một đồng minh bé nhỏ của Mỹ.

Khủng hoảng chính trị ở Yemen đang thực sự đặt ra những mối lo ngại cho các quan chức Mỹ, vì phong trào của Al-Qaeda đã phát triển mạnh mẽ trong đất nước. Nếu Yemen tiếp tục lún sâu vào chiến tranh, các nhà phân tích cảnh báo rằng Al-Qaeda thực sự sẽ có “một thiên đường” như IS đang có.