Khủng hoảng mới liên quan tới Ebola mang tên… “thiếu tiền”

ANTĐ - Ngày 17-10, Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Ban Ki-moon đã đưa ra lời kêu gọi khẩn cấp mới để gây quỹ phục vụ cho việc chống lại dịch bệnh Ebola, sau khi lời kêu gọi trước đó của LHQ về việc gây quỹ đã không được như mong đợi.

Người đứng đầu LHQ nói rằng lời kêu gọi gây quỹ ủy thác 1 tỷ USD mà ông đưa ra hồi tháng 9 vừa qua chỉ thu về vỏn vẻ… 100.000 USD cho tới nay.

Như vậy, Tổng thư ký Ban Ki-moon đã gia nhập “đội ngũ” gồm những nhà lãnh đạo hàng đầu của thế giới chỉ trích nỗ lực toàn cầu trong việc đẩy lùi bệnh dịch Ebola nguy hiểm. Tính đến giờ, căn bệnh này đã cướp đi sinh mạng của 4.500 người, hầu hết ở các quốc gia Liberia, Guinea và Sierra Leone.

Khủng hoảng mới liên quan tới Ebola mang tên… “thiếu tiền” ảnh 1

Lời kêu gọi ngừng các chuyến bay đến và đi liên quan tới vùng dịch, sau khi 2 nữ y tá Mỹ bị mắc bệnh

Được biết, các nhà tài trợ đã đóng góp gần 400 triệu USD cho các cơ quan khác thuộc LHQ cũng như các tổ chức xã hội. Trong khi đó, quỹ ủy thác của LHQ mới chỉ nhận được cam kết tài trợ 20 triệu USD. Quỹ này được dự tính hoạt động như một nguồn dự trữ chi tiêu linh hoạt trong những trường hợp đặc biệt như chống lại dịch Ebola.

Trong số những quốc gia cam kết góp tiền cho quỹ nói trên, chỉ có Colombia là đã thực hiện đúng lời hứa với khoản đóng góp 100.000 USD.

Tổng thư ký Ban Ki-moon nói rằng đã tới lúc các quốc gia có đủ năng lực cung cấp hỗ trợ tài chính và hậu cần tham gia vào nỗ lực chống Ebola.

Khủng hoảng mới liên quan tới Ebola mang tên… “thiếu tiền” ảnh 2


Các nhân viên y tế chiến đấu trực tiếp với Ebola là những người dễ có nguy cơ nhiễm bệnh

Trước đó, cả Tổng thống Mỹ Barack Obama, Thủ tướng Anh David Cameroon và Chủ tịch Ngân hàng Thế giới Jim Yong Kim cũng đã đưa ra lời kêu gọi tương tự.

Phản ứng trước những lời kêu gọi trên, cựu Tổng thư ký LHQ Kofi Annan nói rằng, ông “thất vọng cùng cực” với sự phản ứng của cộng đồng quốc tế trước nỗ lực ngăn chặn và tiêu diệt Ebola.

“Nếu cuộc khủng hoảng bệnh dịch này xảy ra ở những nơi khác thì có lẽ thế giới đã có cách phản ứng khác. Như khi Ebola xuất hiện ở Mỹ và châu Âu, cộng đồng quốc tế mới thức giấc”, ông Annan ám chỉ Tây Phi bị đối xử không công bằng khi chẳng nhận được nhiều hỗ trợ trong thời gian qua.