Hy Lạp tuyên bố nhiều khả năng phải “chia tay” Eurozone

ANTĐ - Mới đây Ngân hàng trung ương Hy Lạp đã cảnh báo rằng Athens có nguy cơ phải rời bỏ khối tiền chung Euro (Eurozone) cũng như liên minh Châu Âu EU nếu nước này thất bại trong việc đàm phán các khoản cứu trợ cuối cùng có giá trị 7,2 tỉ euro.

Vào ngày 17-6 vừa qua, ngân hàng này cho biết: “Sự thất bại trong việc trả nợ sẽ đánh dấu mốc khởi đầu một quá trình đầy khó khăn, khiến nền kinh tế Hy Lạp đi xuống nhanh chóng và cuối cùng có thể phải rút khỏi khu vực đồng euro và khối liên minh Châu Âu (EU)”.

Hy Lạp tuyên bố nhiều khả năng phải “chia tay” Eurozone ảnh 1Bộ trưởng Tài chính Hy Lạp Yanis Varoufakis 

Khoản nợ của Hi Lạp có nguy cơ dẫn đến một cuộc khủng hoảng lớn và nguy hiểm, nhất là đối với hệ thống ngân hàng và sự ổn định tài chính quốc gia.

Mặt khác, việc bị loại khỏi EU sẽ kéo theo sự sụp đổ của tất cả những thành quả mà Hi Lạp nỗ lực đạt được kể từ khi gia nhập khối, bao gồm mức lạm phát tăng đột biến trong tương lai, kết quả tất yếu sẽ khiến nền kinh tế bị trì trệ nghiêm trọng, sự sụt giảm thu nhập đáng kể, tỉ lệ thất nghiệp tăng theo cơ số mũ, ngay cả mối quan hệ với các quốc gia khác.

Cuộc đàm phán suốt 5 tháng qua đã gây nên tâm lý bất ổn cho các nhà đầu tư, phản ánh qua mức lợi tức cổ phiếu tăng cao và hàng loạt công ty mất đi nguồn đầu tư từ nhiều thị trường vốn. Trong khi đó, tình hình trong nước ngày càng xấu đi khi nhiều tổ chức và hộ gia đình lần lượt rút về các khoản tiền gửi từ ngân hàng, ước tính có giá trị đạt 30 tỉ euro từ tháng 10-2014 cho đến tháng 4-2015.

Tình trạng căng thẳng càng gia tăng sau khi Hy Lạp tạm hoãn chi trả món nợ 300 triệu euro cho Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) vào ngày 5-6 với lời hứa hẹn sẽ trả gộp tổng món nợ trị giá 1,6 tỉ euro vào cuối tháng này.

Cho tới nay nhiều cuộc đàm phán trên cơ sở là điều kiện giúp Hy Lạp có thể nhận được khoản cứu trợ cuối cùng với giá trị 7,2 tỉ euro, vẫn vấp phải nhiều khó khăn. Tuy nhiên, Ngân hàng trung ương Athens cho biết sự thỏa hiệp về những điều kiện chính khác hay về những vấn đề nhỏ hơn vẫn đang tiếp tục được giải quyết.