Họp bàn hạt nhân Iran có dấu hiệu tích cực

ANTĐ -  Buổi họp bàn về vấn đề hạt nhân của Iran ở Thuỵ Sĩ có thể kéo dài sang ngày 1-4, vượt quá hạn chót đặt ra ban đầu. Trước đó, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov cho biết nhiều khả năng cuộc thảo luận sẽ cho một kết quả tốt đẹp.

“Iran không muốn có một thoả thuận hạt nhân đơn giản mà thoả thuận cuối cùng phải đảm bảo được quyền sở hữu hạt nhân của Iran. Chúng tôi sẽ tiếp tục bàn bạc cho tới khi tất cả các bên đồng ý về các vấn đề tranh chấp”, đại diện của Tehran, Hamid Baidinejad nói với các phóng viên.

Cuộc thảo luận giữa Iran và P5+1 đang có những biến chuyển tốt đẹp

Một quan chức Mỹ cũng thừa nhận rằng cuộc thảo luận căng thẳng với Iran có thể kéo dài qua đêm và lấn sang ngày 1-4. Mặc dù việc đàm phán vẫn chưa kết thúc, tuy nhiên, tâm trạng chung của các quan chức đều rất vui vẻ.

Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov cho biết kết quả của cuộc thảo luận là “khá hứa hẹn, tuy nhiên, không bao giờ có 100% chắc chắn”.

Ngoại trưởng Nga nói thêm rằng một khi các bên thống nhất được ý kiến, Liên Hợp Quốc sẽ ngay lập tức xoá bỏ trừng phạt đang áp đặt với Iran về chương trình hạt nhân của mình. Về các lệnh trừng phạt riêng biệt của Mỹ và đồng minh, ông Lavrov cho biết Nga sễ không bao giờ công nhận điều này, không chỉ với Iran mà bất kì nước nào khác.

Một số nhà ngoại giao Iran tham dự hội nghị cho rằng thoả thuận cuối cùng sẽ được kí trong cuộc gặp tiếp theo tại Geneva: “Chúng tôi đang cố gắng soạn thảo ra một văn bản chung. Nếu mọi thứ diễn ra tốt đẹp, thi một lễ kí kết sẽ được diễn ra tại Geneva vào thời gian tới”.

Iran và nhóm P5+1 bao gồm Mỹ, Pháp, Nga, Trung Quốc, Đức và Anh đã cùng họp bàn tại thành phố Lausanne, Thuỵ Sĩ nhằm tìm ra một thoả thuận cuối cùng cho tranh cãi hơn một thập kỉ qua về vấn đề hạt nhân của Iran.

Thoả thuận này sẽ hạn chế các hoạt động hạt nhân của Iran, điều sẽ ngăn cản họ nhanh chóng sở hữu các khả năng hạt nhân trong khi vẫn có thể phát triển một ngành công nghiệp hạt nhân dân sự.

Tuy nhiên, thoả thuận này lại đang nhận được sự phản đối bởi các nước láng giềng đối đầu với Iran trong khu vực như Israel hay Ả-Rập Saudi.