Hong Kong đang xảy ra chuyện gì?

ANTĐ - Từ ngày 28-9, hàng chục ngàn người đã bao vây trụ sở chính quyền đặc khu Hong Kong, Trung Quốc. Vậy Hong Kong đang xảy ra chuyện gì?

Khi thành phố cảng này được Anh trao trả lại cho Trung Quốc hồi năm 1997, một thỏa thuận đã được 2 nước ký kết; trong đó, Trung Quốc cam kết sẽ trao cho Hong Kong “một quyền tự trị” theo mô hình “một đất nước, hai chế độ”. “Luật Cơ Bản”, hay còn gọi là “hiến pháp mini”, của đặc khu này cho phép thành phố được giữ quyền lực về kinh tế và pháp luật.

Người biểu tình tập trung trước tòa nhà chính quyền Hong Kong

Cũng theo “Luật cơ bản” này quy định, thì Trưởng Đặc khu hành chính Hong Kong được bầu lên từ tổng tuyển cử. Năm 2007, Ủy ban Thường vụ Đại hội Đại biểu Nhân dân Trung Quốc cũng đã quyết định tổng tuyển cử sớm được thực hiện vào năm 2017. Chính vì thế, hiện nay, người dân Đặc khu này đang chờ đợi một cuộc tổng tuyển cử, đây chính là lời cam kết của Bắc Kinh khi Hong Kong trở về Trung Quốc.

Hiện tại, Trưởng Đặc khu Hong Kong do 1.200 người trong Ủy ban bầu cử bầu lên; ứng cử viên cuối cùng chỉ cần nhận được 601 số phiếu ủng hộ là có thể giữ chức Trưởng Đặc khu, mà không cần phải có sự chứng kiến của người dân Hong Kong trong quá trình bầu cử.

Nhiều người Hong Kong cho rằng 1.200 người trong Ủy ban này, không thể đại diện cho tất cả người dân của đặc khu, do đó họ yêu cầu chính quyền Trung ương Trung Quốc cần phải cải cách quy chế bầu cử.

Hơn nữa, họ cho rằng quyết định của Ủy ban Thường vụ Đại hội Đại biểu Nhân dân toàn quốc ngày 31-08-2014 cho thấy, ngay cả khi thực hiện mỗi một người dân một lá phiếu đi bầu Đặc khu trưởng, cũng nhất định phải thông qua sự đề cử của “1.200 người trong Ủy ban bầu cử”, với số phiếu ủng hộ quá bán mới được đi bỏ phiếu.

Theo người dân đặc khu, 1.200 người không có tính đại biểu. Hiện nay, cần phải cải cách bầu cử, không đơn thuần chỉ để 1.200 người đại biểu cho lợi ích cho cả Hong Kong, mà cần phải trao cho họ nhiều quyền hạn hơn. 

Ngoài lý do trên, các cuộc khảo sát cho thấy tỉ lệ ủng hộ chính quyền đặc khu của người dân Hồng Kông cũng đang giảm mạnh, còn sự ngờ vực đối với chính quyền Bắc Kinh thì ở mức cao nhất kể từ khi đặc khu này được trao trả cho Trung Quốc.

Sự bất mãn, đặc biệt là ở giới trẻ, đang gia tăng bởi cách biệt giàu nghèo ngày càng lớn và việc ngày càng nhiều du khách Trung Quốc đại lục được miễn thuế ồ ạt tràn vào Hồng Kông để mua sạch mọi thứ, từ căn hộ cho đến sữa bột trẻ em. Một cuộc khảo sát công bố hôm 21-9 cho thấy, cứ 5 người Hồng Kông thì có một người muốn rời khỏi đặc khu.

Những người tham gia biểu tình lần này thuộc đủ mọi thành phần xã hội, bao gồm cả học sinh, sinh viên, giáo sư đại học, lãnh đạo tôn giáo và các chuyên gia tài chính.

Những người đòi dân chủ đã đáp trả lại sự khước từ của Bắc Kinh bằng lời đe dọa sẽ phong tỏa khu vực trung tâm Hồng Kông, nơi tọa lạc của nhiều ngân hàng lớn và các công ty, bằng một chiến dịch mang tên “Chiếm lĩnh Trung tâm” (Occupy Central).